Công ty Trung Quốc không lo trừng phạt của Mỹ

Theo tờ South China Morning Post hôm 31-8, công ty Truyền thông Xây Dựng Trung Quốc (CCCC) - một trong những công ty vừa bị Mỹ liệt vào danh sách đen vì góp phần xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông nói các lệnh trừng phạt từ Washington không ảnh hưởng nhiều tới mình.

Hôm 26-8, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 24 công ty quốc doanh của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Trong đó, năm công ty con phụ trách nạo vét lòng biển của CCCC cũng bị cho vào danh sách đen vì có vai trò trong việc "quân sự hóa" các thực thể mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Hệ thống radar Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: AMTI

Danh sách đen của Mỹ bao gồm khoảng 300 công ty của Trung Quốc, trong đó có cả công ty viễn thông Huawei. Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ kinh doanh hoặc bán sản phẩm cho các công ty này trừ khi họ có giấy phép đặc biệt.

Tuy nhiên, CCCC cho biết rằng năm công ty con của họ nằm trong danh sách đen của Washington không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Mỹ và sẽ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính bởi các biện pháp trừng phạt.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, giá trị hợp đồng mới và doanh thu của mảng kinh doanh nạo vét chiếm khoảng 6% tổng giá trị hợp đồng mới và doanh thu của công ty. Công ty chủ yếu thực hiện hoạt động kinh doanh nạo vét đường thủy, cải tạo đất và nạo vét môi trường trong nước.

Theo công ty: "Hoạt động kinh doanh nạo vét ở nước ngoài chiếm một phần tương đối nhỏ, và công ty không có hoạt động nạo vét nào được thực hiện ở Mỹ. Ngoài ra, các thiết bị quan trọng cho hoạt động nạo vét của công ty không sử dụng bất kỳ công nghệ nào của các doanh nghiệp Mỹ cung cấp".

CCCC cho biết họ sẽ tiến hành đánh giá sâu hơn hoạt động kinh doanh của mình để đánh giá toàn bộ những tác động có thể có đối với công ty.

Các biện pháp trừng phạt theo sau các tranh chấp ngày càng gia tăng giữa hai nước ở Biển Đông, vốn được coi là mồi lửa cho một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra.

Năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một công ty con của CCCC đang vận hành xà lan khổng lồ nạo vét cát từ đáy biển và chất lên các đảo san hô xa bờ ở Biển Đông, bao gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mặc dù tác động trực tiếp sẽ khó xảy ra, nhưng vẫn có những câu hỏi đặt ra là làm thế nào các công ty con ở nước ngoài của CCCC, bao gồm công ty kỹ thuật hàng hải Friede & Goldman có trụ sở tại bang Texas (Mỹ), có thể giao dịch với công ty mẹ CCCC. Tuy nhiên, CCCC đã không trả lời câu hỏi về Friede & Goldman.

Năm 2010, CCCC đã mua lại công ty Friede & Goldman từ chủ sở hữu người Nga - tập đoàn United Heavy Machinery với giá 125 triệu USD.

Công ty con này chịu trách nhiệm thiết kế các dịch vụ và thiết bị cho các giàn khoan dầu khí ngoài khơi, đặc biệt là các giàn khoan tự nâng và tàu bán ngầm.

Theo các hồ sơ trực tuyến từ công ty Friede & Goldman, công ty này có các dự án ở Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Mexico và Trung Đông. Đặc biệt, nó không có bất kỳ dấu hiệu giao dịch nào với Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm