Triều Tiên lách trừng phạt như thế nào?

Bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân lần 5 và là lần thử mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên chưa kịp lắng xuống, làn sóng lên án và kêu gọi trừng phạt Triều Tiên lại nổi lên trong cộng đồng thế giới.

Riêng ở Mỹ, đảng Cộng hòa phản ứng mạnh rằng cần thiết phải trừng phạt và trừng trị thẳng tay Triều Tiên. Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh bao gồm các lệnh trừng phạt mới để cho Triều Tiên thấy được hậu quả của hành động nguy hiểm của mình.

Có trừng phạt thêm cũng chẳng ích gì

Tuy nhiên, theo trang tin VICE News (Mỹ), lịch sử trước giờ đã cho thấy có trừng phạt thêm thì cũng không thể ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa.

Sau vụ thử hạt nhân lần 4 của Triều Tiên hồi tháng 1, Ban chuyên gia thuộc Hội đồng Bảo an LHQ đã công bố một báo cáo cho thấy bất kể hơn một thập niên bị trừng phạt với mức độ ngày một khắc nghiệt hơn, “Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu gì sẽ từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình”.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Phát triển vệ tinh quốc gia ngày 3-5-2015.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Phát triển vệ tinh quốc gia ngày 3-5-2015. Ảnh: REUTERS

Báo cáo này đã “đặt ra những câu hỏi xung quanh tính hiệu quả của cơ chế trừng phạt của LHQ” khi nêu chi tiết vô số cách Triều Tiên sử dụng để “chế nhạo” các nỗ lực của quốc tế trong ngăn chặn tiền bạc, hàng hóa, thành phần vũ khí từ các nước tiếp cận Triều Tiên.

Trong nhiều tháng sau khi báo cáo được công bố và trước lần thử hạt nhân thứ 5, VICE News đã có cuộc tham vấn với hàng loạt chuyên gia nhằm tìm hiểu thêm Triều Tiên đã lách các lệnh trừng phạt thế nào và tại sao các lệnh trừng phạt mới nếu có khả năng lớn cũng sẽ không làm được gì hơn.

Đủ chiêu trò lách luật

Chuyên gia Bill Newcomb, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là cựu thành viên Ban chuyên gia HĐBA LHQ về Triều Tiên, cho biết về phương diện tài chính, Triều Tiên có nhiều kỹ thuật đối phó. Có thể hình dung những kỹ thuật này tương tự kỹ thuật của một băng nhóm ma túy thường dùng để chuyển rửa tiền. Tuy nhiên, so với băng nhóm ma túy thì Triều Tiên có lợi thế hơn vì là một quốc gia, có thể sử dụng các đại sứ quán và các nhà ngoại giao của mình ở khắp thế giới cho kỹ thuật này.

Một trong những lĩnh vực không phải chịu trừng phạt của Triều Tiên là ngành xuất khẩu than và các khoáng sản khác. Theo nhà nghiên cứu Curtis Melvin tại Viện Mỹ-Triều Tiên thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), sở dĩ có sự miễn trừ này là do các nước muốn chừa lại đường sống cho người dân Triều Tiên vốn dĩ chịu nhiều khó khăn trong một nền kinh tế bị cô lập.

Dù không bị cấm xuất khẩu than và khoáng sản nhưng các nước quy định các công ty mỏ Triều Tiên không được chuyển lợi nhuận cho chính phủ Triều Tiên phát triển vũ khí. Bất kể quy định đó vẫn xuất hiện chứng cớ cho thấy các công ty mỏ Triều Tiên chuyển tiền cho chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Binh sĩ Triều Tiên giương cờ quốc gia trong lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm ra đời hiệp ước ngừng bắn chiến tranh Triều Tiên, ngày 27-7-2013 tại Bình Nhưỡng.
Binh sĩ Triều Tiên giương cờ quốc gia trong lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm ra đời hiệp ước ngừng bắn chiến tranh Triều Tiên, ngày 27-7-2013 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS

Ngân hàng của Trung Quốc

Các ngân hàng Trung Quốc là một vấn đề nữa. Cùng với các lệnh trừng phạt của LHQ, Mỹ cũng có hàng loạt lệnh trừng phạt đánh vào kinh tế, tài chính Triều Tiên. Nếu ngân hàng nào bị phát hiện nhận chuyển tiền từ các công ty Triều Tiên mà Mỹ đã liệt vào danh sách đen, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phong tỏa đường tiếp cận hệ thống đồng USD đối với ngân hàng đó - điều không một ngân hàng nào làm ăn với thế giới muốn.

Nhiều ngân hàng Trung Quốc vốn “sợ Bộ Tài chính Mỹ gõ đầu hơn cả bị chính phủ Trung Quốc gõ đầu”, theo luật sư Joshua Stanton, người từng hỗ trợ các nghị sĩ Mỹ soạn thảo trừng phạt Triều Tiên vào năm 2013.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là theo chuyên gia Noland, vẫn có một số ngân hàng Trung Quốc vì những khoản thù lao kếch sù mà mạo hiểm nhận giao dịch với các công ty, cá nhân Triều Tiên có trong danh sách đen của Mỹ, bất chấp việc có thể bị Mỹ cấm tiếp cận hệ thống đồng USD. “Vẫn có các ngân hàng nhỏ, các công ty thương mại nhỏ Trung Quốc không làm ăn với Mỹ chọn làm ăn với Triều Tiên vì lợi nhuận lớn.”

Thậm chí nếu Trung Quốc quyết định trừng trị các ngân hàng, công ty nhỏ này thì chính phủ Triều Tiên vẫn có thể tìm ra cách để chuyển tiền và nhập khẩu được các vật liệu bị cấm. Báo cáo của Ban chuyên gia HĐBA LHQ có đưa các trường hợp Triều Tiên sử dụng tàu treo cờ nước ngoài và các công ty bình phong để đối phó với các lệnh trừng phạt.

Khó tin hơn, Triều Tiên thậm chí có thể nhập khẩu cả một đội xe limousine bọc thép Mercedes-Benz từ một công ty của Mỹ ở bang New Jersey. Những chiếc xe này được vận chuyển thông qua một công ty vận tải biển Triều Tiên trá hình thành một công ty vận tải Trung Quốc. Triều Tiên đã cho đội xe này chạy quanh thủ đô Bình Nhưỡng trong một đợt diễu binh tháng 10-2015.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo quân đội trong một đợt tập trận.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo quân đội trong một đợt tập trận. Ảnh: KCNA

Không đủ lực lượng kiểm soát

Một vấn đề khác, theo chuyên gia Newcomb, là nằm ở thực tế nhiều cảng biển thế giới không có đủ nhân viên hải quan được huấn luyện năng lực phát hiện hàng hóa vi phạm lệnh trừng phạt trong các lô hàng đi và đến Triều Tiên.

“Họ không có nhân viên hải quan có khả năng nhận ra loại hàng hóa nào có thể là bộ phận của một hệ thống tên lửa, hoặc phân tích một lô hàng kim loại xem nó có liên quan đến quân sự, vũ khí hay không”. Theo chuyên gia Newcomb, chưa kể đến tình trạng nhân viên hải quan nhận tiền để cho qua các lô hàng của Triều Tiên.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Triều Tiên cũng liên quan đến các hoạt động làm tiền giả, thuốc lá giả, sản xuất thuốc kích thích, buôn lậu ngà voi, sừng tê giác… Các hoạt động này do một cơ quan có tên gọi Văn phòng 39 kiểm soát để mang tiền về cho chính phủ Triều Tiên.

Học giả Michael Madden tại Viện Mỹ-Triều Tiên tại ĐH Johns Hopkins và là tác giả trang web North Korea Leadership Watch -Quan sát lãnh đạo Triều Tiên - nhận định chính phủ ông Kim Jong-un rất tài tình và khéo léo trong việc kiếm và che đậy những đồng tiền do vi phạm trừng phạt mà có.

“Họ sử dụng một hệ thống tương tự các tập đoàn lớn hoặc các nhà tài phiệt vẫn thường sử dụng để che giấu tiền của mình ở nước ngoài. Không phải là che giấu trốn thuế mà che giấu sự canh gác của quốc tế” - theo học giả Madden. Theo VICE News, dĩ nhiên các lệnh trừng phạt cũng có phần nào ảnh hưởng đến kinh tế Triều Tiên.

Trong tuyên bố trên truyền thông Triều Tiên ngày 9-9, chính phủ Triều Tiên khẳng định không có ý định từ bỏ hạt nhân. Và theo VICE News thì chắc chắn Triều Tiên sẽ không từ bỏ hạt nhân dù Mỹ có trừng phạt bao nhiêu hay làm gì đi nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm