Cục trưởng công an huyện bị cách chức

 Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 22-6, nữ sinh Lý Thụ Phân (17 tuổi, học sinh ở huyện Ung An, Quý Châu) chết dưới sông. Sau hai lần khám nghiệm tử thi, công an kết luận nạn nhân tự tử trong khi gia đình nghi ngờ nạn nhân bị hại chết.

Chiều 28-6, hàng trăm người diễu hành và những kẻ manh động đã tấn công công an, đốt phá Cục Công an huyện và UBND huyện.

Công bố sự thật kịp thời

Ngày 2-7, tổ chuyên gia do các bác sĩ pháp y nổi tiếng của tỉnh Quý Châu tiếp tục khám nghiệm thi thể nữ sinh Lý Thụ Phân lần thứ ba. Thời gian khám nghiệm kéo dài hơn hai tiếng.

Toàn bộ quá trình khám nghiệm có cha, dì của nạn nhân và một đại diện người dân chứng kiến. Sau đó, họ đã ký tên vào biên bản. Sau khám nghiệm, gia đình đã làm lễ an táng theo phong tục địa phương. Kết quả khám nghiệm tử thi lần thứ ba cho thấy nữ sinh Lý Thụ Phân chết đuối.

Ngày 3-7, tại hội nghị báo cáo tình hình xử lý sự kiện ngày 28-6 tại trụ sở UBND tỉnh Quý Châu, Tỉnh ủy Quý Châu đã thông báo quyết định cách chức: Một là La Lai Bình - chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Cục Công an huyện Ung An kiêm bí thư Ủy ban Chính trị-pháp luật Huyện ủy, ủy viên thường vụ Huyện ủy; Hai là Thân Quý Vinh - cục trưởng kiêm bí thư Đảng ủy Cục Công an huyện Ung An.

Ngoài ra, cơ quan giám sát kiểm tra kỷ luật của tỉnh cũng sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm đối với lãnh đạo các cơ quan hữu quan và lãnh đạo chủ chốt của Huyện ủy huyện Ung An.

Bí thư Tỉnh ủy Thạch Tông Nguyên chỉ thị: Do dư luận đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh cái chết của nữ sinh Lý Thụ Phân nên yêu cầu các ban, ngành hữu quan huyện Ung An phải nhanh chóng, kịp thời và áp dụng mọi hình thức công bố sự thật kết quả khám nghiệm tử thi cho toàn xã hội.

Phải giải quyết mâu thuẫn tận gốc

Bí thư Tỉnh ủy Thạch Tông Nguyên nhận định: Cái chết của nữ sinh Lý Thụ Phân chỉ là ngòi nổ trực tiếp bề ngoài, còn nguyên nhân sâu xa là hiện tượng xâm phạm quyền lợi quần chúng trong công tác khai thác tài nguyên khoáng sản, bố trí di dân và giải tỏa kiến trúc tại huyện Ung An liên tục xảy ra.

Hơn nữa, trong quá trình xử lý các mâu thuẫn tranh chấp, tác phong làm việc của một số cán bộ lại thô bạo, phương pháp làm việc đơn giản, không đến nơi đến chốn, không chu đáo, thậm chí cố ý sử dụng lực lượng cảnh sát.

Ý kiến của người dân rất nhiều, không những khiến quan hệ giữa cán bộ và nhân dân căng thẳng mà còn làm cho quan hệ giữa công an và người dân cũng căng thẳng theo. Thêm vào đó, giữa cán bộ lãnh đạo và công an lâu nay đã tồn tại hiện tượng mua, bán chức vụ.

Ngoài ra, các vấn đề trị an nóng bỏng mà quần chúng phản ánh về thế lực xã hội đen lớn mạnh, tội phạm hình sự nghiêm trọng đã không được coi trọng đầy đủ. Tỷ lệ phát sinh vụ án hình sự cao nhưng tỷ lệ phá án thấp dẫn đến trị an xã hội không tốt khiến quần chúng phản ứng rất gay gắt.

Theo ông Thạch Tông Nguyên, trong sự kiện ngày 28-6, thế lực xã hội đen đã lợi dụng bức xúc của dân mà kích động bạo loạn, nhân cơ hội để gây rối loạn xã hội, nhân hỏa hoạn để cướp bóc tài sản.

Sự việc tưởng ngẫu nhiên nhưng thực tế là sự tất yếu, sớm muộn cũng sẽ phát sinh. Do đó, lãnh đạo huyện ủy, lãnh đạo công an huyện và lãnh đạo các ban, ngành hữu quan của huyện phải chịu trách nhiệm. (Theo Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo)

HỒNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm