Cuộc chiến ngầm giữa các cường quốc Trung Đông

Đây là lần tịch thu vũ khí thứ hai trong khu vực tháng này. Cả hai vụ dường như đều khởi hành từ Iran. Theo Trung tá Kevin Stephens, phát ngôn viên của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, những vũ khí vừa bị giữ lại có nguồn gốc từ Iran và điểm đến là Yemen. Chính quyền Pháp đã thả phi hành đoàn gồm 10 người sau khi hoàn tất quá trình thẩm vấn.

Iran bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho Houthi - nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shiite chống lại chính phủ trong cuộc nội chiến Yemen. Trung tá Stephens không xác định rõ liệu Mỹ có cho rằng các lô hàng vũ khí được chuyển đến cho phiến quân Houthi.

Hồi đầu tháng 3, tàu hải quân Úc đã phát hiện một tàu chở vũ khí tương tự đang rời khỏi Oman. Chính phủ Mỹ cũng cho rằng những vũ khí này bắt nguồn từ Iran và được gửi đến cho phiến quân Houthi ở Yemen thông qua Somalia.

Theo Trung tá Stephens, vụ tịch thu vũ khí ngày 20-3 là lần thứ ba kể từ tháng 9-2015. Quân đội Pháp đã phát hiện con tàu chở vũ khí trong chuyến giám sát thường lệ ở khu vực bắc Ấn Độ Dương. Trên tàu, họ tìm thấy “hàng trăm khẩu AK47, súng máy và các vũ khí chống tăng” - theo tuyên bố hôm 28-3 từ Lực lượng Hàng hải Kết hợp (CMF).

Hàng trăm khẩu súng và các loại vũ khí được tìm thấy trên tàu bị nghi là của Iran.

CMF là một liên minh hải quân đa quốc gia - trong đó bao gồm Pháp - giúp kiểm soát hơn 3 triệu dặm vuông vùng biển quốc tế. Tổ chức này thường xuyên tiến hành khám xét các tàu không có nguồn gốc rõ ràng. 

Nếu các đánh giá của Mỹ là đúng, vụ thu giữ vũ khí mới nhất này là minh chứng rõ rệt cho việc Iran muốn châm ngòi căng thẳng giữa các giáo phái ở Trung Đông.

Trong nhiều năm qua, tổ chức Houthi đã thống trị miền Bắc Yemen nhưng thiếu ảnh hưởng trong chính quyền do phái Sunni lãnh đạo. Nội chiến Yemen hầu như được xem như cuộc chiến ngầm giữa Iran và Saudi Arabia. Trong đó, Tổng thống Yemen Abdu Rabu Mansour Hadi nhận được ủng hộ của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh theo phái Sunni.

Nhóm phiến quân Houthi theo phái Shiite đã chiếm dinh tổng thống Yemen vào tháng 1-2015, buộc Tổng thống Hadi rời khỏi thủ đô Sanaa. Tuy nhiên, ông Hadi đã trở lại phần lớn nhờ vào các cuộc không kích của Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Bahrain và Qatar.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm