Cơ hội tái đắc cử của ông Trump chưa hết, dù gặp thế khó

Ngày bầu cử Mỹ đã kết thúc nhưng cuộc bầu cử thì vẫn chưa ngã ngũ vì chưa tìm ra người chiến thắng chung cuộc do nhiều bang vẫn chưa hoàn tất công tác kiểm phiếu. Xu hướng chung đến nay là ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước ở một số bang chiến địa, đương kim Tổng thống Donald Trump đuổi sát phía sau. Dù vậy, ông Trump tuyên bố sẽ đem kết quả lên Tòa án Tối cao để kiểm phiếu lại với cáo buộc ông Biden và phe Dân chủ cố tình gian lận, cụ thể là can thiệp vào số lượng phiếu bầu gửi qua thư.

Ông Trump vẫn còn cơ hội

Theo cập nhật của đài Fox News đến tối 5-11 (giờ Việt Nam), ông Biden giành được số phiếu đại cử tri và số phiếu phổ thông lần lượt là 264 và hơn 72 triệu, so với của ông Trump là 214 và gần 69 triệu. So với ngày 4-11 (giờ Việt Nam), ông Trump đột nhiên để mất thế thượng phong ở hai bang chiến địa quan trọng là Wisconsin (10 phiếu đại cử tri) và Michigan (16 phiếu đại cử tri) dù trước đó vẫn đang so kè sít sao với ông Biden, khiến cơ hội tái đắc cử trở nên khó khăn hơn.

Michigan xem như không còn cơ hội nhưng ông Trump vẫn còn hy vọng giành lại được Wisconsin (dù rất nhỏ) do ông chỉ thua đối thủ khoảng 20.000 phiếu phổ thông ở đây, trong khi vẫn còn ít nhất 36.000 phiếu bầu chưa được kiểm xong. Ngoài ra, nhiều khả năng chiến lược của Tổng thống Trump cũng không yêu cầu bằng mọi giá phải giữ được Wisconsin bởi bang này có truyền thống bầu ứng viên Dân chủ hơn 30 năm nay và chỉ mới hóa đỏ một lần duy nhất vào năm 2016 để bầu cho ông Trump, theo chuyên trang bầu cử Mỹ 270toWin.

Cục diện bầu cử giờ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào cử tri ở năm bang chiến địa mà trung bình 20% phiếu bầu vẫn chưa kiểm xong là Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), Nevada (sáu phiếu đại cử tri), North Carolina (15 phiếu đại cử tri), Georgia (16 phiếu đại cử tri) và Arizona (11 phiếu đại cử tri). Trừ ba bang North Carolina, Georgia và Pennsylvania là ông Trump đang dẫn trước thì hai bang Nevada và Arizona nghiêng về ông Biden nhưng cách biệt ở Nevada là cực kỳ nhỏ, chỉ hơn 7.600 phiếu. Với lý do này, khó có thể nói ứng viên Biden đã bước một chân vào Nhà Trắng như giới truyền thông cánh tả loan tin.

Hiện để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách ở lượng phiếu đại cử tri, việc ông Trump cần làm trước mắt là giữ được Pennsylvania, North Carolina và Georgia. Nếu không xuất hiện diễn biến bất ngờ thì đây có vẻ sẽ là một nhiệm vụ khả thi, bởi đây không chỉ là những bang ông Trump đang chiếm ưu thế mà còn dẫn trước với mức cách biệt khá cao: hơn 76.000 phiếu phổ thông (đối với North Carolina) và hơn 164.000 phiếu phổ thông (đối với Pennsylvania).

Nhân viên bầu cử làm việc xuyên ngày đêm tại một phòng kiểm phiếu ở TP Atlanta, bang Georgia (Mỹ) ngày 4-11. Ảnh: GETTY IMAGES

Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xuống đường biểu tình ở TP Beverly Hills, bang California ngày 3-11. Ảnh: AFP

Bài toán khó Nevada và Arizona của ông Trump

Giải quyết xong ba bang trên thì còn lại hai bang Nevada và Arizona. Tới đây mọi chuyện phức tạp hơn. Ở Nevada, ông Trump đang bị đối thủ dẫn trước tới khoảng 68.000 phiếu phổ thông. Nhìn vào lịch sử thì bang này từ năm 1952 chỉ bầu cho ứng viên Dân chủ một lần vào năm 1996, còn lại đều chọn ứng viên Cộng hòa. Tuy nhiên, vào năm 2020 thì dường như cử tri ở đây đang sẵn sàng ngả xanh lần nữa khi nhìn vào cuộc đua ở Thượng viện, Hạ viện thì các ứng viên Dân chủ đều đang dẫn trước các đối thủ Cộng hòa, nên nhiều khả năng cuộc bầu cử tổng thống cũng sẽ không ngoại lệ. Nhìn vào tỉ lệ ủng hộ trước bầu cử thì vị thế ông Trump so với ông Biden tương đồng nhau, đều đạt mức 48% theo khảo sát do đài NBC News phối hợp cùng ĐH Marist (Mỹ) công bố ngày 2-11. Cũng cần lưu ý, để có con số 48% thì ông Trump đã bứt phá đáng kể từ mức 30% hồi đầu tháng 10. Nhìn chung, kịch bản ông Trump lội ngược dòng ở Arizona sẽ phụ thuộc vào việc cử tri ở đây có chọn bầu theo truyền thống hay không.

Về phía bang Nevada, lợi thế lớn nhất và có vẻ là duy nhất của Tổng thống Trump nằm ở mức cách biệt không lớn, chỉ hơn 7.600 phiếu, giữa ông và đối thủ Biden. Ở Nevada, các đơn vị bầu cử được phân bố trong 17 hạt. Ông Trump đang dẫn áp đảo tại 15 hạt nhưng hai hạt chiến lược dân cư tập trung đông là Clark và Washoe lại là thành trì của đảng Dân chủ và đối thủ Biden đều dẫn trước. Trong bốn kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất, đảng Dân chủ luôn là người thắng ở Nevada. Năm 2016, bà Hillary Clinton thắng ông Trump ở Nevada do giành được hạt Clark.

Theo Fox News, các điểm bỏ phiếu ở Nevada đã được lệnh ngừng cập nhật số phiếu đã kiểm được để tập trung giải quyết số phiếu còn tồn đọng và sẽ cập nhật một lần vào ngày 6-11 (giờ Việt Nam). Trang Twitter chính thức của chính quyền bang này cũng tuyên bố đến nay đã kiểm xong phiếu bầu qua thư của ngày 2-11, phiếu bầu sớm trực tiếp và phiếu bầu trực tiếp trong ngày 3-11.

Đây có thể xem là một tin vui cho Tổng thống Trump vì sau khi kiểm xong một lượng lớn phiếu bầu qua thư, vốn đa số là từ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nhưng ông vẫn không bị dẫn trước quá xa.

Cần lưu ý là hiện tại tất cả số liệu có được về số phiếu bầu ở các bang đều là giới truyền thông Mỹ theo dõi chứ chưa phải là số liệu chính thức. Số liệu chính thức chỉ được các ủy ban bầu cử từng bang công bố sau khi hoàn tất tất cả thủ tục hành chính liên quan. 

Khả năng đấu tranh pháp lý Trump - Biden

Tờ The Washington Post cho biết đội ngũ tranh cử Tổng thống Trump từ ngày 4-11 đã nộp hàng loạt đơn kiện lên tòa án tại các bang Michigan, Pennsylvania và Georgia vì cho rằng việc các bang này tiếp tục kiểm phiếu bầu qua thư sau ngày bầu cử là phạm luật. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp để ngăn các bang tiếp tục kiểm phiếu sau bầu cử.

Dù vậy, theo luật bầu cử Mỹ, tất cả lá phiếu đều phải được kiểm đếm và thực tế là nhiều bang thường mất nhiều ngày để hoàn thành việc kiểm phiếu. Về việc này, Tổng thống Trump hôm 4-11 tuyên bố: “Chúng tôi muốn luật được sử dụng một cách phù hợp. Vì vậy, chúng tôi sẽ đến Tòa án Tối cao Mỹ. Chúng tôi muốn tất cả các cuộc bỏ phiếu dừng lại”.

Ngoài ra, Hiến pháp Mỹ cũng nêu rõ để một trường hợp tranh chấp kết quả bầu cử được đưa lên Tòa án Tối cao thì bên nguyên phải đưa ra được bằng chứng chứng minh rằng các quyền hiến định của người dân bị vi phạm. Điều này cũng từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2000 khi kết quả bầu cử giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Dân chủ Al Gore gây tranh cãi ở bang Florida. Tòa lúc đó xử ông Bush chiến thắng sau khi đi đến kết luận là có sai phạm trong khâu kiểm phiếu ở Florida.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Newsweek, chuyên gia pháp lý của đài France24 (Pháp) Douglas Herbert nhận định trong trường hợp kết quả chung cuộc quá sít sao, chêch lệch 1-2 phiếu đại cử tri hoặc hy hữu là bằng nhau thì Tòa án Tối cao bắt buộc phải vào cuộc giải quyết.

“Khả năng này là hoàn toàn có cơ sở sau khi Thượng viện phê chuẩn việc đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao, đồng nghĩa với việc phe bảo thủ hiện nắm tới 6/9 ghế tại Tòa án Tối cao. Ngoài ra, một thực tế khác là đảng Cộng hòa đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý tại nhiều bang nhằm ngăn chặn bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện. Như tại Wisconsin, Tòa án Tối cao mới đây đã từ chối đề nghị gia hạn thời gian kiểm phiếu đối với các phiếu bầu gửi qua thư của đảng Dân chủ” - ông Herbert nói.

Kịch bản khủng hoảng đại cử tri đoàn hậu bầu cử

Năm nay, đại cử tri đoàn sẽ tiến hành nhóm họp và bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 14-12. Thông thường, chính quyền các bang sẽ xác nhận số lượng đại cử tri đoàn ở bang mình và chia sẻ thông tin này với Quốc hội. Hai viện của Quốc hội sau đó sẽ họp vào ngày 6-1 để kiểm phiếu và gọi tên người chiến thắng.

Dù vậy, một số học giả đã vạch ra một kịch bản khá tiêu cực, đó là có khả năng thống đốc và cơ quan lập pháp ở một số bang có tranh chấp kết quả có thể đệ trình hai kết quả bầu cử khác nhau. Trên thực tế, các bang chiến địa như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và North Carolina đều có thống đốc thuộc đảng Dân chủ nhưng cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Năm 1887, Quốc hội Mỹ từng thông qua một đạo luật về vấn đề này nêu rõ nếu thống đốc và cơ quan lập pháp bang trình hai kết quả khác nhau thì Hạ viện và Thượng viện sẽ biểu quyết để chọn một kết quả cuối cùng. Nếu cả hai viện vẫn không thể tìm được tiếng nói chung thì đưa Tòa án Tối cao giải quyết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm