Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vì mục đích gì?

Đây là âm mưu “tạo ra sự đã rồi” để buộc các đối phương trong khu vực và Mỹ phải chấp nhận hoặc chống lại.

Báo New York Timescủa Mỹ ngày 9-5 (giờ địa phương) đã đăng bài viết nhận định như trên. Báo cho rằng từ năm ngoái, TQ đã bắt đầu bộc lộ dấu hiệu hành động đơn phương trong tranh chấp biển khi thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Lần này TQ tung công cụ mới tiềm ẩn sức mạnh trong tranh giành lãnh thổ, đó là ngành công nghiệp dầu khí. Một quan chức dầu khí TQ đã từng ví các giàn khoan là “lãnh thổ di động”. Chuyên gia Holly Morrow ở ĐH Harvard (Mỹ), nguyên Giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định: “Lần này TQ đã vượt quá giới hạn”.

Báo New York Times nhận định ít người tin TQ điều giàn khoan HD-981 đến vùng biển Việt Nam để thăm dò dầu khí bởi theo một báo cáo năm 2013, Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ đã thẩm định ít có khả năng khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa có trữ lượng dầu khí lớn.

Báo cho rằng âm mưu điều giàn khoan HD-981 của TQ chắc chắn là kế hoạch dài hạn vì thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu phải mất nhiều tháng chuẩn bị. Thời điểm điều giàn khoan cũng cho thấy TQ không chỉ muốn kiểm tra khả năng đương đầu với TQ của ASEAN mà còn kiểm tra quyết tâm của Tổng thống Obama trong cam kết hỗ trợ các đồng minh ở châu Á.

Tạp chí Foreign Policy(Mỹ) nhận định sự kiện TQ đưa giàn khoan tiền tỉ USD cùng 80 tàu bảo vệ vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã đặt ra nhiều nghi vấn. Chuyên gia David Lai ở Viện nghiên cứu chiến lược (ĐH Chiến tranh quân đội Mỹ) nhận định chính sách ngoại giao của TQ đang thay đổi từ cách tiếp cận ẩn mình, tránh đối đầu sang cách tiếp cận chủ động hơn.

Ông không tin giàn khoan được triển khai vì mục đích khai thác dầu khí mà động thái này giống như đặt một quân cờ vào vị trí chiến lược trên bàn cờ vây. Ông ghi nhận: “Khi bạn đặt ra các sự việc tại hiện trường, nó cũng như bạn đặt một quân cờ ở đó và quân cờ đó gây ra tác động. Trò chơi này thực chất là thiết lập quyền lực dựa trên vị trí”.

Chuyên gia Peter Dutton, Giám đốc Viện nghiên cứu biển Trung Quốc (ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ), nhận xét Bắc Kinh đang muốn ổn định tình hình trong nước vì lo ngại kinh tế chững lại và bong bóng bất động sản có thể nổ. Chuyên gia Richard Javad Heydarian ở ĐHAteneo De Manila (Philippines) cho rằng TQ muốn tạo ra khủng hoảng ở biển Đông để lấn át các bức xúc về tình hình người Duy Ngô Nhĩ nổi loạn ở Tân Cương và phản ứng của dư luận TQ về chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Tạp chí Foreign Policy ghi nhận dù Mỹ không có hiệp ước phòng thủ chung hay quan hệ đồng minh với Việt Nam và không muốn liên can trực tiếp vào vấn đề biển Đông, Mỹ cũng không thể làm ngơ.

 THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm