Việc dự báo và tư vấn chống dịch nhìn từ câu chuyện ở Anh

Đối với việc dự báo đại dịch, tuy là mô hình toán dự báo là yếu tố khoa học, phương pháp dự báo là khoa học, nhưng dữ liệu đầu vào và việc chọn tham số, giả định cho mô hình lại thuộc yếu tố chủ quan của người dự báo. Chẳng hạn, lựa chọn hệ số R và tác động giảm lây nhiễm của các biện pháp can thiệp không qua dược phẩm của chính phủ như phong tỏa, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang (non-pharmaceutical interventions – NPI) như thế nào là phán đoán chủ quan nhiều hơn.

Nói cách khác, chất lượng dữ liệu đầu vào và khả năng phán đoán của nhà dự báo sẽ quyết định chất lượng dự báo. Về mặt chất lượng dữ liệu thì không chỉ ở Việt Nam, chất lượng dữ liệu về các ca bệnh COVID-19, số nhập viện, tử vong… ở nhiều nước đều chưa tốt. Các phương tiện truyền thông của các nước đều phản ánh vẫn đề này từ lâu (hãng Bloomberg từng dùng từ “tệ” để nói về dữ liệu COVID-19).

Còn về mặt phán đoán chủ quan các tham số và đưa ra các giả định về mô hình, thì bất cứ nhóm nghiên cứu và tư vấn nào cũng phải đưa ra nhiều kịch bản. Ví dụ, phân tích các kịch bản của nhóm tư vấn thuộc đại học Warwick về số ca nhập viện, số giường bệnh cần và số tử vong mỗi ngày dựa trên những giả định khác nhau về tính hiệu quả, mức độ can thiệp của các biện pháp chống dịch không bằng dược phẩm cũng như hệ số R. Chúng ta có thể thấy mức chênh lệch rộng như thế nào giữa các kịch bản, và đoán đúng kịch bản nào sẽ xảy ra không chỉ là khoa học, mà là còn thuộc về may mắn.

Ở đây cần thấy thêm một vấn đề rằng, công tác dự báo trong khoa học xã hội còn một trở ngại khác là yếu tố hành vi phản hồi dựa trên chính sách và bản thân dự báo đưa ra. Khi một chính sách đưa ra dựa trên một dự báo, thì hành vi phản hồi của người dân có thể làm các giả định của dự báo sai ngay lập tức và phải tiến hành ngay dự báo mới.

Một mô hình dự báo động dựa trên nền tảng mạng neuron thần kinh (neural network based dynamic forecasting model) là một ví dụ cho cách dự báo để tính đến những yếu tố hành vi phản hồi này, nhưng phải có nguồn lực và bộ phận hỗ trợ về dữ liệu và năng lực tính toán của máy tính. Nói cách khác, dự báo một thời điểm, với một kịch bản duy nhất là không đáng tin cậy để hoàn toàn sử dụng vào công tác ra quyết định, mà nhiều nhất chỉ là yếu tố tham khảo.

Đến đây chúng ta mới đến yếu tố thứ hai: Người sử dụng dự báo, mà trong trường hợp COVID-19 này là các lãnh đạo có trách nhiệm chống dịch. Dựa trên các tư vấn từ nhóm cố vấn khoa học SAGE, chính phủ Anh mà đứng đầu là thủ tướng Boris Johnson sẽ ra quyết định chống dịch. Và không phải lúc nào ông Boris Johnson cũng nghe các cố vấn khoa học của mình.

Vụ việc rầm rộ nhất là vấn đề phong tỏa vào tháng 10 đến 11-2020, khi mà ông Boris Johnson không nghe theo các cố vấn cần phải thực hiện phong tỏa chặt trên toàn quốc, mà phong tỏa theo cấp độ từ lỏng tới chặt (1-3) tùy theo khu vực. Sự lưỡng lự của ông thể hiện rõ trong việc ông tuyên bố không muốn áp dụng phong tỏa toàn quốc, nhưng ông cũng không loại trừ nó khi phát biểu vào đầu tháng 10. Sau cùng thì đầu tháng 11, đợt phong tỏa toàn quốc cũng diễn ra. Ông Boris Johnson đã làm chậm gần 1 tháng sau khi các cố vấn đưa ra khuyến nghị phong tỏa toàn quốc. Và đây là quyết định của Thủ tướng Anh, không thể tránh né.

Vì sao không thể “đổ lỗi” cho các cố vấn khoa học? Vì tất cả cuộc họp của ban cố vấn khoa học SAGE đều có biên bản họp công bố trên website chính phủ Anh, bao gồm mỗi cuộc họp ai tham gia, có riêng biên bản của SAGE và biên bản của SPI-B (nhóm tư vấn về khoa học hành vi).

SPI-B sẽ tư vấn cho SAGE là chính, và SAGE tư vấn lại chính phủ. Tất cả tài liệu nền tảng khoa học của SAGE và SPI-B sử dụng để cố vấn cũng như những đánh giá và đề xuất của họ đều nằm trên trang web của chính phủ, truyền thông và dư luận có thể tiếp cận và nắm bắt.

Sự tồn tại và công khai các biên bản này cho công chúng ở Anh là rất quan trọng. Một là để rõ ràng trách nhiệm của các bên, bao gồm Thủ tướng Anh và nhóm nhà khoa học. Nếu chính phủ Anh nghe theo báo cáo tư vấn của các nhà khoa học thì lỗi là của cả chính phủ Anh (chọn nhà tư vấn không đủ năng lực) và nhà tư vấn (đưa ra khuyến nghị sai). Nếu chính phủ của ông Boris Johnson hành động ngược báo cáo tư vấn và sai, truyền thông và công chúng sẽ làm rõ điều đó dựa trên những biên bản này, và ghi nhận lại.

Bản thân các tài liệu này cũng được các nhà khoa học độc lập không thuộc tổ tư vấn sử dụng để phản biện đại chúng. Ví dụ có trường hợp SAGE dựa vào một vài nghiên cứu để đưa ra khuyến nghị vào năm ngoái, đã bị phản biện là lựa chọn một số nghiên cứu chưa đầy đủ, phiến diện từ đồng nghiệp làm việc cùng trường đại học của chính những người trong SAGE.

Nói chung quan điểm có thể khác nhau, nhưng ai nói gì cũng phải có giấy trắng mực đen để mà tranh luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm