Công nhân Indonesia đòi tăng lương

Ngày 31-10, hàng triệu công nhân Indonesia từ ngành dệt may cho đến ngành khai khoáng đã đồng loạt bãi công trên toàn quốc. Hơn 17.300 cảnh sát được triển khai ở thủ đô Jakarta và khu vực lân cận.

Hãng tin BBC đưa tin ông Said Iqbal, Chủ tịch Liên hiệp các Công đoàn công nhân Indonesia, cho biết có khoảng 2 triệu công nhân ở 20/34 tỉnh tham gia bãi công trong hai ngày để yêu cầu chủ lao động tăng lương tối thiểu thêm 50% bắt đầu từ năm sau. Ông cho biết tất cả nhà máy ở các khu công nghiệp trên đảo Java đều đóng cửa.

Ông Said Iqbal giải thích: “Chi phí sinh hoạt tăng cao. Nhiều công nhân không chịu nổi tiền thuê nhà trọ. Họ phải ra sống dưới gầm cầu và trong cống nước. Họ ăn mì tôm thay cơm”.

Ông cho rằng công nhân muốn tăng lương để bù đắp lạm phát. Ông khẳng định: “Chúng tôi, những người lao động đã đóng góp rất nhiều cho kinh tế thì tại sao chúng tôi lại bị hắt hủi?”.

Công nhân Indonesia đòi tăng lương ảnh 1

Công nhân chạy xe máy biểu tình trên đường phố Jakarta ngày 31-10. Ảnh: THX

Báo Jakarta Post (Indonesia) ghi nhận tại tỉnh Tây Java, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, công nhân đã xuống đường biểu tình ở nhiều nơi. Tại Bogor và Depok, khoảng 50.000 công nhân biểu tình làm giao thông tắc nghẽn.

Tại thành phố công nghiệp Cikarang, xung đột đã xảy ra giữa các công nhân bãi công và các công nhân là thành viên tổ chức thanh niên Pemuda Pancasila (phản đối tăng lương). Tám công nhân và bốn nhân viên bảo vệ bị thương. Các thành viên Pemuda Pancasila cho rằng yêu cầu tăng lương 50% của các công nhân là bất hợp lý vì sẽ dẫn đến làn sóng sa thải công nhân.

Các công nhân cho rằng họ xứng đáng được chia một phần lợi nhuận lớn hơn từ các công ty đang được hưởng lợi nhờ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Các công đoàn kêu gọi tăng 50% lương tối thiểu vào năm sau để bù đắp lạm phát và giá xăng dầu tăng cao vốn đang đẩy cao chi phí sinh hoạt. Cách đây bốn tháng, Indonesia đã tăng giá xăng 44% và tăng giá dầu diesel 22%.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) ghi nhận kinh tế Indonesia tăng trưởng trên 6% trong nhiều năm qua và đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài lên đến mức kỷ lục. Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, biểu tình và bãi công của công nhân cũng gia tăng.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang lo ngại chi phí lương tăng và tình trạng các dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động có thể kéo giảm lợi nhuận. Một số người đang tính phương án chuyển hoạt động sản xuất sang nước khác như Việt Nam và Philippines, hai nước có mức lương tối thiểu thấp hơn.

Báo Wall Street Journal cho biết tại Indonesia, mỗi thành phố đều đặt ra mức lương tối thiểu. Nhiều lãnh đạo địa phương đã cam kết tăng mức lương tối thiểu để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Trong khi đó, chính quyền Jakarta cho biết không thể đáp ứng đòi hỏi của công nhân vì mức lương năm nay đã tăng 42% so với năm trước.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm