Tương quan vũ khí tấn công Mỹ-Trung

Tương quan vũ khí tấn công Mỹ-Trung ảnh 1

Andrew Krepinevich, Giám đốc Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách - một viện nghiên cứu chính sách độc lập nói, Trung Quốc không muốn chiến tranh với Mỹ. "Dường như, điều Trung Quốc muốn là thay đổi sự cân bằng quân sự tại tây Thái Bình Dương để Mỹ không thể trợ giúp quân sự cho các đối tác an ninh lâu dài như Nhật, Hàn và Đài Loan", ông Krepinevich, người có 21 năm trong quân ngũ nhận xét.

Cả hai nước trên và Đài Loan đã cung cấp cho Mỹ những căn cứ, cảng biển quan trọng tại Thái Bình Dương, để Mỹ ngăn không cho Trung Quốc gây sức ép lên 3 khu vực trên và buộc họ phải tuân thủ chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vì sợ bị tấn công, Krepinevich nói. Liên Xô từng cố làm một việc tương tự như vậy ở Tây Âu. Theo Krepinevich, tình huống trên trùm lên vấn đề an ninh quốc gia mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta không thể phớt lờ.

Vậy, làm thế nào? Một số nhà phân tích nói, quân đội Mỹ nên lo lắng về việc Trung Quốc phát triển vũ khí có thể cản đường Mỹ ở trong vùng. Đó là tên lửa tầm xa có thể phá hủy tàu sân bay ở biển hoặc được dùng để nhằm vào các căn cứ trên đảo giống như tên lửa mà Mỹ đang đặt ở Guam.

"Phương pháp chặn tiếp cận là một trong những cách buộc Mỹ phải tấn công từ một nơi xa hơn nhiều", Jan van Tol, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách, đồng thời là một thuyền trưởng hải quân Mỹ đã về hưu nói. "Cần phải đặc biệt chú trọng tới tên lửa đạn đạo chống hạm vì nếu loại vũ khí này được sử dụng một cách hiệu quả, nó sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng vũ khí tầm xa chống lại các tàu sân bay của Hải quân".

Tàu sân bay là xương sống sức mạnh của Mỹ ở nước ngoài, nó cho phép các máy bay tấn công hoạt động gần như là bất kỳ một nơi nào trên thế giới. Việc Trung Quốc phát triển vũ khí sẽ cho phép nước này rào một phần của Thái Bình Dương lại, ngăn không cho Mỹ tiếp cận khu vực này và để Bắc Kinh thoải mái hành động chống lại các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

"Có đủ thứ mà Trung Quốc dường như đang cố thâu tóm mà không có lý do rõ ràng nào", van Tol nói.

Trung Quốc chưa bao giờ có ý định đe dọa bất kỳ một quốc gia nào, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie nói với những người đồng nhiệm châu Á tại cuộc họp "Đối thoại Shangri-La" bàn về vấn đề an ninh tại Singapore mới đây.

"Không phải tất cả mọi người tại những nước láng giềng của Trung Quốc đều tin vào điều này", Arthur Ding, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại đại học Chengchi, Đài Loan, người cũng tham dự Đối thoại Shangri-La nói. Khi Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa quân đội một cách toàn diện, thì nước này không thể thuyết phục các quốc gia láng giềng về ý định hòa bình của họ, Ding nhận xét.

Một manh mối chỉ ra ý định chiến lược của Trung Quốc sẽ nằm ở nơi Bắc Kinh triển khai tàu sân bay đầu tiên vào cuối năm 2011, Ding cho hay. "Nếu nó ở Biển Đông, ngoài khơi Quảng Đông thì cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc sẽ lại trỗi dậy vì các nước châu Á và Mỹ sẽ coi đó là một thông điệp gây hấn đối với họ".

Tuy nhiên, Tân Hoa xã mới đây đưa tin, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ được dùng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu. Đã từ lâu, Bắc Kinh đe dọa sẽ thâu tóm lại Đài Loan bằng vũ lực nếu khu vực này chính thức tuyên bố độc lập. Một số nhà phân tích nói, việc Trung Quốc xây dựng lực lượng phần lớn là nhằm lấy lại Đài Loan, và rằng, chỉ có sự can thiệp bằng quân sự của Mỹ mới có thể chặn hành động của Trung Quốc.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông gây lo lắng song không phải là sự xâm chiếm, Ding nhận xét. "Điều đó khó xảy ra nhưng có khả năng tuyến đường dầu khí của Đài Loan có thể bị Bắc Kinh đe dọa.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục phát triển máy bay tàng hình tầm xa, có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không hiện đại, gồm của cả Trung Quốc. Không quân Mỹ có kế hoạch chi 197 triệu USD trong năm nay để thiết kế một loại máy bay ném bom mới, tránh được radar. Máy bay mới này có thể do phi công lái hoặc điều khiển từ xa, cho phép nó bay trong một thời gian dài mà không cần tiếp nhiên liệu. Không quân hy vọng sẽ triển khai sứ mệnh bay đầu tiên vào giữa năm 2012.

Với việc tiếp nhiên liệu trên không, máy bay chiến đấu Mỹ có thể bay vòng vòng bên ngoài tầm với hệ thống phòng không của Trung Quốc và xác định điểm tấn công. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đang thử nghiệm một loại máy bay tấn công không người lái có thể triển khai từ tàu sân bay. Máy bay này được gọi là UCLASS.

Tàu sân bay có thể làm bệ phóng cho những máy bay ném bom không người lái hoạt động ngoài tầm với của các tên lửa mà Trung Quốc đang phát triển, van Tol cho hay. Các oanh tạc cơ này có thể cất cánh từ vùng biển an toàn và được tiếp nhiên liệu trước khi tấn công.

Dù có nhiều lo ngại, Trung Quốc vẫn khẳng định, nước này không nhằm chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Á. "Mục đích của chúng tôi là phát triển kinh tế để đảm bảo rằng 1,3 tỷ dân sống khá hơn", tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc nói trong chuyến thăm Lầu Năm Góc gần đây. "Chúng tôi không muốn dùng tiền để mua thiết bị hoặc các hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm thách thức Mỹ".

Tại Bắc Kinh, chủ cửa hàng Zhang Kexin nói, anh ta ủng hộ Trung Quốc xây dựng lực lượng nhưng chỉ với mục đích quốc phòng. "Kinh tế còn chưa phát triển đầy đủ, quân đội còn yếu, nên Trung Quốc dễ bị làm nhục. Nếu chúng tôi mạnh, tôi tự hào về sức mạnh đó". Tuy nhiên, Zhang, 50 tuổi nói, Trung Quốc không cần có tàu sân bay. "Đó là vũ khí tấn công, không cần thiết. Đã tốn hàng triệu USD chỉ để khởi động, số tiền đó dùng vào y tế và giáo dục ở nông thôn còn tốt hơn".

Theo Hoài Linh (VNN / USA Today)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm