Thỏa thuận Geneva - Nhiều mặt trời trong nước lạnh

Anh và Pháp khen ngợi đây là bước tiến bộ quan trọng. NATO ghi nhận thỏa thuận này đã tạo thời cơ cho một giải pháp chính trị cho Syria. Dù vậy, trong đảng Cộng hòa vẫn có nhiều ý kiến không tán thành.

Ngày 14-9 (giờ địa phương), hai nhân vật ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa là hai thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham đã ra thông cáo chung nhận định: Thỏa thuận Nga-Mỹ không giải quyết được xung đột ở Syria, gây bất ổn đối với bạn bè và đồng minh của Mỹ trong khu vực, khuyến khích Iran tự tung tự tác đồng thời tạo nơi trú ẩn an toàn cho hàng ngàn phần tử cực đoan liên can đến Al Qaeda.

Thông cáo chung cho rằng thỏa thuận Nga-Mỹ là khởi đầu của ngõ cụt ngoại giao và chính quyền của Tổng thống Obama đang bị Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Putin xỏ mũi.

Thực ra hai ngoại trưởng Nga và Mỹ đều tỏ ra hài lòng với thỏa thuận đạt được. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hài lòng vì trong thỏa thuận không nói đến biện pháp sử dụng vũ lực. Thỏa thuận chỉ nêu trường hợp Syria không tôn trọng Công ước Cấm vũ khí hóa học hoặc sử dụng vũ khí hóa học thì Hội đồng Bảo an LHQ mới áp dụng Chương VII Hiến chương LHQ (cho phép sử dụng vũ lực hoặc trừng phạt).

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya 1 (Nga), ông Sergei Lavrov cho biết để kiểm soát tốt tình hình Syria, hai tổng thống Mỹ và Nga đã nhất trí sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình kho vũ khí hóa học Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hài lòng bởi điều khoản áp dụng Chương VII Hiến chương LHQ là thắng lợi của Mỹ trong đàm phán với Nga. Điều khoản này bảo đảm cho Mỹ có quyền danh ngôn chánh thuận tấn công Syria nếu Syria không tuân thủ thỏa thuận.

Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại tính khả thi của thỏa thuận Nga-Mỹ. Các trở ngại được nêu lên như sau:

Đến tháng 11-2014, quốc tế sẽ khó lòng tiêu hủy xong kho vũ khí hóa học trong bối cảnh nội chiến ở Syria và Syria không có nhà máy để tiêu hủy. Từ giữa những năm 1990, Nga và Mỹ đã đầu tư nhiều tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa tiêu hủy xong kho vũ khí hóa học của nước họ.

Nga và Mỹ thông qua thỏa thuận Geneva nhưng từ nay mọi quyết định sẽ tùy thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học. Tuần tới Hội đồng điều hành của tổ chức này sẽ nhóm họp ở Hà Lan. Mỹ và Nga mỗi nước chỉ được một phiếu trong 41 nước thành viên Hội đồng điều hành. Do đó, khả năng không đồng thuận xảy ra rất cao.

Từ nay đến tháng 11 phải lập xong đoàn chuyên gia LHQ. Đây là chuyện không dễ. Đài truyền hình CNN (Mỹ) dẫn lời chuyên gia David Kay (từng phụ trách giám sát vũ khí ở Iraq trong chiến tranh) nhận định cần phải tìm các chuyên gia rành rẽ về sản xuất và tiêu hủy vũ khí hóa học trong khi rất nhiều chuyên gia lại không muốn đến vùng chiến sự Syria.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm