Tranh chấp biển Đông: Song phương hay đa phương?

Số tàu cá Trung Quốc đã giảm còn tám tàu. Các tàu cá nhỏ đều đã rút hết.

Nguồn tin nêu trên cho biết các cơ quan chức năng của Philippines không loại trừ khả năng các tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục hiện diện ở bãi cạn Scarborough là tiền đề để Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn. Và đó là lý do khiến quân đội Philippines đang giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

Mạng Sina (Trung Quốc) cùng ngày cho biết phát biểu tại hội thảo quốc tế với chủ đề An ninh mạng: Trung Quốc và thế giới tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 28-5, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Mã Hiểu Thiên nói quân đội Trung Quốc đủ năng lực để bảo vệ chủ quyền lãnh hải nhưng sử dụng vũ lực sẽ là giải pháp cuối cùng.

Ông nhấn mạnh hiện tại Trung Quốc xem việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải thông qua đàm phán song phương là giải pháp tốt nhất và nhấn mạnh vấn đề biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước láng giềng chứ không liên quan gì đến Mỹ.

Trong khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo(Trung Quốc) ngày 30-5 đã đăng bài viết của giáo sư chính trị và lịch sử Hướng Lan Tân (Viện Nghiên cứu về quốc tế và phát triển) nhận định quan điểm chỉ đàm phán song phương với các nước có liên quan đến tranh chấp biển Đông của Trung Quốc vừa có lợi thế nhưng cũng vừa có hạn chế.

Giải pháp đàm phán song phương sẽ giúp Trung Quốc tránh được áp lực từ các nước bên ngoài, tuy nhiên điều này có nghĩa là Trung Quốc bỏ qua dư luận cộng đồng quốc tế. Bài viết ghi nhận hiện tại Trung Quốc không giành thế chủ động nào trong các diễn đàn an ninh Thái Bình Dương như hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Anh bảo trợ) tại Singapore ngày 1-6.

GS Hướng Lan Tân cho rằng Trung Quốc nên khởi xướng một diễn đàn đối thoại về an ninh biển châu Á. Diễn đàn này sẽ không giới hạn các cuộc thảo luận về các chủ đề nhạy cảm như tranh chấp ở biển Đông, quần đảo Điếu Ngư Đài/Senkaku (Trung Quốc và Nhật đang tranh chấp), quần đảo Kuril (Nhật và Nga đang tranh chấp).

Giáo sư cho rằng mô hình của diễn đàn này có thể được mô phỏng theo mô hình của Đối thoại Shangri-La. Một diễn đàn như vậy sẽ không chỉ cho thấy thái độ chân thành của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp mà còn ngăn ngừa các nước không liên quan can thiệp vào.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm