TQ toan tính gì khi chấp nhận mạnh tay với Triều Tiên?

Washington thời gian gần đây đã khen ngợi Bắc Kinh vì có những bước tiến trong việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại của Trung Quốc chỉ là một động thái tạm thời để đạt được lợi ích cho riêng nước này, CNBC dẫn lời giới chuyên gia nhận định.

Thật vậy, kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Trung Quốc đã nhiều lần đồng ý thông qua các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm gây áp lực láng giềng. Tuy nhiên, những nghi ngờ về việc Trung Quốc có làm theo những gì nước này khăng khăng hay không vẫn còn dai dẳng. Sự hồ nghi càng dâng cao khi các số liệu cho thấy giao thương hai nước vẫn tăng đều.

Điển hình, trong sáu tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng lên 2,55 tỉ USD, tương đương tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc thì nói rằng sự tăng trưởng này là nhờ vào các lĩnh vực không được bao hàm trong lệnh trừng phạt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Florida (Mỹ) ngày 6-4-2017. Ảnh: GETTY

Tuy nhiên, các động thái mạnh tay gần đây của Bắc Kinh đã gây sự chú ý đáng kể. Tháng trước, Trung Quốc công bố sẽ cấm nhập khẩu hàng may mặc và hải sản từ Triều Tiên, bên cạnh việc giới hạn xuất các sản phẩm dầu mỏ sang Bình Nhưỡng. Các động thái này được đánh giá sẽ gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Triều Tiên.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ duy trì các chính sách cứng rắn này trong bao lâu.

“Trung Quốc thường chỉ thực thi các lệnh trừng phạt trong các khoảng thời gian tạm thời khi sự chú ý của thế giới đổ dồn về Triều Tiên. Tuy nhiên, khi căng thẳng qua đi, nước này sẽ lại bắt đầu giao dịch bình thường với Bình Nhưỡng” - Benjamin Katzeff Silberstein, học giả tại Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao (FPRI) ở TP Philadelphia (Mỹ), nhận định.

Về lâu dài, Trung Quốc cơ bản vẫn muốn duy trì sự sống còn của Triều Tiên bởi lẽ Bình Nhưỡng bị thương tích thì ít nhất Bắc Kinh cũng bị trầy xước. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ, dòng người tị nạn sẽ đổ về phía Bắc. Mặt khác, Trung Quốc cũng lo ngại viễn cảnh bán đảo Triều Tiên được thống nhất. Vì khi đó, Mỹ sẽ có được ảnh hưởng ngay trước cửa nhà của Trung Quốc.

Thanh niên Triều Tiên tham gia mít-tinh chống Mỹ ở quảng trường Kim Nhật Thành hôm 23-9. Ảnh: KCNA

Do đó, có hai nguyên nhân lý giải tại sao Trung Quốc mạnh tay như vậy. Thứ nhất, trong toan tính của Bắc Kinh, đây chỉ là một hành động để làm nguôi cơn giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo Jefrey Kingston, người đứng đầu Ban châu Á học tại ĐH Temple ở Nhật. “Ông Tập Cận Bình muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Và sự nhượng bộ của ông là để mở đường cho chuyến thăm Trung Quốc thành công của ông Trump vào tháng tới” - vị này đánh giá.

Nhà Trắng từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc không hợp tác trong việc gây áp lực Triều Tiên. Tuy nhiên, thái độ này đã thay đổi gần đây. Sau khi Trung Quốc yêu cầu các công dân nước này ngừng làm ăn với các đối tác Triều Tiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lập tức gọi gây là một “bước đi to lớn”. Còn ông Trump thì nói rằng: “Tôi hoan nghênh Trung Quốc vì đã cắt tất cả quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng với Triều Tiên, điều mà mọi người sẽ nghĩ là không thể tưởng tượng nổi cách đây hai tháng”.

Theo đánh giá của chuyên gia Kingston, nếu các động thái mạnh tay của Trung Quốc hiện tại không gây bất kỳ ảnh hưởng tích cực dài hạn nào lên quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng, Bắc Kinh có thể sẽ trở lại lối mòn cũ, quay lại làm ăn bình thường với Bình Nhưỡng.

Thứ hai, sự kiện Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới quyết định mạnh tay với Triều Tiên của Trung Quốc hiện nay. Bởi lẽ bất cứ diễn biến nào gây ảnh hưởng tới sự kiện này điều không được mong muốn, trong đó có các động thái của Triều Tiên. Và việc Trung Quốc “kìm chân” Triều Tiên trong giai đoạn này cũng có thể vì lý do đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm