Cuộc sống các nạn nhân trước khi ra đi cùng MH17

Trên chuyến bay đó, có 192 người Hà Lan, 44 người Malaysia, 27 người Australia, 12 người Indonesia, 10 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Philippines, 1 người Canada, 1 người New Zealand bị tước đi mạng sống. Họ bị tên lửa bắn hạ. Có lẽ không ai trong số 298 người đó ngờ được cuộc đời của họ có lúc phải đối mặt với TÊN LỬA.

Những giấc mơ dang dở

Cuộc sống các nạn nhân trước khi ra đi cùng MH17 ảnh 1
 Chàng trai trẻ Simon Mayen vui vẻ bên bạn bè

Một chàng sinh viên khoa toán có tên Simon Mayne đang trên đường đi nghỉ hè. Cha của cậu, ông Richard Mayne vô cùng phẫn nộ trước cái chết tức tưởi của con trai. Ông đổ lỗi cho tổng thống Nga Putin và nói sự ủng hộ của Nga đối với quân nổi dậy đã giết chết con trai ông. Cậu bé chỉ mới  tròn 17 tuổi.

Nạn nhân trẻ tuổi khác, Ben Pocock, sinh viên năm thứ hai khoa kinh doanh quốc tế. Anh đang trên đường đến Australia để học một năm trong chương trình đào tạo của nhà trường.

Trên chặng bay đó, có rất nhiều người đang phấn khởi chờ đợi một cuộc vui kì thú. Nhóm người gồm khoảng 8 người là thành viên câu lạc bộ hâm mộ đội bóng Newcastle United. Trong số đó, người ta xác định được danh tính của ông John Adler 63 tuổi và Liam Sweeney 28 tuổi. Họ đang trên đường đến xem trận đấu của NU. Trước khi lên máy bay, họ còn cập nhật tâm trạng vui vẻ trên mạng xã hội.

Cặp đôi Elaine Teoh (người Malaysia) và Emiel Mahler (người Hà Lan) cũng là nạn nhân trong thảm họa

Tang thương các gia đình

Gia đình bà Nguyễn Ngọc Minh (37 tuổi) và hai con Đặng Minh Châu (17 tuổi) Đặng Quốc Duy (13 tuổi) cũng nằm trong số 192 nạn nhân quốc tịch Hà Lan. Bà Minh cùng hai con đang trên đường về Việt Nam tổ chức đám giỗ đầu cho người chồng, người cha thân yêu của họ. Một năm trước, ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Trong một năm, gia đình bà Minh phải chịu đựng nỗi đau mất đi 4 người thân.

Trên chuyến bay định mệnh này còn có sự hiện diện của người bà của đương kim thủ tướng Malaysia ông Najib Razak. Bà Puan Sri Siti Amirah - 83 tuổi, sinh ra tại Indonesia, là người vợ thứ hai của ông Tan Sri Mohammad Noah Omar, ông của thủ tướng Razak. Thông tin này đã được ông Najib xác nhận với báo giới tại khách sạn Sama-Sama gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur tại Sepang hôm 18.7.

 Thân nhân của hành khách trên chuyến bay

Mất mát của nhân loại

Cựu quân nhân Stephen Anderson, 44 tuổi, sau khi ly hôn với người vợ đầu, ông đã chuyển đến ở Penang (Malaysia) làm kỹ thuật viên cho tập đoàn khoan Maersk. Ông là một nhân viên ưu tú của tập đoàn, có nhiều sáng kiến và đóng góp.

Khi bước lên máy bay, cựu lãnh đạo đội cứu nạn Hoàng gia Anh này đã có 23 năm ở trong đội cứu nạn của không quân hoàng gia và từng cứu giúp được rất nhiều nạn nhân trong các thảm họa, tai nạn. Cuối cùng ông lại trở thành một nạn nhân. Lần này, không ai cứu được ông.  

 Ông Joep Lange, cựu chủ tịch Hiệp hội bệnh AIDS quốc tế, được cho đã tử nạn trong số hơn 100 chuyên gia bệnh AIDS trên chuyến bay MH17 bị tên lửa bắn rơi ở Ukraine ngày 17.7 - Ảnh: IFARA

Trên chuyến bay MH 17 còn có 108 chuyên gia nghiên cứu AIDS đến dự Hội nghị ở Úc. Trong đó có cựu Chủ tịch Hiệp hội AIDS quốc tế, ông Joep Lange (Đại học Amsterdam, Hà Lan) và phát ngôn viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Glenn Thomas.

Giáo sư Lange là người có nhiều công trình viết về điều trị bệnh AIDS, cách phòng ngừa lây lan HIV từ mẹ sang con. Ông là chủ tịch Hiệp hội AIDS quốc tế từ 2002 - 2004, sáng lập và đồng chủ bút tạp chí Liệu pháp kháng virus.

Tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 17.7, Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak nói: "Đây là một ngày bi thảm, trong một năm bi thảm cho Malaysia".

Nỗi đau day dứt mãi

Cuộc sống các nạn nhân trước khi ra đi cùng MH17 ảnh 5
 Ba bé Mo (12 tuổi) , Evie (10 tuổi) và Otis (8 tuổi) được ông nội đưa về nhà để chuẩn bị nhập học sau chuyến du lịch tại Amsterdam

Giờ đây, tất cả đã tan vào hư không cùng số phận bi thảm của chiếc máy bay Boeing 777, số hiệu MH 17 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Tất cả những gì người ta tìm thấy được trên mặt đất có thể làm chấn động cả những người sắt đá nhất.

Một người mặc quần jeans, chân không mang giày, một người khác mặc áo polo, quần short xám...cả hai bị cháy xém. Nạn nhân thứ ba không nhìn rõ mặt, mặc mặc quần dài màu xanh, thân xác không còn nguyên vẹn.

Gần đó, xác một cậu bé khoảng 10 tuổi nằm trên cỏ với khuôn mặt đầy vẻ sợ hãi. Cậu bé chỉ còn lại một bên giày với chiếc tất có hình trang trí. Hành khách nhỏ tuổi này bị kẹt trong ghế ngồi, dây an toàn vẫn thắt chặt ngang áo. Nhiều xác chết là các thiếu nữ, người già, có cả phụ nữ mang thai. Trên máy bay lúc đó có đến 80 trẻ em, trong đó có 3 bé sơ sinh.

 Nhân viên cứu hộ đánh dấu nơi có xác nạn nhân bằng các cọc gỗ buộc dải băng trắng

Các hành khách trên chuyến bay MH17 dường như đều chuẩn bị trạng thái thoải mái nhất cho một cuộc hành trình dài từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Đa số họ đều trong trang phục gọn nhẹ.

Trước khi bị cướp đi mạng sống trong chuyến bay định mệnh, các nạn nhân đều có cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ và bình thường. Thế nhưng, cái chết của họ lại hoàn toàn không bình thường, không minh bạch, theo một cách đau đớn nhất.

Chính vì vậy, điều cần làm rõ lúc này là ai đã gây ra kết cục bi thảm này cho những con người vô tội, vô can kia? Cuộc chiến ở Ukraine không liên quan đến họ và những kẻ đã kéo họ trở thành nạn nhân trong trò chơi chính trị của mình cần phải bị trừng phạt.

Phương Dung (tổng hợp) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm