Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung khó lường hơn tới đâu?

Mỹ và Trung Quốc từng được xem là sự kết hợp hoàn hảo trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi các công ty Mỹ tìm kiếm nhiều hơn các cơ hội phát triển tại châu Á thì Trung Quốc là một thị trường cởi mở, đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, với tham vọng bá chủ công nghệ toàn cầu của Trung Quốc như nhiều tờ báo phương tây đã nhận định từ lâu, mối quan hệ tương hỗ cùng có lợi này xem như gãy đổ.

Mỹ siết chặt vòng vây

Trong nhiệm kỳ của mình, việc giữ cân bằng lợi ích cho nền kinh tế Mỹ trước Trung Quốc luôn là quan điểm xuyên suốt của Tổng thống Donald Trump.       

Nhiều chuyên gia đánh giá các biện pháp trừng phạt công nghệ của chính quyền ông Trump có thể mang tính ngẫu hứng và bộc phát vào thời gian đầu, nhưng càng về sau, nhất là khi kỳ hạn bầu cử tháng 11 đang tới gần, các chính sách này ngày càng quyết liệt và toàn diện, tạp chí Nikkei Asia nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật, năm 2019. Ảnh: REUTERS

Căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ giữa hai nước đã nhen nhóm từ lâu. Tuy nhiên, việc chính quyền Washington tung đòn cắt đứt chuỗi cung ứng của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, từ cấm giao dịch cho đến điều chỉnh các tuyến cáp dưới biển mà hệ thống viễn thông phụ thuộc vào, dường như là ngòi nổ chính thức cho cuộc chiến công nghệ giữa hai nước.

Tiếp theo, phía Mỹ vạch ra ranh giới và các chính sách hạn chế dòng chảy công nghệ đến Trung Quốc, phục hồi một số chuỗi cung ứng công nghệ cao và đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ của tương lai.

Trong dự toán ngân sách năm tài khoá 2021 công bố hồi tháng 2, chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng gấp đôi chi tiêu cho việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học thông tin lượng tử. Đồng thời, các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác cũng có thể nhận được tài trợ ưu tiên.

Bên cạnh đó, chính sách nhập cư dưới thời ông Trump còn giúp nước Mỹ thu hút nhiều người giỏi, tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này trong công nghệ chất bán dẫn và AI.

Đến nay, khi kỳ hạn bầu cử đang đến gần, nhiều chuyên gia cho rằng bất kể ai được bầu vào tháng 11, chính sách của nước Mỹ vẫn khó có thể đi lạc khỏi những nguyên tắc cơ bản mà chính quyền ông Trump đang thực hiện, tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 5-10 nhận định. Nếu có sự thay đổi, thì chẳng qua sẽ chỉ là điều chỉnh trong chính sách.

Kế hoạch của Bắc Kinh

Trung Quốc đã nhìn ra nhược điểm nghiêm trọng của mình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi nước này cần tăng cường khả năng tự cung cấp công nghệ lõi.

Hiện Trung Quốc đang trong cuộc đua để phát triển chất bán dẫn và các công nghệ cốt lõi khác như chip, các phần mềm mã nguồn,... nhằm giảm tổn thương khi đối đầu với Mỹ.

Huawei trở thành tâm điểm trong cuộc chiến về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: REUTERS. 

Hồi tháng 5, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc (Quốc hội) công bố kế hoạch năm năm lần thứ 14. Theo đó sẽ đầu tư gần 1.400 tỉ USD vào việc xây dựng “cơ sở hạ tầng mới” thông qua AI, trung tâm dữ liệu, 5G và các công nghệ mới khác. Mũi nhọn trong kế hoạch này sẽ là các công ty công nghệ hàng đầu trong nước như tập đoàn Alibaba, Huawei Technologies, SenseTime,...

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đánh giá kế hoạch năm năm tới của Trung Quốc cho thấy nước này muốn tập trung phát triển nền kinh tế hướng nội để giảm sự lệ thuộc vào Mỹ và các thị trường xuất khẩu khác, theo tờ SCMP.

Gần đây, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng liên tục quảng bá luồng tư tưởng kinh tế mới - lý thuyết “lưu thông kép” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào “lưu thông nội bộ” - chu trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước - để phát triển sau nhiều thập niên tăng trưởng nhờ xuất khẩu, được hỗ trợ bởi sự đổi mới và nâng cấp trong nền kinh tế nội địa, theo hãng tin Reuters ngày 16-9. 

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng huy động các công ty công nghệ tư nhân ủng hộ các mục tiêu quốc gia, tờ SCMP hồi tháng 5 đưa tin. Theo đó, Alibaba và Tencent đã công bố các khoản đầu tư khổng lồ cho các trung tâm dữ liệu để hỗ trợ cơ sở hạ tầng mới và các dịch vụ đám mây. Trong khi Huawei cam kết đầu tư một tỉ USD để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng cho hệ điều hành HarmonyOS nhằm cạnh tranh với Android của Mỹ.

Theo tờ The Wall Street Journal  ngày 12-8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang làm việc để lên danh sách các ngành và doanh nghiệp có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Những đối tượng được xác định là dễ bị tổn thương có thể nhận được tài trợ từ chính phủ.

Bất phân thắng bại?

Ba năm qua có lẽ là khúc dạo đầu cho cuộc cạnh tranh công nghệ sẽ ngày càng quyết liệt. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc chiến lâu dài.

Trong kịch bản xấu nhất, Trung Quốc sẽ chứng minh vị thế hiện tại của mình bằng việc phản ứng mạnh mẽ hơn trước những thách thức từ Mỹ. Có thể Bắc Kinh sẽ dùng công cụ chính sách để trả đũa, bằng việc trừng phạt các công ty công nghệ Mỹ.

Nếu Washington cũng hành động tương tự, cuộc chiến công nghệ sẽ càng tiến sâu vào vũng lầy nguy hiểm, gây ra những hệ quả sâu sắc với bất kỳ bên liên quan nào.

Theo hãng tin Reuters, hôm 19-9, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đã ban hành các quy tắc về danh sách “các thực thể không đáng tin cậy”. Theo đó, nước này sẽ cấm các công ty nước ngoài trong danh sách trên tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu hay đầu tư vào đất nước đông dân nhất thế giới. Động thái này khiến quan hệ Mỹ-Trung càng tiến gần đến bờ vực rạn nứt.

Hồi tháng 5, tờ Hoàn cầu Thời báo thông tin rằng Apple và Qualcomm có thể được Bắc Kinh liệt kê vào danh sách để đáp trả chiến dịch chống lại tập đoàn Huawei của Washington. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm