Thương nhân Trung Quốc khổ sở thu nợ ở Triều Tiên

"Tôi đã đến mọi ngóc ngách ở Triều Tiên mà du khách được phép tới, và thật sự tôi không muốn đến những nơi đó thêm lần nào nữa", Li Meng, phó tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại thành phố Đan Đông, Trung Quốc, chia sẻ.

Sự bực tức vẫn còn hằn trên nét mặt Li khi bà nhớ lại những lần đến Bình Nhưỡng với nhiệm vụ quan trọng: thu tiền từ các con nợ ở Triều Tiên.

Li mặc một bộ đồ lịch sự và đi đôi giày cao gót, nói: "Các công ty của Triều Tiên còn nợ chúng tôi khoảng 1 triệu USD. Để thu lại được tiền, tôi giống như một kẻ đi xin ở Bình Nhưỡng vậy. Hàng ngày, tôi phải đứng trước cổng Hội đồng nhà nước để chờ các nhà chức trách tại đây giải quyết vấn đề của mình".

Cuối cùng, bà lên kế hoạch kiến nghị bằng các biểu ngữ để thu hút sự quan tâm của chính quyền Bình Nhưỡng.

Thực trạng nền thương mại Triều Tiên

Li đã làm việc với các công ty Triều Tiên trong hơn hai thập kỷ qua, bà nhận xét: "Kinh doanh tại đây giống như đi trên một lưỡi kiếm".

Công ty của Li buôn bán mọi loại hàng hóa tới Triều Tiên kể từ khi nước này tuyên bố thành phố biên giới Sinuiju là một "đặc khu kinh tế" và mở lại đường biên giới để giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm 1980.

Văn phòng của Li ở Triều Tiên nằm đối diện với sông Áp Lục. Bà cho biết: "Họ mua gần như mọi thứ từ chúng tôi: thực phẩm, ngũ cốc, nhu yếu phẩm hàng ngày, máy móc, dụng cụ nông nghiệp", tuy nhiên các công ty Triều Tiên lại không đủ khả năng trả hết tiền cho những mặt hàng trên và bởi vậy, công ty Li đang gặp vấn đề trong việc thu những khoản tiền nợ.

"Chúng tôi đã giao dịch với khoảng 20 công ty của Triều Tiên. Do có mối quan hệ tốt, chúng tôi cho phép họ mua hàng trên thẻ tín dụng. Tuy nhiên, họ từ chối trả tiền sau khi nhận các sản phẩm của chúng tôi", Li nói thêm.

Cho đến nay, Li đã phải đi từ Đan Đông sang Bình Nhưỡng nhiều lần để thu tiền nợ. "Những công ty đó không có uy tín. Một số nói rằng công ty họ đã đổi chủ, một số khác thì lặn tăm, số còn lại thừa nhận họ nợ chúng tôi tiền nhưng hiện không có để trả".

Trong suốt thời gian ở Bình Nhưỡng, Li đã dùng mọi cách để thu được tiền nợ, thậm chí bà còn kiến nghị trực tiếp lên Hội đồng nhà nước Triều Tiên. Cuối cùng, bà bị trục xuất về nước và chỉ được trả một khoản tiền nhỏ.

Li không phải người duy nhất rơi vào tình cảnh này. Giới chức địa phương và các doanh nghiệp cho biết, một nhóm doanh nhân Trung Quốc đã ở lại vô thời hạn trong các khách sạn tại trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng để chờ chính phủ Triều Tiên trả lại tiền cho họ.

"Họ không dám quay lại Trung Quốc bởi các công ty của Triều Tiên nợ họ một khoản tiền lớn và từ chối trả tiền. Nếu họ quay về mà không thu được tiền, họ sẽ bị các chủ nợ ở Trung Quốc kiện và phải ngồi tù", một quan chức tại Đan Đông có tên Huang cho hay.

Huang nói, năm ngoái, một trong số những người bạn của ông phải trả 300.000 tệ (gần 50.000 USD) để mua đồng nguyên chất từ một mỏ đồng ở Triều Tiên nhưng đã không nhận được số nguyên liệu đặt mua. Hiện giờ, người này cũng đang chờ đợi ở Bình Nhưỡng với hy vọng sớm giải quyết được sự việc.

Những người thu nợ

Những năm 1990, Triều Tiên thiết lập một đặc khu kinh tế tại Sinuiju, nơi đầu tiên ở nước này được hoạt động thương mại tự do với Trung Quốc. Là đối tác kinh doanh duy nhất của Triều Tiên vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân giao thương với Triều Tiên.

"Thời gian đầu, chúng tôi trao đổi hàng hóa với Triều Tiên", bà Li nói.

Vào thời điểm đó, các công ty thương mại ở Đan Đông tích cực tham gia giao thương với Sinuiju. Họ đổi thực phẩm, hàng hóa, máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp để lấy các tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên.

Công ty của Li là một trong những công ty tiên phong trong các hoạt động thương mại với biên giới Triều Tiên, sau đó do có quan hệ tốt, thương nhân Trung Quốc bắt đầu cho phép các công ty Triều Tiên mua hàng hóa qua tín dụng.

"Chúng tôi thu một khoản nhỏ trong số tiền hàng như một khoản tiền cọc và yêu cầu người mua thanh toán phần còn lại sau khi họ nhận được sản phẩm. Chúng tôi tin tưởng họ và họ thường trả đúng hạn trong vài lần đầu tiên, nhưng sau đó thì ngược lại", Li kể.

Các công ty thương mại của Triều Tiên thường có kết nối với giới cầm quyền. Bình Nhưỡng cấm người dân thương hoạt động kinh doanh, tuy nhiên các quan chức chính phủ và quân đội thì được phép nắm giữ vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp nhà nước.

Thương nhân Trung Quốc khổ sở thu nợ ở Triều Tiên ảnh 1

Du khách mua thực phẩm khô tại một quầy bán hàng gần sông Áp Lục, gần cây cầu hữu nghị Trung Triều. Ảnh: Globaltimes/Liang Chen/GT.

Tuy nhiên, những mối quan hệ của Li cũng không giúp bà được nhiều khi tới Bình Nhưỡng thu nợ.

Theo Li, các quan chức ở đây cố tình phớt lờ bà: "Tôi thường đứng trước cổng Hội đồng nhà nước hàng ngày và chờ đợi người đứng đầu của các công ty nợ tiền, Tuy nhiên, bảo vệ nói rằng những người đó đang đi công tác hoặc đang tham gia một cuộc họp".

Li đã liều mạng để thâm nhập vào tòa nhà và lên kế hoạch vào văn phòng của người đứng đầu công ty nhưng bà bị bảo vệ chặn lại và đưa đến trụ sở ngoại giao.
Một quan chức ở đó đã lắng nghe câu chuyện của Li. Ông mời Li uống một tách trà và để bà đi cùng lời nhắn nhủ hãy kiên nhẫn chờ đợi vì ông ta sẽ xem xét giải quyết chuyện này. Nhưng vài tháng sau, vẫn không có ai mang tiền trả nợ cho Li.

"Cuộc sống ở Bình Nhưỡng quá buồn tẻ, không có hoạt động giải trí, không có điện, chúng tôi phải ăn cùng một món ăn, như đậu hũ, bắp cải, khoai tây trong nhiều ngày", Li lý giải cho lý do bà sẽ không bao giờ tới Triều Tiên nữa.

Du khách nước ngoài không được phép đi lang thang tự do ở Bình Nhưỡng. Họ phải đi cùng phiên dịch người Triều Tiên khi muốn rời khách sạn.

Li dần dần mất kiên nhẫn và bà nảy ra một ý tưởng nổi loạn, đó là cùng các thương nhân Trung Quốc khác kiến nghị lên chính quyền Bình Nhưỡng. Họ mang theo biểu ngữ với dòng chữ viết bằng tiếng Triều Tiên: "Trả lại tiền cho tôi", rồi đứng trước cổng trụ sở Hội đồng nhà nước nhưng bị bảo vệ tòa nhà ra dẹp loạn.

"Các binh sĩ hét vào mặt chúng tôi, tra khảo về những việc chúng tôi định làm. Tôi tức giận hét lên và nguyền rủa họ, nói rằng chúng tôi sẽ không rời khỏi đó cho đến khi chủ tịch công ty ra ngoài", Li thuật lại.

Vài phút sau, một quan chức đến và đề nghị Li cùng nhóm thương nhân tới văn phòng của ông trò chuyện. Li đã bị chỉ trích bởi hành động của bà "gây ra tác động xấu". Sau ít hôm, một quan chức khác đưa cho Li hơn 10.000 USD và điều một chiếc ô tô đến để đưa Li đi khỏi Triều Tiên. "Họ yêu cầu tôi đi và tôi không có lựa chọn nào khác", Li nói.

Một trong số những người bạn của Li cũng đã bỏ ra hơn 30.000 USD cho chi phí sinh hoạt trong thời gian thu nợ tại Bình Nhưỡng và cuối cùng chỉ thu về được 10.000 USD từ chính phủ Triều Tiên.

Những hạn chế nghiêm ngặt

"Đôi khi, họ không gửi lời mời tới bạn, bởi vậy mà bạn không bao giờ được cảnh báo rằng bạn có thể bị trục xuất khỏi đây mà không thu lại được tiền nợ", Li nói.

Doanh nhân Trung Quốc được phép kinh doanh ở Triều Tiên sau khi nhận được lời mời từ chính quyền Bình Nhưỡng, nhưng cấu trúc nền kinh tế kế hoạch và tình hình kinh tế xấu ở Triều Tiên là lý do mà các công ty tại đây không có khả năng trả nợ.

"Triều Tiên có một nền kinh tế được lên kế hoạch. Mỗi năm, Bình Nhưỡng đặt ra hạn ngạch cho các công ty và những công ty này phải đút lót tiền cho các cơ quan chức năng để đáp ứng hạn ngạch. Bên cạnh đó, trong các ngày hội và lễ kỷ niệm, các công ty được yêu cầu phải đóng góp thêm tiền", theo Jin, một doanh nhân đến từ công ty Liaoning Changping.

Hồi năm ngoái, một người bạn của Jin đầu tư 300.000 tệ để mở công ty sản xuất cửa kính ở Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi bỏ ra số tiền tương đương hàng chục nghìn USD để xây dựng nhà máy sản xuất, mua máy móc nhập khẩu và đào tạo công nhân, đối tác kinh doanh tại Triều Tiên đã đuổi người này đi sau khi người dân địa phương đã được đào tạo kỹ năng làm việc.

Khi làm kinh doanh với Triều Tiên, thương nhân cần cảnh giác với những cạm bẫy có thể xảy ra, Jin cảnh báo: "Vòng đầu tư quá dài và rất khó để đảm bảo lợi nhuận được như mong đợi do chính quyền liên tục thay đổi chính sách và cơ sở hạ tầng thì thấp kém".

Hiện không có thống kê chính thức về số lượng thương nhân Trung Quốc đã thu được tiền ở Triều Tiên. Các nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng thông qua thỏa thuận thương mại để đảm bảo sự an toàn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc tại đây, nhưng tất cả đều vô ích, Huang cho hay.

Tháng 4/2012, Trung Quốc thành lập Phòng thương mại tại Triều Tiên, như một nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế song phương và bảo vệ lợi ích của các doanh nhân nước mình. Tuy nhiên theo Huang, phòng thương mại này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do Bình Nhưỡng coi thường các quy tắc kinh tế thị trường".

Một công ty có tên Zhejiang Wanxing tới khai phá các mỏ đồng ở Triều Tiên trong 5 năm nhưng đã bị buộc phải quay về nước hai lần vào năm 2009 và 2010. Công ty này đầu tư tổng cộng 560 triệu nhân dân tệ vào các mỏ đồng. Time Weekly dẫn một nguồn tin cho biết, công ty trên bị trục xuất do có va chạm giao tiếp với chính quyền Triều Tiên.

Theo Thu Hằng (VNE / Global Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm