COVID-19: Indonesia ngày càng ngặt nghèo, Myanmar quá tải chôn cất

Theo kênh Channel News Asia ngày 16-7, mỗi ngày ở Myanmar có hàng trăm người chết vì COVID-19 sau khi một làn sóng dịch mới càn quét qua đất nước Đông Nam Á này.

Theo thông tin từ các khu vực khác nhau của Myanmar, số người chết mỗi ngày cao hơn so với con số do Bộ Y tế nước này đưa ra và đạt kỷ lục 145 trường hợp tử vong vào ngày 14-7.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết không thể liên lạc với Bộ Y tế Myanmar hoặc một phát ngôn viên của quân đội để yêu cầu đưa ra bình luận về các số liệu.

Nhân viên y tế đưa thi thể của một bệnh nhân mắc COVID-19 đi chôn cất. Ảnh: GETTY IMAGES

Các dịch vụ tang lễ cho biết số lượng đám tang tại nghĩa trang Yay Way ở Yangon - thành phố lớn nhất Myanmar vào khoảng 200 người mỗi ngày trong tuần qua. Họ cũng cho biết các nghĩa trang khác trong hành phố cũng quá tải khi mỗi ngày có tới 400-500 người được đưa đến để hỏa táng.

Ông Bo Sein, 52 tuổi, người điều hành một dịch vụ từ thiện vận chuyển thi thể cho biết: "Chúng tôi phải vận chuyển các thi thể đến các nghĩa trang khác nhau. Chúng tôi thực hiện hơn 40 chuyến mỗi ngày".

Người sáng lập một dịch vụ tang lễ miễn phí khác ở Yangon cũng cho biết đã kêu gọi thêm các tình nguyện viên tham gia vì 18 thành viên trong nhóm của ông không còn khả năng xử lý.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 bắt đầu gia tăng ở Myanmar vào tháng 6, và đã tăng vọt trong hai tuần qua, với số lượng kỷ lục 7.089 trường hợp được báo cáo vào ngày 14-7.

Theo số liệu chính thức, đã có hơn 208.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 4.181 trường hợp tử vong trên cả nước kể từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên.

Các nhân viên y tế tin rằng con số trường hợp cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức vì quá trình xét nghiệm COVID-19 đã bị gián đoạn sau khi quân đội lật đổ và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi hồi đầu tháng 2.

Trong khi đó, ngày 15-7, Indonesia đã vượt Ấn Độ về số ca mắc COVID-19 với 56.757 ca nhiễm mới và thêm 982 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm cao nhất được trong một ngày và là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng với quốc gia đông dân thứ tư thế giới, theo kênh CNN.

Hiện Indonesia đã trở thành tâm dịch mới của châu Á. Nếu tốc độ lây lan không giảm, các chuyên gia cho rằng nó có thể đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia đến bờ vực của thảm họa.

Nhiều người lo ngại tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn so với số liệu ghi nhận, vì nhiều người dân Indonesia vẫn chưa được xét nghiệm. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần một nửa trong số 10,6 triệu cư dân của thủ đô Jakarta có thể đã mắc COVID-19.

Các chuyên gia cho rằng Indonesia hiện đang phải trả giá cho việc không thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, cũng như không đầu tư đủ vào các hệ thống theo dõi sức khỏe.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết ban đầu các nhà chức trách Indonesia không biết tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp của virus trong làn sóng mới nhất này.

Các quan chức lo ngại rằng các bệnh viện có thể không đủ khả năng đối phó với số lượng bệnh nhân cần nhập viện ngày càng tăng, nhất là sau khi xuất hiện biến thể Delta.

Ông Jan Gelfand, người đứng đầu phái đoàn Indonesia ở Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nói với đài CNN: "Mỗi ngày biến thể Delta càng đưa Indonesia đến gần bờ vực của thảm họa Covid-19 hơn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm