Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu

Chính sách đánh thuế của Washington với hàng hóa Bắc Kinh có hiệu lực từ 0 giờ ngày 6-7 (theo giờ Mỹ). Đúng như nhiều chuyên gia dự báo, Tổng thống Trump đã không bày tỏ bất kỳ sự do dự nào cho thấy Nhà Trắng “chịu lép vế” trước Trung Quốc (TQ) sau tất cả vòng đàm phán thương mại bất thành giữa hai nước.

Lộ trình đánh thuế của ông Trump

Giai đoạn đầu tiên, theo Reuters, Mỹ sẽ đánh thuế 25% lên gói hàng hóa trị giá 34 tỉ USD nhập khẩu từ TQ, trong đó bao gồm máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ ra thông báo bắt đầu thu thuế 25% đối với 818 dòng sản phẩm TQ trong danh sách áp thuế mà Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đưa ra hồi tháng 6. Tiếp theo đó, Washington sẽ tăng cường một gói thuế mới lên lượng hàng hóa trị giá 16 tỉ USD của Bắc Kinh, dự kiến sẽ áp dụng trong hai tuần tới.

Mức thuế hiện nay được giới quan sát đánh giá chỉ là màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh thương mại “chưa lường hết hậu quả và chưa biết khi nào dừng”. Thậm chí ông Trump đe dọa rằng sẽ tăng lượng hàng TQ bị đánh thuế đến mức 500 tỉ USD nếu TQ trả đũa. Điều này đồng nghĩa Mỹ áp dụng biện pháp đánh thuế toàn diện lên thương mại TQ.

Liên tục trong vòng hai tháng qua, Mỹ và TQ đã tổ chức liên tiếp các cuộc đàm phán giữa các quan chức tài chính, thương mại cao cấp để tháo gỡ quả bom chiến tranh thương mại được đánh giá sẽ làm tổn thương cả hai bên. Tuy nhiên, đàm phán bất thành. Ông Trump duy trì quan điểm cáo buộc TQ làm thâm hụt cán cân thương mại trong giao thương với Mỹ, đỉnh điểm là năm 2017 với 375,2 tỉ USD.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu. Ảnh: CGTN

Trung Quốc “ăn miếng trả miếng”

TQ chấp nhận lời “khiêu chiến” của Mỹ, bước đầu trả đũa “xứng đáng” với mức thuế 25% lên danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 34 tỉ USD. Một số cảng TQ đã trì hoãn việc thông quan với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Bộ Thương mại TQ chỉ trích mức thuế của Mỹ với hàng hóa TQ sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lớn và cả người tiêu dùng. “TQ buộc phải trả đũa lại Mỹ để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và lợi ích của người dân TQ” - người phát ngôn của Bộ Thương mại TQ tuyên bố trước báo chí.

Hãng Tân Hoa Xã đưa tin lệnh đánh thuế hàng nhập khẩu Mỹ có hiệu lực từ 12 giờ 1 phút trưa 6-7 (giờ Bắc Kinh), không lâu sau lệnh áp thuế của Mỹ. Các mặt hàng Mỹ bị TQ đánh thuế bao gồm trái cây, rau củ quả, xì gà, hóa chất, một số dòng xe, nhựa và một số thiết bị y tế, The Guardian đưa tin.

Theo Reuters, mức thuế mà TQ nhắm vào Mỹ tập trung ở mặt hàng đậu nành - mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang TQ, trị giá 12,7 tỉ USD vào năm 2017. Điều này đánh thẳng vào cử tri tại Iowa và Texas - những bang đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2016.

Lệnh đánh thuế của TQ sẽ ảnh hưởng đến vụ mùa tiếp theo của nông dân Mỹ khi hàng hóa sẽ được đưa đến thị trường vào tháng 9, khoảng hai tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ diễn ra. Khả năng Mỹ sẽ chuyển hướng sang thị trường Brazil, nơi được dự báo sẽ phải nhập khẩu hạt từ Mỹ năm nay để phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước.

Trước mắt chưa có hậu quả to lớn

Giáo sư ngành kinh tế học ứng dụng Chen Feixiang, ĐH Shanghai Jiaotong, nói trên tờ Financial Post rằng “Chúng ta có thể nói chiến tranh thương mại đã chính thức bắt đầu”. Theo ông Feixiang, nếu cuộc chiến này chỉ dừng lại ở quy mô 34 tỉ USD, nó sẽ ảnh hưởng không đáng kể lên cả hai nền kinh tế. Nhưng nếu cuộc chiến leo thang lên mức 500 tỉ USD như ông Trump nói, nó sẽ tạo ra tác động rất lớn.

Các thống kê sơ bộ trên The Guardian hôm qua (6-7) cũng cho thấy chỉ số đồng USD giảm 0,1%, trong khi đồng nhân dân tệ của TQ giảm tương ứng. Thị trường chứng khoán cũng không có biến động đáng kể khi giới quan sát đánh giá lệnh đánh thuế của Mỹ-TQ hiện chưa làm hoang mang rõ rệt giới đầu tư, chí ít là họ chưa hình dung họ cần phải có những động thái phản ứng mạnh mẽ nào với thị trường.

Trung Quốc gặp khó khăn khi trả đũa Mỹ

Việc Mỹ đánh thuế vào gói hàng 50 tỉ USD có thể khiến tăng trưởng kinh tế TQ giảm 0,2%. Chuyên gia kinh tế Hua Min, ĐH Fudan ở Thượng Hải, nhận định chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng đến lượng hàng hóa trị giá 2.000 tỉ USD mà TQ đang xuất khẩu khắp thế giới. Động lực nền kinh tế TQ là xuất khẩu, nếu bị gián đoạn sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa và lặp lại khủng hoảng năm 2008.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước khó khăn trong việc nhập nông sản, nhất là đậu nành từ Mỹ. TQ đang tìm cách thay thế mặt hàng đậu nành của Mỹ, buộc các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và dầu nành phải chịu thêm chi phí hoặc phải tìm các thương phẩm thay thế khác. Điều này không hề dễ dàng khi nhà cung cấp đậu nành lớn nhất của TQ là Brazil cũng đã đẩy giá bán lên khi TQ đánh thuế đậu nành từ Mỹ.

Theo New York Times, các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ khi bị TQ đánh thuế sẽ đẩy giá tăng cao nhưng điều đó không ngăn hoàn toàn việc người tiêu dùng TQ chấp nhận móc hầu bao nhiều hơn. Mối lo ngại về sức khỏe đã khiến giới trung lưu và thượng lưu TQ thích chọn hàng nhập khẩu từ Mỹ và nước khác hơn là hàng nội địa. “Chúng tôi mua hàng nhập khẩu vì cảm thấy an toàn khi ăn uống. Nếu có sản phẩm thay thế trong nước thì việc đánh thuế hàng Mỹ là hợp lý. Nhưng thực tế là hàng nội địa không thể đảm bảo, vậy nên chúng tôi phải chấp nhận mua hàng Mỹ giá cao hơn” - Mike Zheng, một người dân TQ, nói với New York Times.

Việc tăng thuế còn đẩy TQ bước vào bài toán lạm phát, vốn làm các nhà chức trách TQ đau đầu trong nhiều năm qua vì lạm phát tăng, bất ổn chính trị gia tăng. Ngoài ra, hầu hết sản phẩm công nghệ cao của Mỹ tại thị trường TQ đều sản xuất tại TQ (chẳng hạn iPhone). Việc TQ thực hiện chiến dịch bài trừ hàng Mỹ, nếu có, sẽ gây rủi ro với thị trường lao động của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm