Trung Quốc siết tín dụng, doanh nghiệp nhỏ trả giá

Hiện nay, Ôn Châu có khoảng 9 triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó 400.000 doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.

Nguyên nhân khó khăn do chi phí lao động tăng (mức lương tối thiểu năm 2011 tăng 19% so với năm ngoái), tình hình xuất khẩu ế ẩm, chi phí sản xuất tăng. Túng thế, các doanh nghiệp tìm đến các nơi cho vay nặng lãi. Lãi suất cho vay chợ đen lên tới 7%/tháng, tăng gấp đôi so với năm ngoái, trong khi lãi suất cho vay chính thức từ ngân hàng chỉ 6,56%/năm.

Trang web Bloomberg dẫn nguồn từ Hội Doanh nghiệp nhỏ Ôn Châu cho biết từ tháng 4 đến nay đã có ít nhất 90 chủ doanh nghiệp bỏ trốn và hai trường hợp tự tử do bọn cho vay nặng lãi sử dụng bạo lực. Tình hình khó khăn đến nỗi hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến thăm Ôn Châu và cam kết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó.

Theo thống kê của Bộ Công nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra 80% công ăn việc làm. Dù vậy, theo Ngân hàng đầu tư Macquarie Group Ltd (Úc), hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc khó vay vốn ngân hàng vì ngân hàng Trung Quốc ưu đãi cho vay dựa trên thế chấp thay vì kê khai dòng tiền. Trớ trêu ở chỗ 33%-50% tiền cho vay từ tư nhân lại có nguồn gốc từ ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Tao Dong tại Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) nhận định sự sụp đổ đột ngột của các mạng lưới cho vay không chính thức đã để lộ ra khả năng yếu kém và thiếu kiểm soát của hệ thống tài chính Trung Quốc. Ông ước tính dư nợ vay từ nguồn tư nhân đã lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ, bằng 8% tổng vốn cho vay ở Trung Quốc.

Hầu hết tiền vay không chính thức được đổ vào các công ty bất động sản trong khi bất động sản có dấu hiệu phát triển chậm lại. Hậu quả là giá nhà tăng vọt, như giá nhà tại Ôn Châu thuộc hàng đắt đỏ nhất Trung Quốc. Như nhà kinh tế Wang Tao ở Ngân hàng UBS AG (Thụy Sĩ) dự báo, tình trạng đóng băng tín dụng sẽ gây ra khủng hoảng niềm tin và các doanh nghiệp Trung Quốc rồi sẽ phá sản hàng loạt.

QUANG MINH (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm