Cướp biển Somali ra hầu toà tại New York

Sự thật về cướp biển Somalia

Nghi phạm cướp biển Somali Abduwali Abdukhadir Muse bị đưa ra Toà án New York. Ảnh AP.
Nghi phạm cướp biển Somali Abduwali Abdukhadir Muse bị đưa ra Toà án New York. Ảnh AP.

Nghi phạm cướp biển Somali Abduwali Abdukhadir Muse bị đưa ra Toà án New York với 10 tội danh, trong đó có các trọng tội như âm mưu và tiến hành thực hiện bắt giữ con tin, tấn công bằng vũ trang đối với lực lượng Mỹ…

Tại toà, Abduwali Abdukhadir Muse đã bác bỏ mọi tội danh nói trên.

Được biết, nếu bị kết tội cho bất cứ tội danh nào nêu trên, Abduwali Abdukhadir Muse sẽ có thể phải hưởng án tù chung thân tại Mỹ - mức án tối đa cho mỗi tội danh.

Tại toà, Muse mặc áo quần tù nhân của Mỹ và nghe luận tội qua lời phiên dịch. Ngoài việc bác bỏ mọi tội danh nói trên, Muse chỉ cúi mặt nhìn xuống đất trong suốt thời gian xét xử.

Muse bị Hải quân Mỹ bắt giữ vào ngày 12/4 vừa qua sau khi tham gia vụ bắt cóc tàu Maersk Alabama của Mỹ trên vịnh Aden ở ngoài khơi Somali. Sau đó, Muse bị giải về Mỹ vào ngày 21/4.

Tàu Maersk Alabama do Thuyền trưởng người Mỹ Richard Phillips điều khiển đang trên đường chở thực phẩm cứu trợ tới cho người Somali thì bị cướp biển tại vùng biển này tấn công bắt giữ.

Lúc đó, thuỷ thủ đoàn gồm 20 thành viên người Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát con tàu song thuyền trưởng Phillips đã bị bắt làm con tin khi ông tự nguyện làm con tin để đổi lại tự do cho các thuỷ thủ của mình lúc đó đang bị bắt giữ.

Hải quân Mỹ đã tiêu diệt 3 tay cướp biển và bắt giữ Muse sau cuộc giải cứu.

Thuyền trưởng người Mỹ bị bắt cóc Richard Phillips đã được giải cứu khỏi tay cướp biển Somali một cách an toàn.

Thuyền trưởng Richard Phillips là người Mỹ đầu tiên bị hải tặc Somalia bắt làm con tin. Các nhà phân tích cho rằng, vụ tấn công nhằm vào tàu Maersk Alabama của thuyền trưởng Phillips nhiều khả năng sẽ dẫn tới một giai đoạn mới trong các nỗ lực ngăn chặn cướp biển của cộng đồng quốc tế.

Trước đó, một nhóm 5 nghi phạm cướp biển Somali bị bắt sau khi tấn công một con tàu Hà Lan cũng vừa phải ra hầu tòa ở Hà Lan. Điều thú vị là, ít nhất hai trong số đó đã tuyên bố ý định ở lại trong nhà tù Hà Lan hơn là được thả về Somali.

Somali vẫn chưa có chính quyền thực sự kể từ năm 1991 tới nay và vì vậy, mảnh đất và vùng biển nơi đây đã trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc cướp bóc, đặc biệt là các cuộc cướp bóc trên biển.

Phía Somalia đã cho phép các nước quyền tự do sử dụng vũ lực đối với lực lượng cướp biển.

Hiện nay, tàu chiến của một số quốc gia đã được điều đến vùng biển Somalia để đối phó với cướp biển.

Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước cử tàu chiến và máy bay chiến đấu đến để ngăn chặn nạn cướp biển để bảo vệ đời sống của dân thường vì hiện nay trên 90% lương thực thực phẩm được vận chuyển bằng đường biển.

Theo Nhật Vy (VNN/ AFP, CNN, BBC)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm