Triều Tiên và bùa hộ mệnh ‘vũ khí hạt nhân’

Sáng 16-9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra tuyên bố: Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế “không ngừng nghỉ”, Triều Tiên đã gần hoàn tất công cuộc xây dựng lực lượng vũ khí hạt nhân. Ông Kim Jong-un kêu gọi huy động “toàn bộ nguồn lực quốc gia” để đưa Triều Tiên về đích và sở hữu “năng lực phản công hạt nhân mà Mỹ không thể nào đối phó nổi”.

Chia rẽ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn

Thông điệp đó được công bố trên bản tin của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng lần thứ hai liên tiếp cho phóng thử tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Loại tên lửa được sử dụng ngày 15-9 là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, cũng chính là loại tên lửa được phóng ngang qua bán đảo Hokkaido, Nhật Bản vào ngày 29-8. Triều Tiên cũng đã cho thử bom hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3-9 mà theo tuyên bố của Bình Nhưỡng là thành công “hoàn hảo”, chỉ vài tiếng sau khi tờ Rodong Sinmun của nước này công bố thông tin Bình Nhưỡng đã phát triển thành công bom H có khả năng thu nhỏ và vũ trang cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Nếu như tất cả tuyên bố của Triều Tiên về thử nghiệm tên lửa và hạt nhân đều chính xác, nước này thật sự đã gia nhập “câu lạc bộ” các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cục diện tại bán đảo Triều Tiên?

Theo tuyên bố của ông Kim Jong-un, những bước tiến thời gian qua cho thấy Triều Tiên đang tiến gần đến mục tiêu sở hữu sức mạnh quân sự “cân bằng” với Mỹ, hãng tin AP cho biết. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang ở gần hơn bao giờ hết viễn cảnh xây dựng một kho vũ khí hạt nhân đủ sức đặt Mỹ và các đồng minh tại châu Á vào tầm ngắm. Hàn Quốc và Nhật Bản  sẽ thêm hoài nghi về những cam kết an ninh của Mỹ, lo ngại Washington sẽ khó lòng hy sinh sự an toàn của chính mình để bảo vệ đồng minh.

Triều Tiên ngày 16-9 công bố những hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-12, loại tên lửa chiến thuật có khả năng vũ trang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: KCNA

Trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM, ông Ankit Panda, biên tập viên cao cấp về tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương của chuyên trang bình luận quốc tếThe Diplomat, cho biết: “Theo tôi, các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên mang tính thách thức rõ rệt, nhằm kéo căng các mối quan hệ đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Á. Đồng thời, các vụ phóng tên lửa cũng sẽ cung cấp các thông tin kỹ thuật quan trọng cho Triều Tiên. Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các vụ phóng tên lửa này như một hệ quả của việc Mỹ và Nhật Bản thời gian qua không thể có các biện pháp răn đe đủ mạnh. Các vụ phóng thử tên lửa bay ngang qua láng giềng như vậy sẽ tăng áp lực lên các cam kết an ninh của Mỹ với Nhật Bản rằng Washington sẽ gia tăng các biện pháp răn đe Triều Tiên”.

Mỹ không còn lựa chọn

Hai vụ thử tên lửa liên tiếp “trên đầu” người Nhật mà không bị đánh chặn có thể khiến việc Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua lãnh thổ nước láng giềng trở thành một trạng thái “bình thường mới” tại khu vực. Các vụ thử hạt nhân và tên lửa bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế cũng có thể trở thành bằng chứng khẳng định Triều Tiên đã giành được tự do nhiều hơn trong hoạt động quân sự.

Trong tuyên bố ngày 16-9, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu này bất chấp nhiều thập niên chịu trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và đã nhận được sự thừa nhận của thế giới”. Ông khẳng định đất nước đã tiến rất gần đến vị thế khiến “các nhà lãnh đạo của Mỹ không dám nói đến lựa chọn quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên”. Đây cũng chính là kết luận của Ankit Panda và Vipin Narang, chuyên gia về khoa học chính trị tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT).

Việc Triều Tiên nắm giữ vũ khí hạt nhân dẫn đến hai hệ quả: Thứ nhất, Triều Tiên leo thang xung đột lên cấp độ hạt nhân và khắc chế Mỹ cùng các đồng minh mở chiến dịch quân sự bằng vũ khí thông thường. Thứ hai, Triều Tiên ngăn được nguy cơ Mỹ dùng vũ khí hạt nhân vì bản thân cũng sở hữu ICBM có đầu đạn nhiệt hạch, đủ sức quét sạch một thành phố của Mỹ. Vũ khí hạt nhân trở thành chỗ dựa để Triều Tiên tồn tại và duy trì tình trạng không xung đột vũ trang. Nếu Mỹ lựa chọn dùng vũ lực để phi hạt nhân hóa Triều Tiên, không gì có thể đảm bảo rằng quân đội Mỹ có thể phát hiện và tiêu diệt toàn bộ hệ thống vũ khí hạt nhân của nước này. Rủi ro bị trả đũa bằng vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân là quá lớn để Mỹ và các đồng minh chấp nhận.

Ankit Panda và Vipin Narang nhận định rằng Mỹ cuối cùng sẽ phải học cách răn đe ngăn Triều Tiên dùng đến vũ khí hạt nhân, như đã từng thực hiện dưới thời chiến tranh lạnh hoặc hiện nay là với Nga và Trung Quốc. Theo Ankit Panda, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rõ rằng chính những tên lửa vũ trang hạt nhân sẽ giúp ông nắm quyền mặc cả quyết liệt với một nước Mỹ hùng mạnh. Và nếu nhà lãnh đạo trẻ tuổi chưa nhận được sự phản hồi ông mong muốn từ phía Mỹ, Triều Tiên sẽ tiếp tục thử nghiệm các tên lửa lớn hơn, tốt hơn và uy lực hơn với tầm bắn ngày càng xa hơn.

Các lần thử hạt nhân của Triều Tiên

9-10-2006: Triều Tiên thử bom hạt nhân lần đầu tiên tại cơ sở thử nghiệm Punggye-ri ở vùng núi phía Đông Bắc. Uy lực vụ nổ chỉ khoảng 1 kiloton.

25-5-2009: Vụ thử hạt nhân lần hai đạt uy lực từ 2 đến 8 kiloton. Đây là vụ thử hạt nhân cuối cùng của Triều Tiên trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.

12-2-2013: Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân lần ba, khẳng định thiết bị nổ đã được thu nhỏ với sức công phá lớn hơn. Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên lãnh đạo.

6-1-2016: Triều Tiên khẳng định lần đầu tiên thử thành công bom H. Vụ nổ tạo ra cơn địa chấn 5,1 độ Richter.

9-9-2016: Triều Tiên cho thử hạt nhân đúng vào ngày lễ quốc khánh lần thứ 68. Sức công phá được cải thiện vượt bậc, đạt từ 10 đến 20 kiloton.

3-9-2017: Triều Tiên khẳng định vụ thử hạt nhân lần sáu đã “thành công hoàn hảo”. Các chuyên gia nhận định uy lực vụ nổ lên đến 100-150 kiloton.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm