3 điểm nóng thế giới 2020 - Bài 2

Cuộc đua vào Nhà Trắng cuốn hút và khốc liệt

Được tổ chức mỗi bốn năm một lần, các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ lâu đã luôn là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Gần nhất, thống kê của công cụ tìm kiếm Google cho thấy từ khóa “bầu cử tổng thống Mỹ 2016” nằm trong số 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất của năm.

Khi cả thế giới nín thở nhìn vào Mỹ

Theo tạp chí Vice, sức hấp dẫn của mô hình Mỹ và tầm ảnh hưởng của Washington lên các vấn đề quốc tế là những lý do chính khiến bầu cử tổng thống của nước này nhận được sự quan tâm rất lớn từ phần còn lại của thế giới.

Nhiều đồng minh của Washington đang lo ngại rằng mô hình nước Mỹ đang mất dần tính hấp dẫn, đặc biệt dưới thời ông Trump. Điều này về lâu dài sẽ tạo điều kiện cho mô hình phát triển kiểu Trung Quốc nổi lên như là một giải pháp thay thế ở các nước đang phát triển và thậm chí các quốc gia phát triển.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia thời tổng thống George Bush Stephen Hadley nhận định rằng: Nếu nền chính trị Mỹ càng phân cực và càng kém hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi của nước Mỹ thì sức hấp dẫn của mô hình Mỹ sẽ càng giảm. Ông Hadley cho biết các kỳ bầu cử không phải chỉ là một công cụ để người dân Mỹ bầu tổng thống mới, mà còn là dịp để chứng minh nước này hoàn toàn có thể tự giải quyết các vấn đề của đất nước thông qua một lãnh đạo có thực tài.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ nổi lên như một siêu cường với tầm ảnh hưởng lan rộng gần như ở mọi châu lục. Về kinh tế, Mỹ là đầu tàu của thế giới khi chỉ cần Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thay đổi lãi suất thì sẽ làm rung chuyển cả nền kinh tế toàn cầu. Về quốc phòng, Mỹ có hơn 200 căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ cường quốc nào khác.

Chính vì vai trò quyết định, điều hướng đối với sự phát triển chung của thế giới nên những sự kiện lớn ở Mỹ được dư luận các nước theo dõi sát sao là điều dễ hiểu. Dư luận quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ vì kết quả cuối cùng không chỉ có ý nghĩa trong lòng nước Mỹ, mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác trên quy mô toàn cầu. Người nắm giữ chiếc ghế tổng thống Mỹ không chỉ lãnh đạo toàn bộ nước Mỹ, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho hàng trăm triệu người dân Mỹ. Họ còn trực tiếp tác động vào toàn bộ hoạt động của phần còn lại của thế giới, góp phần định hình tình hình chính trị, kinh tế, an ninh chung.

“Rất nhiều mạng sống trên thế giới phụ thuộc vào quyết định và lời nói của tổng thống Mỹ. Thế giới hoàn toàn có lý do chính đáng để quan tâm đến chính trị của cường quốc này. Trong khi giới tình báo Washington lo ngại khả năng Nga can thiệp bầu cử Mỹ thì họ quên mất những cuộc bầu cử mà Washington đã trực tiếp nhúng tay can thiệp và gây ra những hậu quả không thể lường trước được. Những gì xảy ra ở Mỹ đều có sức ảnh hưởng đến toàn thế giới” - GS Simon Tate thuộc ĐH Newcastle (Úc) cho biết.

24 ứng viên tổng thống Mỹ trong cuộc đua trở thành đại diện phe Dân chủ (ảnh dưới) chưa tạo được ưu thế lớn trước đương kim Tổng thống Donlad Trump. Ảnh: REUTERS

Bầu cử 2020 - cuộc đua đang nóng dần

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59 dự kiến vào ngày 3-11-2020, tức là còn chưa  đầy một năm nữa mới diễn ra nhưng những động thái tranh cử của các đảng phái đã diễn ra rầm rộ từ nhiều tháng nay.

Thậm chí ngay từ sau thất bại của cuộc bầu cử năm 2016, người ta đã thấy nhiều ứng viên đảng Dân chủ rậm rịch chuẩn bị cho kế hoạch công kích đương kim tổng thống thuộc đảng Cộng hòa. Chưa bao giờ có nhiều ứng viên tuyên bố sẽ tham gia tranh cử đến thế trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tính đến lúc này, đã có 23 ứng viên của đảng Dân chủ tuyên bố tham gia đường đua (và con số đó được cho là vẫn chưa dừng lại).

Sự bùng nổ các ứng viên bên phía đảng Dân chủ là bởi sau sự rút lui của bà Hillary Clinton, người đã lọt vào vòng đấu cuối cùng với ông Trump bốn năm trước, không còn ai tỏ ra vượt trội.

Do đó, tất cả nhân vật có tiếng nói trong đảng Dân chủ đều tự coi mình là có cơ hội để trở thành người đặc biệt nhất, xứng đáng đại diện cho phe đối lập. Thất bại năm 2016 của bà Clinton là một bất ngờ lớn với nhiều chuyên gia theo dõi bầu cử Mỹ và người ta đã chờ đợi rất nhiều vào sự trỗi dậy của cựu ngoại trưởng vào năm 2020. Nhưng khi bà Clinton quyết định rút lui, cuộc đua thực sự mở rộng.

Tổng thống Trump có thể thu được nhiều thành công trong điều hành kinh tế Mỹ với chỉ số thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập niên. Song về mặt đối ngoại, ông thực sự gặp nhiều vấn đề.

Trong hội nghị của NATO hồi đầu năm, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang là ứng viên sáng giá nhất của phe Dân chủ cho cuộc đua năm 2020, đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ trở lại”. 

Không giải quyết được căng thẳng với Triều Tiên, phá bỏ thỏa thuận với Iran, đơn phương hỗ trợ Israel một cách công khai và rồi bỏ rơi những đồng minh NATO của mình... “Nước Mỹ trên hết” đang thu mình lại đáng kể so với nhiều thập niên qua. Khi nước Mỹ phản ứng với các vấn đề bằng những dòng tweet tùy hứng của ông Trump, họ khiến các nước đồng minh nghi ngờ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Trong các vấn đề đối nội, Tổng thống Trump cũng để lại nhiều hoài nghi. Thắt chặt hàng rào với người nhập cư, đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhóm thiểu số, ông Trump khiến cộng đồng những người Mỹ Latinh, người Hồi giáo và các cộng đồng nhỏ khác cảm thấy bị tổn thương.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đại diện của các nhóm cộng đồng này cũng đã lần đầu tiên bước vào điện Capitol, để trở thành lực lượng đối lập với vị tổng thống được đánh giá là cực đoan nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Có thể với một bộ phận dân chúng Mỹ, những dòng tweet của ông Trump thật thú vị nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là một nền chính trị tùy hứng, điều không có lợi cho hình ảnh của nước Mỹ.

Sau thất bại năm 2016, các ứng viên của đảng Dân chủ cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình. Sự lớn mạnh của truyền thông xã hội đã khiến họ không thể đứng ngoài cuộc. Những dòng tweet giờ cũng thành một công cụ để họ tiếp cận với các cử tri của mình một cách trực tiếp hơn (nhưng dĩ nhiên là thận trọng hơn ông Trump) rất nhiều. Nó khiến cho các ứng viên đối lập càng có niềm tin rằng mình có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tới.

Tuy nhiên, thời gian vẫn còn dài, đặc biệt là khi những cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào đang bắt đầu để lại những di chứng. Khi khởi động cuộc đối đầu với Trung Quốc, ông Trump có lẽ đã đặt tất cả vận mệnh chính trị của mình vào đó. Bên cạnh đó, liệu những cuộc đọ sức mới với đồng minh EU, Nhật Bản và Hàn Quốc có làm xấu đi hình ảnh của ông? Sẽ còn rất nhiều khúc ngoặt trong gần một năm nữa của chặng đua này.

Đảng Dân chủ gặp khó

Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến mùa bầu cử chọn ứng cử viên tổng thống của từng đảng nhưng những ứng cử viên lại cho thấy sự không chắc chắn về bản sắc của đảng mình đại diện. Cựu phó tổng thống Joe Biden thì tung hô kinh nghiệm kỳ cựu của mình và tham gia cuộc đua với tư cách là một ứng cử viên trung dung, kiên định và sẵn sàng làm việc với tất cả phe phái chính trị.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders thì lại kêu gọi sự thay đổi tự do mạnh mẽ. Nỗi lo của đảng Dân chủ gia tăng khi chưa thể tìm được một nhân vật mạnh mẽ để có thể ra đấu với Tổng thống Trump. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm