Công nhân bạo động ở Campuchia

Cuộc đình công kéo dài nhiều tuần qua của các công nhân may mặc đã dẫn đến hậu quả chết người.

Báo Cambodia Daily (Campuchia) dẫn lời chỉ huy phó cảnh sát TP Phnom Penh Chuon Narin cho hay hôm 2-1, hàng trăm công nhân đã phong tỏa con đường trước cổng nhà máy Yakjin của Hàn Quốc trên quốc lộ 4 ở Phnom Penh.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát đặc nhiệm và công nhân. Công nhân trả đũa bằng đá còn cảnh sát sử dụng dùi cui.

Đến 10 giờ sáng 3-1, các công nhân trang bị gậy gộc, gạch đá và bom xăng đã đối đầu với cảnh sát tại lối vào Khu công nghiệp Canadia ở quận Pur Senchey.

Cảnh sát sử dụng khiên chống bạo loạn và dùi cui chống trả. Hàng rào chắn của cảnh sát bị phóng hỏa. Súng nổ đã làm ba người chết, 22 người bị thương. Ban đầu cảnh sát bắn chỉ thiên và sau đó bắn thẳng. 15 công nhân bị bắt giữ.

Lực lượng đặc nhiệm đối đầu với công nhân may mặc sáng 3-1 ở Phnom Penh. Ảnh: THE PHNOM PENH POST

Những người biểu tình đã đập phá bệnh viện do bệnh viện từ chối điều trị cho người bị thương. Do cảnh sát không thể dẹp biểu tình, hàng trăm binh sĩ đã được triển khai gần lối vào Khu công nghiệp Canadia.

Chỉ huy trưởng cảnh sát Phnom Penh khẳng định những người biểu tình không được quyền phong tỏa đường phố và cảnh sát không còn lựa chọn nào khác. Người phát ngôn cảnh sát nhận định cảnh sát can thiệp là cần thiết vì đã có chín cảnh sát bị thương trong xung đột với người biểu tình.

Khi được hỏi về hành động sử dụng súng để giải tán biểu tình, Thiếu tá Chap Sophorn, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 911 ở Phnom Penh, trả lời là làm theo lệnh.

Chuẩn tướng Sum Samnang, phó tư lệnh lữ đoàn đặc nhiệm 911, nói quân đội được quyền sử dụng vũ lực để đối phó với bạo động.

Bộ Nội vụ đã lên tiếng bảo vệ phản ứng của cảnh sát đặc nhiệm tại nhà máy Yakjin và Khu công nghiệp Canadia đồng thời nhận định công nhân biểu tình không tuân thủ pháp luật và có hành động đe dọa.

Các công nhân biểu tình vào thời điểm trùng hợp với làn sóng biểu tình do đảng Cứu quốc Campuchia (đối lập) tổ chức nhằm yêu cầu thủ tướng từ chức.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại Công viên Tự do hôm 3-1, Chủ tịch đảng Sam Rainsy đã tố Tư lệnh Chap Pheakdey và Thiếu tá Chap Sophorn điều động lực lượng nhảy dù đến đàn áp công nhân vì Tư lệnh Chap Pheakdey và thân nhân có cổ phần trị giá cả triệu USD trong các công ty may mặc.

Hiện sáu công đoàn đã tuyên bố đến ngày 4-1, Bộ Lao động và Hiệp hội Các công ty may mặc tại Campuchia phải nối lại đàm phán về mức lương tối thiểu, nếu không đình công và biểu tình sẽ lan rộng trên cả nước.

Trước đó, Hiệp hội Các công ty may mặc đã gửi thư cho bộ trưởng Bộ Lao động tố cáo những người biểu tình gây thiệt hại cho hơn 400 nhà máy may mặc trên cả nước trong vài tuần qua đồng thời thông báo đóng cửa các nhà máy đến khi bảo đảm an toàn.

Tại Thái Lan, ngày 3-1, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) thông báo trong chiến dịch tuần hành gây tê liệt Bangkok hôm 13-1 tới, những người biểu tình sẽ không bao vây các sân bay và tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt và phà sẽ hoạt động bình thường. Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban khẳng định người biểu tình sẽ chiếm 20 giao lộ và chừa một làn đường để xe cộ qua lại trừ xe của chính phủ. Giao lộ Ratchadamnoen sẽ trở thành trung tâm điều phối hoạt động. Trung tướng Paradorn Pattanatabut, Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, tuyên bố quân đội sẵn sàng hỗ trợ cảnh sát giữ gìn trật tự trong biểu tình.

THẠCH ANH

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm