Tổng thống Trump có cơ hội hủy thỏa thuận Iran tháng 1

Năm 2017, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, thỏa thuận hạt nhân Iran dù nhiều lần bị chỉ trích nhưng vẫn không suy suyễn. Tuy nhiên, năm mới 2018 sẽ mang lại cơ hội mới cho ông Trump ra tay với thỏa thuận này, cả phe ủng hộ và phản đối đều tin rằng ông sẽ làm thế, theo Politico.

Lần cuối cùng ông Trump tuyên bố công khai về thỏa thuận là vào ngày 13-10, rằng ông đã mất kiên nhẫn với “thỏa thuận tồi tệ nhất thế giới”, yêu cầu Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu hành động sửa chữa các điểm yếu của thỏa thuận. Đã ba tháng kể từ ngày đó, Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu vẫn chưa có giải pháp nào.

Theo ông Mark Dubowitz, Tổng Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Các nền dân chủ (Mỹ) có quan hệ chặt với Nhà Trắng, tới đây ông Trump sẽ ra tay sau một thời gian chờ đợi Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu hành động.

Trong tháng 1 ông Trump sẽ có hai lần hành động về thỏa thuận hạt nhân Iran. Lần đầu là vào ngày 11-1, xác nhận Iran tuân thủ hay không tuân thủ thỏa thuận sau mỗi 90 ngày. Các thanh sát viên quốc tế đến các cơ sở hạt nhân Iran khẳng định Iran tuân thủ đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, trong lần xác nhận trước, vào giữa tháng 10, ông Trump đã không chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận “về tinh thần” khi có hành động hiếu chiến khắp Trung Đông.

Việc ông Trump từ chối chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận không ảnh hưởng trực tiếp đến thỏa thuận nhưng theo luật, Quốc hội sẽ có 60 ngày cân nhắc có khôi phục trừng phạt Iran hay không. Sau lần từ chối chứng nhận của ông Trump hồi tháng 10, Quốc hội vẫn chưa ra quyết định, dồn thời gian cho mục tiêu cải cách thuế.

Hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là một cam kết tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là một cam kết tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Ngoài ra, giữa tháng 1 tới là đến kỳ ông Trump phải một lần nữa duyệt lại chuyện trừng phạt Iran. Thỏa thuận có điều khoản, Mỹ tạm thu hồi và hoãn trừng phạt Iran trong một khoảng thời gian vài năm. Cứ 120 ngày Mỹ sẽ xem xét lại lệnh đình hoãn trừng phạt này, có thể khôi phục trong trường hợp nhận thấy Iran không tuân thủ thỏa thuận. Thời hạn tiếp theo sẽ nằm giữa khoảng ngày 12 đến ngày 17-1-2018.

Nhiều nghị sĩ cấp cao và cố vấn an ninh hàng đầu của ông Trump đang cố gắng để duy trì lệnh đình hoãn trừng phạt này, đồng nghĩa duy trì thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại ông Trump sẽ bác ý kiến của đội ngũ tư vấn chính sách đối ngoại mà khôi phục trừng phạt Iran, như cách ông đã làm khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel gần đây.

Nếu ông Trump bỏ lệnh đình hoãn và khôi phục trừng phạt, Iran chắc chắn sẽ nói Mỹ vi phạm thỏa thuận và có thể sẽ khởi động lại chương trình hạt nhân. Hậu quả nhẹ nhất với Mỹ sẽ là bị cô lập hơn nữa, khi năm nước cùng ký thỏa thuận - Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc - vốn phản đối mạnh việc hủy bỏ thỏa thuận.

Các quan chức hàng đầu chính phủ Trump, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson đều mong thỏa thuận được duy trì. Theo họ, thỏa thuận hiện tại có thể chưa phải là tốt nhất nhưng nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thì quá rủi ro.

Ông McMaster đã gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker và thành viên Ủy ban, nghị sĩ Ben Cardin nhằm bàn một điều luật để có thể xoa dịu ông Trump. Nguồn tin Quốc hội cho biết điều luật này sẽ sử dụng các ngôn ngữ cứng rắn với Iran - nhưng cứng rắn về các vấn đề không liên quan đến hạt nhân, để không vi phạm các điều khoản thỏa thuận. Ngoài ra, điều luật cũng sẽ hủy bỏ quy định cứ 90 ngày ông Trump lại một lần xác nhận Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không.

Tuy nhiên, theo Politico, các ông McMaster, Corker, Cardin không còn nhiều thời gian khi các thời hạn xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận và quyết định bỏ hay duy trì lệnh đình hoãn trừng phạt Iran đang tới rất gần.

Nhiều quan chức chính phủ Trump cũng vận động các nước Pháp, Anh, Đức suy nghĩ một số đề xuất có thể xem như phụ lục của thỏa thuận nhưng các nước này không mặn mà.

Vấn đề được quan tâm trong tháng 1-2018 không chỉ là thỏa thuận hạt nhân Iran, mà còn là chiến lược của chính phủ Trump với khu vực Trung Đông. Theo hai nguồn tin thảo luận với Nhà Trắng về Trung Đông, cố vấn McMaster có kế hoạch sẽ hoàn tất quá trình cân nhắc chiến lược của Mỹ với Syria trong tháng 1. Chiến lược mới này được cho là sẽ chú trọng vào kiềm chế ảnh hưởng Iran ở Syria trong bối cảnh cuộc nội chiến nước này đang đi đến hồi kết thúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm