Cuộc đời của nữ tổng thống đắc cử Hàn Quốc

Bà Park đã có cuộc cạnh tranh dài và gay cấn từ 5 năm qua. Bà thất bại trước ông Lee Myung-bak trong cuộc bầu cử ứng cử viên tổng thống của đảng Saenuri năm 2007 nhưng đã có chiến thắng lớn trước đối thủ theo đường lối dân chủ trong cuộc đua năm nay.

Cuộc đời của nữ tổng thống đắc cử Hàn Quốc ảnh 1

Bà Park Geun-hye làm nên lịch sử Hàn Quốc khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Ảnh: AFP

Được biết đến như một chính trị gia nguyên tắc và đáng tin cậy, bà đã có những hành động để chứng tỏ điều đó, giành được sự ủng hộ của các cử tri. Với 15 năm làm việc trên cương vị nhà lập pháp tại Quốc hội, bà Park đạt được nhiều thành tựu trên chính trường ví dụ như việc xây dựng thành phố miền trung Sejong, công trình mà chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak muốn trì hoãn.

Nhiệm kỳ nghị sĩ 5 năm vừa qua và với cương vị chủ tịch đảng Saenuri, bà cũng dẫn dắt đảng của mình vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, những người chỉ trích vẫn không hài lòng với bà vì 18 năm cầm quyền gây tranh cãi của cha bà trong quá khứ.

Bà Park Geun-hye sinh năm 1952, là người lớn nhất trong số ba anh chị em. Bà sống tại dinh tổng thống, thường được gọi là Nhà Xanh, từ năm 1964 sau khi cha bà nắm quyền từ cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Vị tổng thống quân sự được ca ngợi vì thành tựu phát triển kinh tế và nền công nghiệp nhanh chóng từ đống đổ nát sau chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, nhưng cũng bị lên án vì việc đàn áp những người đòi dân chủ.

Cuộc đời của nữ tổng thống đắc cử Hàn Quốc ảnh 2

Bà Park (ngoài cùng bên trái) cùng cha, cố tổng thống Park Chung-hee (thứ ba từ trái), đón tiếp tổng thống Mỹ Jimmy Carter và phu nhân tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap 

Bà Park học đại học tại Đại học Sogang năm 1970, chuyên ngành kỹ thuật điện tử, một ngành khá ít phụ nữ thời bấy giờ theo học.

Sau khi tốt nghiệp, bà đến Pháp năm 1974 để tiếp tục sự nghiệp học hành nhưng đã nhanh chóng về nước tháng 8 năm đó khi mẹ của bà, bà Yook Young-su, thiệt mạng trong vụ ám sát nhằm vào tổng thống Park Chung-hee. Vụ ám sát do một người Nhật gốc Triều Tiên ủng hộ Bình Nhưỡng thực hiện. Trong cuốn tự truyện, bà Park mô tả cái chết của mẹ như một cú sốc, một cơn gió lạnh thổi vào trái tim bà.

5 năm sau đó bà Park là người phụ nữ được chú ý nhất trong gia đình tổng thống. Đến năm 1979, cha của bà bị ám sát bởi chính nhân viên tình báo của mình. Theo tự truyện, bà đã bị đánh thức dậy giữa đêm bởi nhân viên của phủ tổng thống và được báo tin cha mình đã chết.

Lời đầu tiên bà nói sau khi biết tin là: "Tiền tuyến vẫn ổn chứ?", bà Park nói đến vùng biên giới liên Triều vẫn khá bất ổn từ sau chiến tranh. Hai miền Triều Tiên trên lý thuyết vẫn nằm trong tình trạng chiến tranh vì chỉ có hiệp ước đình chiến chứ không hề có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.

Bà Park lui về hậu trường 18 năm sau đó, khoảng thời gian mà bà nói phải chịu đựng sự phản bội của nhiều trợ lý cũ của cha mình. Bà cũng dùng nhiều thời gian để đọc sách về triết học và lịch sử, thăm nhiều danh thắng văn hóa trên khắp cả nước để mở rộng tầm hiểu biết.

Đến năm 1997 bà mới quay trở lại với chính trị khi gia nhập đảng Đại Dân tộc (GNP), tiền thân của đảng Saenuri, và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Lee Hoi-chang. Tháng 4/1997, bà giành một ghế nghị sĩ tại quê hương mình ở Daegu và có những bước thăng tiến nhanh chóng trong đảng.

Sau khi yêu cầu cải cách chính trị của bà bị đảng bác bỏ năm 2001, bà Park rút khỏi đảng và thành lập một đảng mới. Trong khoản thời gian đó, tháng 5/2002, bà tới thăm Triều Tiên và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

Bà Park lại gia nhập GNP sau khi nhiều yêu cầu cải cách của bà được đáp ứng và tiếp tục chứng minh khả năng lãnh đạo của mình với hàng loạt các chiến thắng ở quốc hội, khiến bà được gọi là "nữ hoàng của các cuộc bầu cử".

Nữ tổng thống đắc cử của Hàn Quốc nói bà kính trọng cha nhất trong số các chính trị gia vì ông yêu đất nước hơn bất cứ ai trên cương vị người lãnh đạo.

Bà Park chưa bao giờ kết hôn và bà cũng từng nói bà kết hôn với đất nước và cam kết sẽ chỉ nghĩ về hạnh phúc của nhân dân. Bây giờ, người dân Hàn Quốc đã trao cho bà cơ hội đó, với hy vọng rằng bà sẽ thực hiện "đoàn kết dân tộc" như bà đã hứa và hàn gắn những trái tim bị tổn thương trong quá khứ.

Theo Vũ Hà (VNE/Yonhap)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm