Trả lời ba câu hỏi lớn từ chuyện Mỹ ngừng tài trợ WHO

Ngày 14-4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “đã thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm”, theo đài CNN.

Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ tạm dừng hỗ trợ tài chính với WHO trong thời gian tới để xem xét lại "vai trò của WHO trong việc quản lý kém hiệu quả và các động thái che giấu sự lây lan của dịch COVID-19". 

Ông Trump còn cho rằng WHO đã thúc đẩy “những thông tin sai lệch” do Trung Quốc đưa ra về COVID-19 khiến dịch có nguy cơ bùng phát mạnh hơn.

Theo ông Trump, nếu ngay từ đầu WHO đưa các chuyên gia y tế tới Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình và làm rõ sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, dịch bệnh có thể đã được kiểm soát ngay từ nguồn khởi phát với số người chết ít hơn.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh hơn hai triệu người trên toàn thế giới nhiễm COVID-19 và gần 135.000 người tử vong. Mỹ hiện là thành viên tài trợ kinh phí nhiều nhất cho WHO, với số tiền đóng góp năm 2019 lên tới hơn 450 triệu USD.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 14-4 ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Giải mã quyết định đột ngột của Mỹ

Hiện truyền thông Mỹ cho rằng có hai nguyên nhân chính thúc đẩy ông Trump đi đến quyết định ngưng tài trợ WHO.

Thứ nhất, áp lực từ phía các đồng minh đảng Cộng hòa và các quan chức bảo thủ luôn kêu gọi ông Trump phải có động thái trừng phạt WHO vì những phát ngôn và động thái mà nhóm này đánh giá là thiên vị Trung Quốc. 

Đơn cử, ngày 14-4, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phát biểu trên đài Fox News rằng WHO phải chịu trách nhiệm cho những nạn nhân tử vong vì đại dịch do đã không hành động và liên tục thiên vị Trung Quốc trong những ngày đầu dịch bùng phát.

Ông Navarro cũng đề nghị ông Trump nên chỉ đạo một cuộc điều tra đầy đủ về điều gì đã xảy ra ở Vũ Hán và vai trò của Trung Quốc trong cáo buộc để dịch bệnh lây lan khắp toàn cầu. Ông Navarro nhấn mạnh Washington sẽ không chấp nhận một tổ chức WHO yếu kém và khiến Mỹ thất bại trước đại dịch.

Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Rick Scott - hai thành viên rất có tiếng nói trong nội bộ đảng này cũng nhiều lần thúc giục ông Trump sớm giảm đóng góp của Mỹ cho WHO.

Thứ hai, động thái mới nhất của ông Trump là đòn làm chệch hướng sự chú ý của dư luận trong nước trước việc Nhà Trắng bị chỉ trích đã phạm sai lầm và thất bại trong xử lý đại dịch COVID-19.

Theo thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy - một thành viên của Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Thượng viện, Nhà Trắng hoàn toàn hiểu rõ họ đã xử lý sai cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu khi phớt lờ cảnh báo từ giới chuyên gia và xem thường mức độ nguy hiểm của COVID-19.

Do đó, ông Trump phải tìm cách làm chệch hướng các chỉ trích của dư luận về thất bại của ông. Tuy nhiên, việc Mỹ ngừng cấp ngân sách cho WHO sẽ chỉ khiến đại dịch COVID-19 tồi tệ hơn và Nhà Trắng có thể còn bị chỉ trích nhiều hơn trước vì sai phạm này làm ảnh hưởng tới cả thế giới.

WHO và cộng đồng quốc tế phản ứng thế nào? 

Phản ứng trước hành động của nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng hiện tại không phải thời điểm để cắt giảm ngân sách cho WHO hay bất cứ tổ chức nhân đạo nào. Thay vào đó, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết với nhau để ngăn chặn COVID-19 và những hệ quả nguy hiểm của đại dịch.

"Tôi tin rằng WHO phải được hỗ trợ, vì đó là điều cực kỳ quan trọng để giúp thế giới giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Đây là thời điểm để cộng đồng quốc tế cùng nhau đẩy lùi đại dịch và xử lý những hậu quả mà nó để lại" - ông Guterres nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu về động thái của ông Trump hôm 15-4. Ảnh: CNN

Về phía Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông chia sẻ cảm thấy rất tiếc với quyết định của ông Trump. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO khẳng định Mỹ đã là người bạn lâu dài và rộng lượng của WHO, và kỳ vọng mối quan hệ này vẫn sẽ tiếp tục tốt đẹp trong tương lai. 

Ông Ghebreyesus cũng khẳng định giữa Mỹ và WHO đang có một "vết nứt" và COVID-19 đang khoét rộng vết nứt này ra. Do đó, hai bên cần có thời gian ngồi lại với nhau nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. 

"WHO rất biết ơn nhiều quốc gia, tổ chức và cá nhân, những người đã thể hiện sự ủng hộ và cam kết với WHO trong những ngày gần đây, bao gồm cam kết tài chính của họ. Chúng tôi hoan nghênh sự đoàn kết toàn cầu vì sự đoàn kết này là nguyên tắc để đánh bại COVID-19" - tổng giám đốc WHO phát biểu. 

Đến nay, nhiều nước cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Mỹ và lo ngại động thái rút tài trợ của Mỹ giữa lúc COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung toàn cầu, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về quyết định của ông Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ thực hiện đầy đủ trách nhiệm với tổ chức này.

“Quyết định của Mỹ sẽ làm suy yếu năng lực của WHO và làm ảnh hưởng đến tinh thần hợp tác quốc tế. Trung Quốc luôn ủng hộ WHO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động y tế công cộng quốc tế và ứng phó với dịch bệnh toàn cầu” - ông Triệu khẳng định. 

Trong khi đó, Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - ông Josep Borrell nói: “Vô cùng đáng tiếc khi Mỹ quyết định ngừng hỗ trợ tài chính cho WHO. Không có gì để giải thích cho hành động này vào thời điểm thế giới cần tới sự giúp đỡ của họ hơn bao giờ hết”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng cho rằng việc hỗ trợ cho WHO là điều cần thiết trước tình hình hiện nay.

Tổng thống Donald Trump đang bị hàng loạt các nguyên thủ quốc gia khác chỉ trích vì quyết định của mình. Ảnh minh họa: REUTERS

"Đổ lỗi không giúp được gì. Virus này không có biên giới. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại COVID-19. Một trong những khoản đầu tư tốt nhất là củng cố Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là tài trợ cho WHO, chẳng hạn để phát triển và phân phối các bộ xét nghiệm và vaccine" - ông Maas nhận định.

Đồng quan điểm, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định WHO đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết đại dịch COVID-19.

“Vào thời điểm như lúc này, khi chúng ta cần chia sẻ thông tin và cần lời khuyên để trông cậy, WHO đã đưa ra điều đó. Chúng ta sẽ tiếp tục ủng hộ WHO và tiếp tục phần đóng góp của chúng tôi” - Thủ tướng Ardern nói thêm.

Thủ tướng Úc Scott Morrison chia sẻ hoàn toàn đồng cảm với việc Tổng thống Trump chỉ trích WHO. Tuy nhiên, ông Morrison đánh giá WHO vẫn là một tổ chức có vai trò quan trọng tại khu vực Thái Bình Dương và Úc thời gian tới vẫn sẽ “làm việc chặt chẽ” với WHO.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng bày tỏ “quan ngại” về quyết định của Tổng thống Trump. Ông Ryabkov cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận “vị kỷ” của chính quyền Washington khi thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh. Nga đồng thời kêu gọi Mỹ “dừng công kích WHO và nên có cách giải quyết trách nhiệm hơn”.

Ảnh hưởng từ hành động của Mỹ

Với việc bị Mỹ cắt kinh phí hoạt động, các hoạt động của WHO trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Trên thực tế, những năm vừa qua, Mỹ luôn là nhà bảo trợ lớn nhất cho các hoạt động của WHO. Ngoài khoản đóng góp chính thức, hàng năm Mỹ còn có một số khoản hỗ trợ bổ sung cho hoạt động của WHO. Năm ngoái (2019), Mỹ đã đóng góp hơn 450 triệu USD, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách hoạt động của WHO.

Hiện WHO đã đề xuất khoản ngân sách gần 4,9 tỉ USD cho giai đoạn 2020-2021, tức tăng 11% so với giai đoạn 2018-2019 nhưng vẫn đang chờ được phê duyệt khoản ngân sách đó. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, WHO đang nỗ lực tìm kiếm thêm khoản ngân sách bổ sung ít nhất 1 tỉ USD nhằm giúp các nước chậm và đang phát triển ứng phó với dịch bệnh, theo đài NPR.

Do vậy, nếu dịch bệnh COVID-19 lan rộng tại nhóm nước này sẽ gây tổn thất lớn hơn về kinh tế và sinh mạng, tạo gánh nặng cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước phát triển như Mỹ.

Bên cạnh đó, quyết định tạm ngừng cấp ngân sách cho WHO của Tổng thống Trump có thể sẽ khiến hình ảnh toàn cầu của Mỹ ngày càng giảm sút. Vị thế của Mỹ trên trường quốc tế qua đó sẽ lung lay và gây bất lợi cho Washington trong cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt.

Dịch COVID-19 có nguy cơ khoét sâu căng thẳng Mỹ-Trung. Ảnh minh họa: AFP

Trả lời hãng tin Bloomberg, chuyên gia Richard Gowan thuộc ĐH Columbia (Mỹ) nhận định đòn tấn công của ông Trump nhằm vào WHO đang làm tăng tốc quá trình phân rã trật tự thế giới dựa trên hợp tác và đồng thuận hiện nay.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm cách trở thành một nhà lãnh đạo đa phương nhiều năm qua và trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay vẫn đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng thông qua quyền lực chính trị. Dù vậy, điểm đáng lưu ý là Trung Quốc không chủ động đầu tư nghiêm túc vào các tổ chức quốc tế như WHO mà chỉ dựa vào các khoản đóng góp lâu nay của Mỹ. 

"Do đó, giai đoạn hiện nay đang vẽ ra một viễn cảnh khá kỳ lạ về trật tự toàn cầu. Cường quốc số một thế giới thì đang ôm khư khư nguồn lực cho riêng mình. Cường quốc mới nổi thì muốn thay thế vị trí này nhưng thất bại. Cả thế giới thiếu vắng đi một hình mẫu hàng đầu dẫn dắt họ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 khi cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không làm được" - ông Gowan nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm