COVID-19 châu Âu ngày càng xấu, nhiễm-chết không dấu hiệu giảm

Cho tới thời điểm hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 90 triệu ca, trong đó gần hai triệu ca tử vong.

Lúc này, châu Âu - nơi khởi phát biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (ở Anh), đang là một trong những tâm chấn của cơn đại dịch.

Nhiều quốc gia châu Âu đã thắt chặt các biện pháp chống lại đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP.

Pháp hiện là quốc gia đứng thứ sáu trên thế giới với số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 lần lượt là 2.786.838 và 68.060 ca. Quốc gia này đã chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng trung bình hơn 18.000 ca mỗi ngày và đang phải chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên ở nước Anh.

Đức hiện là vùng dịch lớn thứ 10 trên thế giới với gần hai triệu ca nhiễm trong đó hơn 40.000 ca tử vong. Quốc gia này bước vào đợt phong tỏa thứ hai vào tháng trước và được gia hạn cho đến cuối tháng 1 này. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo những tuần mùa đông tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch.

Tây Ban Nha: Theo báo cáo của Bộ Y tế nước này, quốc gia này đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục với hơn 61.000 ca (tính từ ngày 8-1), nâng số ca bệnh lên 2.111.782 trong đó khoảng 52.000 ca tử vong.

Bồ Đào Nha: Tổng thống nhiễm COVID-19

Đài Channel News Asia (CNA) hôm 11-1 đưa tin, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, nhưng cho đến nay vẫn chưa có triệu chứng bệnh.

Trong một tuyên bố, ông Rebelo de Sousa cho biết đã thông báo tình hình bệnh đến Thủ tướng Antonio Costa, Bộ trưởng Y tế Marta Temido và hủy toàn bộ lịch trình làm việc trong vài ngày tới. Đồng thời văn phòng của ông cũng cho biết, hiện vị Tổng thống 72 tuổi này đang làm việc và tự cách ly tại Dinh Tổng thống.

Cho đến nay, Bồ Đào Nha ghi nhận hơn 489.000 ca nhiễm trong đó gần 8.000 ca tử vong.

Anh: Thủ tướng Jonhso cho biết đang “chạy đua với thời gian”

Nước Anh hiện vẫn là tâm điểm của đại dịch COVID-19 ở châu Âu với hơn ba triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đó hơn 81.000 ca tử vong. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Biba 2019

Thủ tướng Boris Johnson hôm 11-1 cho biết Anh đang trong "cuộc chạy đua với thời gian" nhằm sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 khi số ca tử vong cao kỷ lục và bệnh viện hết nguồn cung oxy. Các cố vấn y tế hàng đầu cho rằng những tuần tồi tệ nhất của đại dịch đang cận kề, theo đài CNA.

Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch và cố gắng khôi phục trạng thái bình thường vào mùa xuân, nước Anh đang gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến sẽ được cung cấp cho khoảng 15 triệu người vào giữa tháng tới.

Chính phủ của ông Johnson đã phê duyệt vaccine do các hãng Oxford-AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất. Theo kế hoạch, dự kiến hai triệu mũi tiêm sẽ được chuyển đến khoảng 2.700 trung tâm hàng tuần ở Anh vào khoảng cuối tháng 1.

Theo số liệu thống kê của nước này cho thấy, đến nay đã có gần 2,3 triệu người đã nhận được liều vaccine COVID-19 đầu tiên và gần 400.000 người đã được tiêm liều thứ hai.

Ý dẫn đầu EU về tốc độ tiêm vaccine COVID-19

Ý hiện đang là một trong những điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới với hơn hai triệu ca nhiễm trong đó gần 80.000 ca tử vong.

Italia dẫn đầu EU về tốc độ tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Massimo Percossi/EPA

Quốc gia này đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 650.000 người, con số cao nhất ở Liên minh châu Âu (EU). 

Tuy nhiên, chiến dịch tiêm phòng không có sự đồng đều giữa các khu vực trong nước. Đơn cử, khu vực phía nam vùng Campania phàn nàn rằng họ không thể tiếp tục chương trình tiêm vaccine cho người dân vì nơi này đã hết liều vaccine COVID-19 chỉ sau hai tuần bắt đầu chiến dịch. 

Ủy viên đặc biệt về trường hợp khẩn cấp ở Ý, ông Domenico Arcuri đã trấn an các thống đốc khu vực rằng việc phân phối liều mới sẽ được triển khai vào ngày 11-1 và cho biết “sẽ tiêm chủng khoảng sáu triệu người từ bây giờ cho đến cuối tháng 3”.

Ở một diễn biến khác, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 8-1 cho biết các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa nhận được vaccine COVID-19 và kêu gọi các nước giàu ngừng thực hiện các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất vaccine, theo đài Channel News Asia..

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm