Thử nghiệm kháng sinh làm chết trẻ em

Nhiều vụ kiện diễn ra nhưng chưa bao giờ tập đoàn dược đa quốc gia khổng lồ này bị thua cuộc thực sự, kể cả phiên tòa hôm 18-2-2011. Dù tòa án không tuyên tập đoàn này thua kiện nhưng vụ kiện đã khiến họ phải chi một khoản tiền khổng lồ hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Dẫu sao, phán quyết của tòa án lần này khiến cho các bậc cha mẹ có con em là nạn nhân vơi bớt nỗi phẫn nộ.

Hối lộ để được nghiên cứu lâm sàng trên trẻ em?

Vụ thử nghiệm thuốc điều trị bệnh viêm màng não Trovan do Tập đoàn Dược đa quốc gia Pfizer tiến hành năm 1996 tại BV Bệnh truyền nhiễm TP Kano, Bắc Nigeria.

Tiến sĩ-bác sĩ Juan Walterspiel hiện là bác sĩ tư vấn độc lập cho ngành công nghiệp dược và công nghệ sinh học ở bang California. Năm 1996, ông là bác sĩ nghiên cứu về nhi khoa cho Pfizer tại TP Groton, bang Connecticut. Ông được giao tiến hành các thí nghiệm lâm sàng đối với thuốc kháng sinh Trovan nhưng ông phản đối cách với vụ thử nghiệm thuốc trị viêm màng não trên trẻ em Nigeria mà tập đoàn này áp dụng tại Nigeria vào năm 1996.

Walterspiel bị Pfizer cho nghỉ việc vào năm 1998. Theo ông, tập đoàn đã vi phạm y đức, có dấu hiệu đút lót các quan chức nước ngoài và chiểu theo luật định thì “có thể bị quy tội danh giết người do bất cẩn”.

Thử nghiệm kháng sinh làm chết trẻ em ảnh 1

Các nạn nhân còn sống sót và gia đình đưa thỉnh nguyện tại Tòa án Kano năm 2008. Ảnh: NEWSCOM.COM

Nội dung các cáo buộc được Walterspiel viết trong một lá thư, gửi lên Thẩm phán William Pauley của Tòa án Manhattan. Năm 2005, Thẩm phán Pauley đã bác bỏ lời cáo buộc này. Nhưng mới đây, vị thẩm phán này vẫn công khai nội dung bức thư dài chín trang giấy mà Walterspiel đã gửi cho Jeffrey Kindler, Giám đốc điều hành của Pfizer từ năm 2006, vào ngày 8-8-2007.

Trong lá thư cáo buộc, Walterspiel sử dụng số thay vì gọi tên các nhân viên của Pfizer. Đây là một đoạn trích: “Khi nhóm nghiên cứu có mặt tại Kano, TámChín (trong đó Tám từ chối tham gia vào việc nghiên cứu) nhận được một cú gọi của Mười từ cuộc họp qua điện thoại thông báo rằng các quan chức Nigeria cho dừng cuộc nghiên cứu và nhóm nghiên cứu có nguy cơ bị bắt. Vì vậy cần phải chi tiền. Với sự can thiệp của Chín, tiền mặt được gửi ngay bằng máy bay của Hãng KLM, Amsterdam. Cuộc nghiên cứu được khôi phục hoạt động sau đó ba ngày”.

Walterspiel quả quyết rằng nhân viên của Pfizer “chế tác” một lá thư, mạo danh Ủy ban Đạo đức của TP Kano, Nigeria, với nội dung chấp thuận cuộc nghiên cứu, gửi cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (FDA), Bộ Y tế Mỹ; các gia đình không hề đồng ý cho thử nghiệm thuốc đối với con cái mình. Các bác sĩ của Pfizer tự chọn bệnh nhân, thực hiện các đánh giá về triệu chứng bệnh trạng trong phòng thí nghiệm, điều trị bệnh nhân, sau đó quan sát và ghi nhận những phát hiện. Walterspiel cho biết thêm rằng các bác sĩ của Pfizer đã chọn “những bệnh nhân có triệu chứng thuận lợi” để thử nghiệm thuốc.

Pfizer: Việc thử nghiệm là hợp pháp

Phát ngôn viên của Tập đoàn Pfizer là Loder khẳng định Walterspiel không có mặt tại Nigeria, ông ta “không có hiểu biết trực tiếp, cơ bản về việc điều hành các thử nghiệm lâm sàng tại Kano”. Về lá thư giả mạo, Pfizer cho rằng lá thư chấp thuận kia là không cần thiết theo quy định. Trước sau, Pfizer tuyên bố “đã tiến hành điều tra các cáo buộc và thấy rằng những người đi kiện tụng không dựa vào sự thật”.

Thử nghiệm kháng sinh làm chết trẻ em ảnh 2

Kano (Bắc Nigeria) - nơi diễn ra “trận” thử nghiệm thuốc của Pfizer năm 1996. Ảnh: AFP

Tập đoàn Pfizer cho rằng: “Cuộc thử nghiệm thuốc được tiến hành với sự chấp thuận của chính phủ Nigeria, sự đồng ý của những người tham gia nghiên cứu và phù hợp với pháp luật. Kết quả của cuộc nghiên cứu ở Nigeria đã chứng minh rằng thuốc Trovan đã giúp cứu mạng sống của trẻ em”.

Trong tài liệu của Tòa án Manhattan, Thẩm phán Pauley cho rằng sự cáo buộc của bác sĩ Walterspiel mang tính suy đoán và không dựa trên sự hiểu biết cá nhân” và rằng khó mà xác minh được cuộc điện đàm mà ông bác sĩ Walterspiel mô tả trong thư tố cáo.

Tháng 2-2011, vụ kiện của các nguyên đơn nhận được một diễn biến bất lợi khi Tòa Thượng thẩm phán quyết rằng việc khiếu nại đối với một tập đoàn không thể được áp dụng theo quy định của Luật Bồi thường thiệt hại dành cho công dân nước ngoài!

Thừa nhận có trẻ em chết và tàn tật

Gần 15 năm sau vụ thử nghiệm thuốc gây tranh cãi đối với 200 trẻ em bị viêm màng não ở Nigeria, hôm 18-2-2011, Tập đoàn Pfizer và các nguyên đơn lại có mặt tại Tòa án Liên bang đặt tại quận Manhattan, New York - nơi có tòa hội sở nguy nga của Pfizer. Đây cũng là nơi gia đình của các em khởi kiện vào năm 2001 theo quy định của Luật Bồi thường thiệt hại dành cho công dân nước ngoài.

Cả hai bên đồng ý trả án phí riêng theo quy định của tòa. Không ai thực sự thua trong phiên tòa này. Cả hai bên tuyên bố rằng họ đã giải quyết căn bản vấn đề. Trong một tuyên bố chung, các bên nói: “Theo các điều khoản của bản thỏa thuận đã được ký kết, các nguyên đơn sẽ được hưởng quyền lợi từ quỹ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh viêm màng não - hiện đang được điều hành bởi một hội đồng ủy viên quản trị độc lập tại Kano, Nigeria”.

“Các vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa sau nhiều năm kiện tụng. Việc giải quyết sẽ kết thúc tất cả các vụ kiện tụng có liên quan đến thuốc kháng sinh Trovan (bị Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ khẳng định gây suy gan - ND) tại Hoa Kỳ và Nigeria, và cho phép chỉ bồi thường đối với các em bị hại bởi vụ nghiên cứu và gia đình của các em” - Bradley Lerman, Phó Chủ tịch Tập đoàn Pfizer, tuyên bố.

Phát ngôn viên Loder cho hay quỹ nói trên có thể thanh toán tối đa là 175.000 USD/trẻ em (được xác nhận bị chết hoặc tàn tật vĩnh viễn).

Năm 2007, Pfizer cũng từng phải thành lập quỹ đền bù sức khỏe 35 triệu USD để giải quyết một vụ kiện do chính quyền TP Kano tiến hành.

Gần đây, một số báo (không tính đến sự rò rỉ của WikiLeaks) đưa tin Pfizer bị cáo buộc đưa hối lộ liên quan đến “bóng ma sự cố tại Nigeria”. Chưa biết thực hư ra sao. Nhưng tờ law.com cho biết chính Pfizer đã công khai tuyên bố rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang điều tra tập đoàn về việc vi phạm Luật Tố tụng tội hối lộ người nước ngoài (FCPA). Giữa tháng 12-2010, Tổng Giám đốc Jeffrey Kindler của Pfizer đệ đơn từ chức.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo law.com, Washingtonpost.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm