Trung-Triều rạn nứt, Nga chớp thời cơ?

Hãng tin CNBC (Mỹ) ngày 8-5 dẫn nhận định của một số nhà phân tích nói rằng Nga đang từng bước tìm cách tận dụng cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Khi những rạn nứt giữa Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng sâu thêm, Tổng thống Nga Vladimir Putin thật sự trong thế sẵn sàng lấp đầy khoảng trống do Bắc Kinh để lại.

“Nga đã bí mật bắt đầu những nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên nhằm tăng ảnh hưởng chính trị toàn cầu của mình nếu nước này cần” – CNBC dẫn nhận định của các chuyên gia tại công ty tình báo nổi tiếng của Mỹ Stratfor.

Nga và Triều Tiên có một lịch sử quan hệ lâu dài cả về kinh tế và hệ tư tưởng. Hồi năm 2014, Moscow đã xóa 90% trong khoản tiền 11 tỉ USD mà Bình Nhưỡng nợ từ thời Liên Xô. Và có thể nói, các dự án gần đây đã cho thấy một mối quan hệ thậm chí nồng ấm hơn giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Theo CNBC, hai quốc gia gần đây đã ký một dịch vụ vận tải tàu qua lại giữa TP Rason của Triều Tiên và TP cảng Vladivostok của Nga 6 lần/tháng, với sức chứa 200 hành khách cùng 1.000 tấn hàng. Trong khi đó, hồi tháng 4 vừa qua, các khí tài quân sự Nga đã được nhìn thấy điều động tới khu vực biên giới giáp Triều Tiên. Tuy nhiên, Moscow thời điểm đó tuyên bố động thái này chỉ là một phần của các tập trận quân sự đã được lên kế hoạch trước.

“Nga rõ ràng đang thực hiện những nỗ lực thật sự để tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Quan điểm cho rằng Nga một lần nữa sẽ thay thế Trung Quốc, trở thành nhà bảo trợ chính của Triều Tiên là có căn cứ. Điều này có thể được chứng minh thông qua lăng kính chiến lược của Triều Tiên thời kỳ Chiến tranh lạnh khi nước này đối mặt trước hai nước Trung-Nga đối đầu nhau” – phân tích gia Anthony Rinna chuyên về quan hệ Nga-Triều nhận định.

Hồi tháng 3, Moscow cũng đã đồng ý cho phép tăng nhập khẩu lao động từ Triều Tiên vào Nga. Khoảng 10.000 người Triều Tiên được cho là đang sinh sống tại Nga. Trong đó, có nhiều lao động Triều Tiên là lao động bị ép buộc ra nước ngoài làm việc để gửi ngoại tệ về Bình Nhưỡng.

Tháng 1-2017, các quan chức đứng đầu công ty đường sắt quốc doanh Nga Russian Railways đã thăm Triều Tiên để đề xuất tăng cường hợp tác về lĩnh vực đường sắt giữa hai nước, trong đó có việc xây dựng tuyến được sắt nối Rason với Khasan và chương trình huấn luyện sinh viên Triều Tiên ở các ĐH Nga.

Hơn nữa, khi Trung Quốc gần đây đe dọa sẽ cắt đứt nguồn dầu xuất khẩu sang Triều Tiên nếu Bình Nhướng thử hạt nhân lần sáu, Nga đã có các động thái ngụ ý nước này có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong việc xuất khẩu nguồn nhiên liệu này.

Ảnh hưởng tiềm năng của Moscow lên Triều Tiên cũng có thể tạo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin sức ảnh hưởng trong chừng mực nào đó đối với phương Tây khi ông Putin xử lý các cáo buộc của Washington về việc Moscow can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 cũng như vai trò của Nga trong chiến sự Syria và khủng hoảng ở Ukraine.

“Mặc dù Nga không thể tự mình giải quyết được vấn đề Triều Tiên nhưng Moscow có thể có đủ ảnh hưởng để hoặc phá hỏng hoặc hợp tác với các nỗ lực của phương Tây để đối phó” – theo Stratfor.

Triều Tiên tập trận pháo binh hôm 25-4 nhân kỷ niệm lần thứ 85 ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên. Ảnh: RODONG SINMUN

Quan hệ song phương giữa Nga và Triều Tiên ngày càng được thắt chặt giữa bối cảnh Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đang đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng theo sau các yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hợp tác với Washington để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Phản ứng trước thái độ cứng rắn của Bắc Kinh gần đây, trong đó bao gồm việc cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trong một động thái hiếm hoi hồi đầu tháng 5 năm nay đã công khai cáo buộc giới chính trị Trung Quốc “phản bội”.

Nga ngày càng chứng minh nằm trong tốp đầu các quốc gia hữu nghị của Triều Tiên. Theo CNBC, mặc dù Nga có thể chưa thay thế được ảnh hưởng hiện tại của Trung Quốc đối với Triều Tiên, nhưng Moscow có thể can thiệp vào các biện pháp do Trung Quốc, Mỹ triển khai để gây áp lực Bình Nhưỡng.

“Đó là lợi ích của Nga khi nước này duy trì Bình Nhưỡng như một quốc gia vùng đệm giữa Moscow và Nhật-Hàn, hai quốc gia đồng minh của Mỹ” – các nhà phân tích tại Stratfor nói.

Bên cạnh các lợi ích chính trị, cũng có những nguyên nhân khác khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy ảnh hưởng của nước này ở Triều Tiên, theo Stratfor. “Mục đích chính của Nga trong mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên đa phần được thúc đẩy bởi mong muốn của Nga để phát triển và đảm bảo an ninh ở vùng Viễn Đông của nước này”.

Trước đây, chính quyền ông Putin từng chỉ trích chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tham gia thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng hồi năm 2014. “Như phần còn lại của thế giới, chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên khiến Nga lo ngại, đặc biệt khi địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên chỉ cách TP cảng Vladivostok của Nga chỉ 200 dặm (khoảng 320 km)” – trang Stratfor lý giải.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ Moscow sẽ tiếp tục đi theo chính sách này hay không khi hôm 19-4, Nga đã bất ngờ ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án vụ phóng tên lửa hôm 16-4 của Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc lại ủng hộ nghị quyết này, mà vốn được Mỹ đề xuất. Các nhà ngoại giao thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thời điểm đó dường như bất ngờ khi Nga ngăn việc thông qua bản dự thảo nghị quyết, theo AFP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm