Từ Singapore đến Hà Nội: Con đường ngoại giao gập ghềnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CNDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ một lần nữa gặp nhau, và cuộc gặp thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Hà Nội. Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai lãnh đạo diễn ra tại Singapore ngày 12-6-2018.

Có thể nói từ Singapore đến Hà Nội là một chặng đường ngoại giao gập ghềnh của hai nước, hãng tin Reuters (Mỹ) nhận định. Trong khi Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị cho thượng đỉnh thứ hai thì sự hy vọng về một thỏa thuận cụ thể hơn giữa ông Trump và ông Kim ngày càng tăng.

Đến lúc này, Triều Tiên vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân, và Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường trừng phạt. Vì thế, có thể thấy nhiệm vụ sắp tới của hai nhà lãnh đạo đều khó khăn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở khách sạn Capella (Singapore) ngày 12-6-2018. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở khách sạn Capella (Singapore) ngày 12-6-2018. Ảnh: REUTERS

Cùng nhìn lại chặng đường ngoại giao gian nan của hai ông Trump và Kim, những gì hai bên đạt được và chưa đạt được kể từ cái bắt tay đầu tiên, và cùng dự đoán điều gì có thể diễn ra trên bàn đàm phán sắp tới.

Tuyên bố chung Singapore

Thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018 là cuộc gặp chưa có tiền lệ, khi lần đầu tiên một đương kim tổng thống Mỹ gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố chung sau đó lại thiếu cụ thể, thay vào đó là bốn cam kết:

Một là hai nước sẽ thiết lập “quan hệ mới” vì hòa bình và thịnh vượng.

Hai là Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng làm việc với nhau để xây dựng một “thể chế hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.

Thứ ba, Triều Tiên cam kết “sẽ làm việc tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”.

Thứ tư, hai nước sẽ tìm kiếm và cho hồi hương các di hài binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở khách sạn Capella (Singapore) ngày 12-6-2018. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở khách sạn Capella (Singapore) ngày 12-6-2018. Ảnh: AFP

Điều gì đã diễn ra từ sau thượng đỉnh ở Singapore?

Ngay trước thượng đỉnh đầu tiên này, tháng 5-2018, Triều Tiên đã phá hủy một số đường hầm và tòa nhà tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri, có sự quan sát của các nhà báo quốc tế, nhưng không có mặt các chuyên gia thanh tra hạt nhân.

Ngay sau thượng đỉnh với ông Kim, ông Trump có thông báo bất ngờ rằng Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc vốn luôn bị Triều Tiên chỉ trích là hành động khiêu khích, tập dợt cho chiến tranh. Nhiều cuộc tập trận lớn đã ngưng, nhưng các cuộc tập trận quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp tục.

Đáp lại, Triều Tiên đã nhanh chóng trao cho Mỹ 55 bộ hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên.

Triều Tiên phá hủy một số đường hầm và tòa nhà tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri, có sự quan sát của các nhà báo quốc tế vào tháng 5-2018, trước thời điểm diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim lần một. Ảnh: REUTERS

Triều Tiên phá hủy một số đường hầm và tòa nhà tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri, có sự quan sát của các nhà báo quốc tế vào tháng 5-2018, trước thời điểm diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim lần một. Ảnh: REUTERS

Tháng 7-2018, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu phá bỏ một số cơ sở hạ tầng tại Trạm phóng vệ tinh Sohae. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức Mỹ thì sau đó Triều Tiên không có thêm hoạt động hủy bỏ nào thêm.

Triều Tiên và Hàn Quốc tích cực xích lại hòa giải với nhau. Chỉ trong vài tháng, ông Kim có tới ba cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong đó hai lần gặp đầu diễn ra ở làng Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự liên Triều, và cuộc gặp cuối diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Hai bên cũng có nhiều bước đi giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới, bao gồm đóng cửa nhiều chốt biên phòng, dỡ bỏ mìn, thống nhất một vùng cấm bay.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trên xe, trái) sang Bình Nhưỡng gặp thượng đỉnh lần ba với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trên xe, phải) vào tháng 9-2018. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trên xe, trái) sang Bình Nhưỡng gặp thượng đỉnh lần ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trên xe, phải) vào tháng 9-2018. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, hai miền liên Triều còn nhiều kế hoạch khác, nhưng các kế hoạch này lệ thuộc lớn vào thái độ của Mỹ với chuyện trừng phạt Triều Tiên vốn phong tỏa phần lớn hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng.

Năm 2018 cũng là năm bận rộn gặp gỡ, đối thoại với nhau nhất của các quan chức chính phủ Mỹ và Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều lần sang Bình Nhưỡng. Trong đó có một lần ông Pompeo bị Triều Tiên lên án là làm ngoại giao kiểu “bắt nạt” khi yêu cầu Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược. Chuyến đi sau đó ông Pompeo lại nhận được sự “hài lòng” của ông Kim.

Trong khi đó tại Mỹ, ông Trump từng hai lần tiếp các quan chức Triều Tiên cấp cao tại Nhà Trắng, nhận hai bức thư riêng từ ông Kim.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một lần tiếp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một lần tiếp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) tại Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Kim nói vẫn cởi mở khả năng gặp ông Trump lần nữa, nhưng cảnh cáo ông có thể sẽ chọn “con đường mới” – có thể sẽ quay lại con đường phát triển vũ khí hạt nhân – nếu ông không cảm thấy hài lòng với quá trình đàm phán.

Sau hàng loạt cuộc đối thoại cấp quan chức Mỹ-Triều trong tháng 1, đến tháng 2, ông Trump thông báo cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa ông với ông Kim sẽ diễn ra ở Việt Nam cuối tháng này.

Điều gì đã không thể xảy ra từ sau thượng đỉnh lần một?

Xuyên suốt các cuộc đối thoại, đàm phán, chưa bên nào thông báo các bước đi lớn hướng tới giải trừ hạt nhân, giảm nhẹ trừng phạt, hay thiết lập một “thể chế hòa bình” mới cho bán đảo Triều Tiên.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên có nhiều tuyên bố phàn nàn về chuyện Mỹ phản đối ký một tuyên bố hòa bình hoặc không giảm nhẹ trừng phạt đến chừng nào Triều Tiên có thêm các bước đi tiến tới giải trừ hạt nhân.

Trong khi đó, nhiều quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ cho rằng dù ngừng thử hạt nhân, tên lửa nhưng thực chất Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, và khả năng lớn là nước này sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh lần ba với ông Kim tháng 9-2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon nói Triều Tiên muốn “phá hủy vĩnh viễn” khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế đến các cơ sở tên lửa nước này nếu Mỹ có các bước đi nhượng bộ.

Triều Tiên muốn “phá hủy vĩnh viễn” khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có các bước đi nhượng bộ. Ảnh: KYODO

Triều Tiên muốn “phá hủy vĩnh viễn” khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có các bước đi nhượng bộ. Ảnh: KYODO

Tuy nhiên, đến lúc này cả sự nhượng bộ của Mỹ và chuyện các thanh sát viên đến Triều Tiên vẫn chưa diễn ra, theo Reuters.

Điều gì có thể diễn ra ở Việt Nam?

Đến lúc này, cả các quan chức Mỹ lẫn Triều Tiên đều kín miệng về các nội dung có thể sẽ được hai bên thống nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim thứ hai. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ cần cởi mở, có các bước đi chuyển tiếp để tăng khả năng có thỏa thuận.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nói với các nghị sĩ Hàn Quốc rằng phần lớn các cuộc bàn bạc gần đây với Triều Tiên đều tập trung chủ yếu vào chuyện hậu cần cho thượng đỉnh, và cần phải có thêm nhiều cuộc đối thoại nữa để giải quyết các vấn đề thực chất.

Tuy nhiên, ông Biegun cũng có tiết lộ rằng hai bên cũng có bàn về cả “chục” vấn đề liên quan chuyện thượng đỉnh và Triều Tiên kêu gọi Mỹ giảm trừng phạt, khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều, mở một văn phòng liên lạc của Mỹ ở Triều Tiên, và ký một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng nên dỡ bỏ lệnh cấm công dân Mỹ sang Triều Tiên, tăng thêm viện trợ song phương.

Nhiều nghị sĩ Mỹ và nhiều nhà phân tích đoán rằng ông Trump có thể đồng ý giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Nhiều nghị sĩ Mỹ và nhiều nhà phân tích đoán rằng ông Trump có thể đồng ý giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Theo một số quan chức Hàn Quốc, để có được các nhượng bộ này từ Mỹ, Triều Tiên có thể đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, phá hủy các cơ sở tên lửa với sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài.

Tháng 12-2018, truyền thông nhà nước Triều Tiên từng nói cam kết “giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” của nước này cũng bao gồm cả việc “loại trừ hoàn toàn đe dọa hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên”. Nhưng Triều Tiên không nói Mỹ nên có các bước đi cụ thể gì.

Nhiều nghị sĩ Mỹ và nhiều nhà phân tích đoán rằng ông Trump có thể đồng ý giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đều nói chuyện này sẽ không có trong nội dung đàm phán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm