Trung Quốc có thật sự vì Mỹ mà lơ Triều Tiên?

"Vừa ghét vừa yêu"

Hôm 14-4, hãng hàng không Air China đã bác bỏ thông tin hãng này dừng vô thời hạn tất cả chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Trước đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (TQ) (CCTV) đưa tin rằng bắt đầu từ ngày 17-4 Air China sẽ không còn thực hiện các chuyến bay giữa thủ đô TQ và thủ đô Triều Tiên.

“Air China sẽ không dừng hoạt động bay nằm trong tuyến Bắc Kinh - Bình Nhưỡng nhưng hãng sẽ dừng một số chuyến bay dựa trên tình hình bán vé” -thông cáo của Air China nêu rõ.

Giới phân tích nhận định bản tin của CCTV ngoài mặt cho thấy TQ đang muốn tránh xa đồng minh chính thức duy nhất của nước này - CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, các tuyên bố lúc này lúc khác liên quan tới vụ Air China là một trong những minh chứng cho thấy cách tiếp cận “vừa ghét vừa yêu” của TQ đối với đồng minh hay gây rắc rối của nước này.

Triều Tiên trình diễn các tên lửa trong cuộc diễu binh ở quảng trường Kim Nhật Thành hôm 15-4. Ảnh: AFP

Chuyên gia Gordon G.Chang, chuyên về TQ và Triều Tiên, nhận định trên tạp chí Forbes (Mỹ) hôm 16-4 rằng mặc dù TQ ngày một bất bình với Triều Tiên nhưng Bắc Kinh về cơ bản không thể cắt giảm nguồn hỗ trợ dành cho chính quyền ông Kim Jong-un.

Với cách tiếp cận thực dụng, TQ sẽ dùng vấn đề Triều Tiên như một cơ hội giúp Bắc Kinh đạt được các mục đích quan trọng về ngắn hạn. Có thể thấy các động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng khiến Washington phải sao lãng chuyện tổ chức các cuộc nói chuyện với TQ về một loạt vấn đề như cách hành xử vô trách nhiệm và sự hung hăng của Bắc Kinh ở biển Đông, các vụ tấn công mạng, các thỏa thuận thương mại

Hơn nữa, Triều Tiên được xem là lá bài mặc cả của TQ khi Washington tìm tới sự trợ giúp của Bắc Kinh. Điều này một phần được thấy rõ khi ông Trump ngày 16-4 đăng trên Twitter rằng: “Tại sao tôi phải gọi TQ là một nước thao túng tiền tệ khi mà họ hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề Triều Tiên?”. Ông Trump trước đây không ngừng chỉ trích TQ là thao túng tiền tệ và tuyên bố sẽ đưa ra biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, động thái này phần nào cho thấy vấn đề Triều Tiên được đem ra để mặc cả. Theo ông Chang, Triều Tiên là một trong những con bài mang lợi nhiều nhất mà nền ngoại giao TQ từng sở hữu kể từ khi CHND Trung Hoa được thành lập.

TQ "nói một đường làm một nẻo"

Vì những lợi ích mà Bình Nhưỡng mang lại cho Bắc Kinh nên TQ vẫn còn do dự chuyện “xuống tay” với Triều Tiên. Sự mập mờ của TQ càng được thấy rõ khi nước này có lúc cấm, có lúc lại không cấm nhập than đá, nguồn tài nguyên được xem là “nhựa sống” của Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Hôm 18-2, Bắc Kinh tuyên bố rằng để tuân theo các biện pháp trừng phạt được Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi tháng 11-2016, TQ sẽ dừng mua than đá của Triều Tiên đến hết năm 2017. Tổng thống Mỹ Donald Trump thời điểm đó đánh giá động thái này là một bước tiến trong chính sách của ông nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ TQ. “Chúng ta gặp một vấn đề rất lớn tại Triều Tiên. Như tôi đã nói, tôi thật sự cho rằng TQ đang làm rất tốt và quá trình này đã bắt đầu rồi. Nhiều tàu chở than đá đã quay đầu về Triều Tiên”.

Tuy nhiên, TQ lại “nói một đường làm một nẻo”, không như những gì ông Trump tơ tưởng. Hồi đầu tháng 4, các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu Triều Tiên dỡ hàng tại cảng Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông, Đông Bắc TQ. Đây không phải là “sự phản bội” các cam kết duy nhất. Tháng 2-2017, TQ đã cho phép tàu Triều Tiên chở than đá tới cảng Nhật Chiếu cũng thuộc tỉnh Sơn Đông mặc dù nước này trước đó công bố lệnh cấm mua than đá Triều Tiên. Hồi tháng 3, một tàu Triều Tiên cũng bị phát hiện di chuyển qua lại giữa các cơ sở khai thác than đá của TQ và Triều Tiên.

Bắc Kinh ngoài mặt áp đặt lệnh cấm nhưng nước này lại không muốn các lệnh cấm gây tổn hại cho Triều Tiên. Theo CNBC, mặc dù biện pháp trừng phạt áp dụng vào khoảng thời gian hơn một nửa quý I nhưng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên của TQ trong suốt quý này vẫn tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó giá trị xuất khẩu của TQ tới Triều Tiên tăng tới 54,5% trong quý I so với cùng kỳ năm 2016.

Theo chuyên gia Gordon G.Chang, ông Trump đã không hiểu chính sách của TQ, thậm chí ông không hiểu những gì mà TQ đang làm. Hôm 12-4, ông Trump nói rằng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình “muốn làm điều đúng đắn”. Tuy nhiên, nếu sự thật là vậy thì đường đi nước bước của TQ hiện vẫn chưa rõ. Nhà cầm quyền TQ cần sự khuyến khích của Washington để đưa ra các lựa chọn đúng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm