Cử tri Thái sẽ tán thành dự thảo hiến pháp?

Ngày 7-8, hơn 40 triệu cử tri Thái Lan đến 94.000 phòng phiếu để tham gia trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới.

ABC News cho biết lá phiếu gồm hai câu hỏi:

1. Bạn có đồng ý với dự thảo hiến pháp Thái Lan?

2. Bạn có đồng ý để chính sách cải cách tiếp tục theo kế hoạch chiến lược quốc gia, hiến pháp nên có một đoạn quy định trong năm năm đầu tiên của Quốc hội theo hiến pháp mới, thủ tướng phải do toàn thể Quốc hội bầu chọn?

Câu hỏi thứ hai ý muốn hỏi có nên để Thượng viện cùng với Hạ viện tham gia bầu thủ tướng hay không.

Thượng viện với 250 nghị sĩ sẽ do chính quyền quân sự chỉ định từ quân đội và cảnh sát chứ không qua bầu cử.

Dự kiến sau năm năm được gọi là “thời kỳ quá độ”, Thượng viện sẽ giảm còn 200 nghị sĩ bao gồm những người được bầu và những người được chỉ định.

Đây là lần trưng cầu ý dân đầu tiên từ khi chính quyền quân sự do tướng Prayuth Chan-o-cha cầm quyền ở Thái Lan sau đảo chính năm 2014, vụ đảo chính thứ 19 trong 84 năm quân chủ lập hiến Thái Lan.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bỏ phiếu tán thành dự thảo hiến pháp mới tại phòng phiếu ở Bangkok. Ảnh: REUTERS

Báo chí quốc tế nhận định cuộc trưng cầu ý dân lần này diễn ra trong bối cảnh không bình thường.

Theo quy định, mọi vận động phản đối hay ủng hộ trưng cầu ý dân đều bị cấm. Người vi phạm có thể bị phạt đến 10 năm tù.

Trước trưng cầu ý dân đã có hơn 100 người vi phạm quy định bị bắt. Một số nhân vật đối lập kêu gọi bỏ phiếu phản đối dự thảo hiến pháp mới đã bị giữ hoặc bị “chấn chỉnh”. Kênh truyền hình chính của phe đối lập bị đóng cửa.

Thế nhưng theo báo Bangkok Post, trước trưng cầu ý dân, chính quyền quân sự lại triển khai 700.000 người tình nguyện đi giải thích lợi ích của dự thảo hiến pháp mới.

Dự thảo hiến pháp mới được đưa ra trưng cầu ý dân nhưng thiếu quá trình tranh luận.

Bởi thế dư luận ghi nhận dự thảo hiến pháp mới sẽ chỉ củng cố thêm quyền lực cho quân đội vì các đảng phái chính trị sẽ giảm vai trò và quyền lực của quân đội sẽ gia tăng.

Chính phủ quân sự Thái Lan giải thích dự thảo hiến pháp mới là chặng quan trọng trong “lộ trình tiến tới dân chủ”. Tuy nhiên, chính phủ quân sự cũng khẳng định cần phải duy trì vai trò quân đội để tránh biểu tình chính trị và bạo lực quay trở lại.

Hãng tin Channel News Asia đánh giá hai đảng chính gồm đảng Vì người Thái (Pheu Thai) và đảng Dân chủ đều phản đối dự thảo hiến pháp mới.

Hiện thời tại Thái Lan có hai xu hướng đối lập với nhau. Xu hướng thứ nhất chủ trương trước mắt cần phải thiết lập trật tự.

Xu hướng thứ hai lại ủng hộ dân chủ, không chấp nhận tình trạng quân đội can thiệp và mong muốn một nền chính trị chín muồi hơn, một xã hội bình đẳng và công bằng hơn.

Theo điều tra do báo chí địa phương tiến hành, phần lớn người dân nông thôn đều mong muốn tìm kiếm ổn định.

Từ đó suy ra tỉ lệ tán thành dự thảo hiến pháp mới trong trưng cầu ý dân có thể sẽ cao. Người dân cho rằng cần tán thành dự thảo hiến pháp mới, nếu không tình trạng mất trật tự sẽ còn kéo dài.

Tướng Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Thái Lan, đã nhiều lần cam kết bất chấp kết quả trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới thế nào thì cũng sẽ tổ chức tổng tuyển cử Quốc hội vào năm 2017. Ông cũng bác bỏ lời kêu gọi sẽ từ chức nếu kết quả trưng cầu ý dân thất bại.

AFP nhận định bất luận kết quả trưng cầu ý dân ra sao, chính quyền quân sự Thái Lan chưa sẵn sàng từ bỏ quyền lực. Mục đích chính của chính quyền quân sự vẫn là ngăn chặn những người của phe đối lập được hai cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và bà Yingluck ủng hộ quay trở lại cầm quyền.

_______________________________

62% cử tri bỏ phiếu tán thành dự thảo hiến pháp mới và 38% bác bỏ theo kết quả kiểm 80% số phiếu. Kết quả bầu cử tạm thời do ủy ban bầu cử công bố vào tối 7-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm