Trung Quốc nỗ lực nắm trật tự kinh tế-chính trị châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã có bước thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực với hành động rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với nhiều chuyên gia, ông Trump đã để lại một khoảng khuyết lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và Trung Quốc (TQ) không bỏ lỡ cơ hội trám vào chỗ khuyết này.

Trong hai ngày 14 và 15-5 tới đây, tại Bắc Kinh (TQ) sẽ diễn ra diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế với sự tham dự của 28 lãnh đạo châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ La tinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Su Kyi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ tham dự. Hy vọng của các lãnh đạo thế giới là có thể giành một phần trong hàng trăm tỉ USD mà TQ đã hứa sẽ cho vay và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như các cảng biển, đường sắt, nhà máy điện…

Trật tự kinh tế mới...

Hai ngày diễn đàn này sẽ là cơ hội để TQ quảng bá kế hoạch phát triển hạ tầng và thương mại toàn cầu đầy tham vọng có tên Vành đai và Con đường. Đây cũng là cơ hội để Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thể hiện mình như một lãnh đạo của một trật tự kinh tế mới.

“Đây là một cơ hội nữa để ông Tập đánh bóng uy tín lãnh đạo và thể hiện mình trên trường thế giới” - theo chuyên gia Tom Miller, tác giả cuốn Giấc mơ châu Á của TQ: Mưu đồ quyền lực dọc Con đường Tơ lụa mới. Trong khi đó theo ông, việc ông Trump “rút khỏi TPP đồng nghĩa rút khỏi trung tâm lãnh đạo kinh tế châu Á và ông Tập đang cố trám chỗ khuyết đó”.

Hoa trưng bày trên đường phố Bắc Kinh đón mừng diễn đàn Vành đai và Con đường. Ảnh: REUTERS

Hoa trưng bày trên đường phố Bắc Kinh đón mừng diễn đàn Vành đai và Con đường. Ảnh: REUTERS

Sáng kiến Vành đai và Con đường được chính Chủ tịch Tập công bố bốn năm trước trong chuyến thăm Kazakhstan. Sáng kiến này vốn lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa trước kia - một mạng lưới tuyến đường thương mại bắt đầu từ TQ xuyên suốt châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Quy mô của Vành đai và Con đường hôm nay bao choàng gần như toàn bộ thế giới, dù không bao gồm Mỹ.

Thời điểm này, việc thực hiện kế hoạch Vành đai và Con đường vẫn còn khiêm tốn với tổng số tiền TQ chi cho kế hoạch này trong bốn năm qua là 60 tỉ USD. TQ tính toán đầu tư nước ngoài trong năm năm tới của mình sẽ 600-800 tỉ USD, trong đó phần lớn sẽ đầu tư cho các nước liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường.

Các động cơ của TQ trong kế hoạch Vành đai và Con đường căn bản là về kinh tế, mong muốn tìm một hướng tăng trưởng mới, tìm kiếm các thị trường nước ngoài để bù vào sự bão hòa trong nước. Các dự án xây dựng hạ tầng có thể giúp giải quyết lượng thép, xi măng tồn đọng do sản xuất thừa công suất của TQ. Trong khi đó khu vực phía Tây chậm phát triển của TQ có thể được lợi khi được nối kết với phần còn lại của châu Á từ con đường này.

... sẽ dẫn tới trật tự chính trị

Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi về kinh tế, không thể không nhìn dự án này qua con mắt địa chính trị. Hay có thể nói đây là một nỗ lực khuếch trương tầm ảnh hưởng của TQ, theo chuyên gia Paul Haenle tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa (TQ).

Các nước nhỏ phụ thuộc vào tiền của TQ có thể sẽ thấy có nghĩa vụ phải ủng hộ quan điểm TQ trong các vấn đề quốc tế. Trong khi đó các hạng mục hạ tầng như cảng biển… có thể sẽ được sử dụng hai mục đích, một ngày nào đó sẽ hỗ trợ sức mạnh quân sự của TQ.

Tuy nhiên, liệu TQ có thuận lợi đạt các mục tiêu trên không?

“Tôi có chút bi quan. Không chỉ vì TQ có nhiều thách thức tự thân mà việc xây dựng hạ tầng thương mại cũng không đơn giản: Đặc điểm địa lý, quyền sở hữu đất đai, các vấn đề chính trị, xã hội, môi trường” - theo chuyên gia Matthew Goodman tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ).

Dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ cho thấy đầu tư trực tiếp từ TQ đến các nước nằm trên Vành đai và Con đường giảm 2% trong năm 2016 và tiếp tục giảm 18% trong mấy tháng đầu năm 2017.

Khi bắt đầu không phải mọi dự án đầu tư đều suôn sẻ, một phần vì các công ty TQ có thói quen giao dịch, thỏa thuận với các lãnh đạo, chính trị gia mà ít màng đến quan điểm của người dân địa phương. Các dự án có thể bị ảnh hưởng nếu gặp phản đối từ người dân.

Hồi tháng 1, các biểu tình từng nổ ra ở Sri Lanka phản đối TQ xây dựng cảng biển và khu công nghiệp ở đây. Trước đó nữa, người dân các nước Myanmar, Campuchia cũng từng lo ngại việc TQ xây đập, cũng như lo lắng dân TQ nhập cư và chiếm đất ở các nước này. Các dự án đường sắt nối Thái Lan, Lào, Indonesia đã bị hoãn vì bất đồng quanh vấn đề chi phí. Trong khi đó, một dự án quan trọng ở châu Âu - một tuyến đường sắt nối TP Budapest (Hungary) và TP Belgrade (Serbia) đang bị Ủy ban châu Âu điều tra.

TQ có vẻ đã rút kinh nghiệm từ những sự cố này. Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á của TQ đã thuê chuyên gia phương Tâ- nghiên cứu các quy định toàn cầu, cam kết sẽ tuân thủ, minh bạch các quy định về xã hội, môi trường.

Ủng hộ và hoài nghi

Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập nhận được cả sự ủng hộ và hoài nghi từ bên ngoài TQ.

Ấn Độ không hài lòng khi một trong số các dự án quan trọng hàng đầu - tạo lập một hành lang kinh tế trị giá 50 tỉ USD đến biển Ả Rập - lại đi ngang qua lãnh thổ nước đối thủ của mình là Pakistan. Sự bất mãn này là lý do Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi không tham dự diễn đàn của TQ.

Các lãnh đạo Đức, Pháp, Anh cũng sẽ không có mặt tại diễn đàn Vành đai và Con đường. Lý do chính thức là vì vướng bận bầu cử trong nước nhưng bên cạnh đó còn có lý do khác là các nước lớn ở châu Âu đang lo ngại TQ có ý định phá hoại sự thống nhất của châu lục bằng cách đổ tiền cho các nước châu Âu nghèo hơn. Các lãnh đạo châu Âu cũng không hài lòng việc TQ không nỗ lực mở cửa thị trường và khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Biểu ngữ quảng bá diễn đàn trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

Biểu ngữ quảng bá diễn đàn trên đường phố TQ. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Nga Putin dù sẽ có mặt tại diễn đàn nhưng thực ra cũng đang rất cẩn trọng với kế hoạch Vành đai và Con đường của TQ. Ông Putin rất thận trọng với ảnh hưởng của TQ ở Trung Á - một khu vực Nga xem là sân sau của mình, theo chuyên gia Frederick Starr, Chủ tịch Viện Trung Á-Caucasus và Chương trình nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ).

TQ bỏ công sức vào kế hoạch Vành đai và Con đường nhiều hơn Mỹ đã bỏ công vào kế hoạch Con đường Tơ lụa mới cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu ra năm 2011 với mục đích nối Trung với Nam Á. Ý tưởng này của bà Clinton không được thực hiện.

Chính phủ Obama đã chọn giữ khoảng cách với sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Haenle, lần này chính phủ Trump cần phải gắn kết một cách tích cực với sáng kiến này của TQ nếu Mỹ không muốn tự cô lập. Ngoài ra, Mỹ cũng cần có một kế hoạch dài hạn cho khu vực của riêng mình.

Đồng tình khả năng này, chuyên gia Goodman cho rằng “đây là một thách thức lớn với Mỹ. Không còn TPP, chúng ta cần tái gắn kết, tìm cách khác để giữ vị thế ở vũ đài châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đang bị đe dọa rất lớn về cả kinh tế và chính trị. Chúng ta cần có một chiến lược kinh tế cho khu vực này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm