Thị trường điện hạt nhân: Sôi động từ các quốc gia mới nổi

Thị trường điện hạt nhân: Sôi động từ các quốc gia mới nổi ảnh 1

Toàn thế giới hiện có 440 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại 31 quốc gia - Ảnh: academic.ru

Việc Hàn Quốc vừa ký hợp đồng vào đầu tháng 3 xây bốn lò phản ứng hạt nhân trị giá 20 tỉ USD cho Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), theo Le Monde, đã đánh dấu một bước ngoặt. Đó là lần đầu tiên có một quốc gia mới nổi chen chân được vào thị trường xuất khẩu hạt nhân dân sự vốn thuộc về Areva (Pháp), General Electric (Mỹ) và Toshiba - Westinghouse (Nhật - Mỹ).

Hơn 400 dự án trên toàn thế giới

Các tập đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga sẽ trở thành những đối thủ mới trong lĩnh vực điện hạt nhân vốn cạnh tranh bằng các yếu tố công nghệ, độ an toàn và giá cả. Thị trường này có thể đạt hơn 1.000 tỉ USD từ nay đến năm 2030. Hiện có 31 quốc gia khai thác 440 lò phản ứng hạt nhân, trong lúc khoảng 40 quốc gia khác - đa số là các nước mới nổi - muốn tiếp cận nguồn năng lượng này để đáp ứng nhu cầu điện đang ngày càng trở nên căng thẳng, chuẩn bị thời kỳ hậu dầu hỏa và cải thiện hình ảnh bớt gây ô nhiễm không khí của mình.

Nhật báo Nikkei Business Daily cho biết Nhật dự kiến xây ít nhất 14 nhà máy điện hạt nhân trong vòng 20 năm tới. Theo Tổ chức World Nuclear Association, toàn thế giới có hơn 400 dự án nhà máy điện hạt nhân đang ở những giai đoạn triển khai khác nhau và có thể được xây dựng từ nay đến năm 2030. Nhưng số dự án này có thể sẽ không thành hiện thực vì thiếu vật liệu, nhân sự có trình độ và một nền “văn hóa hạt nhân” tại nhiều quốc gia. “Chúng tôi hi vọng có từ 10-25 quốc gia mới đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của họ vào hoạt động từ nay đến năm 2015” - ông Yukiya Amano, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nói.

Hàn Quốc đang thể hiện tham vọng rất lớn. Sau Abu Dhabi, ngày 10-3 Tập đoàn điện Kepco đã ký với đối tác EUAS của Thổ Nhĩ Kỳ hợp đồng sơ bộ xây một nhà máy điện hạt nhân ở miền bắc nước này. Để có được công suất từ 8.000-10.000 MW, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mở cửa cho nhiều tập đoàn khác và đang thương lượng với Rosatom (Nga) để xây một cơ sở ở miền nam.

Ngày 30-3 vừa qua, Hàn Quốc tiến thêm một bước khi ký với Jordan thỏa thuận xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này tại Amman, đạt công suất 5 MW và trị giá 130 triệu USD, trong đó 70 triệu là từ nguồn vốn vay lãi suất mềm của Hàn Quốc. Hãng thông tấn Petra của Jordan cho biết lò phản ứng này sẽ hoàn thành trong năm năm để sau đó tiến tới xây một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2017. Jordan đang rất cần nguồn năng lượng thay thế để cung cấp điện và lọc nước biển.

Tuy vẫn còn phụ thuộc Mỹ và Pháp đối với nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ ba nhưng Trung Quốc cũng dự tính xuất khẩu các nhà máy cũ. Tập đoàn điện hạt nhân hàng đầu China National Nuclear Corporation (CNNC) nằm trong số này.

Đối thủ của CNNC, China Guangdong Nuclear Power Company (CGNPC) đã mua hai lò phản ứng thế hệ thứ ba của Pháp và không ngần ngại cho biết tham vọng muốn tiến tới tự chủ trong lĩnh vực thiết kế nhà máy điện hạt nhân bằng cách nhập khẩu công nghệ và làm chủ kỹ thuật. “Trung Quốc có khả năng xây các nhà máy điện hạt nhân” - ông Hervé Machenaud, lãnh đạo mới phụ trách sản xuất của Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), nhận xét sau thời gian điều hành chi nhánh Asia-Pacific.

Nga cũng sẽ trở lại mạnh mẽ sau khi nhắc lại rằng Liên Xô cũ đã xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới vào năm 1954. Năm 2006, tổng thống Vladimir Putin đã đặt ra lịch trình hồi phục lĩnh vực hạt nhân. Tờ RBC Daily cho biết từ nay đến năm 2020, Nga sẽ xây 26 lò phản ứng hạt nhân, tức bằng số lượng ở Liên Xô trước đây trong bảy thập kỷ. Thông tin trên được Thủ tướng

V. Putin công bố ngày 18-3 tại Volgodonsk nhân dịp khai trương lò phản ứng hạt nhân đầu tiên xây dựng ở Nga kể từ năm năm nay. Nga hi vọng tăng thị phần xây dựng và khai thác nhà máy điện hạt nhân trên thế giới từ 16% lên 25%. Hiện Nga chiếm 17% xuất khẩu uranium và 40% thị trường làm giàu nhiên liệu này.

Nga đã ký hợp đồng xây 12 nhà máy lò phản ứng tại Ấn Độ, quốc gia có thị trường nhà máy điện hạt nhân ước tính trị giá 150 tỉ USD, theo Reuters. Ngoài ra, Tập đoàn Rosatom cũng sẽ hoàn tất việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Bushehr (Iran) vào tháng 8 năm nay. Phát biểu trên Ria Novosti trong chuyến thăm Argentina cùng Tổng thống Dmitry Medvedev ngày 14-4, tổng giám đốc Rosatom Serguei Kirienko cho biết nhà máy có vốn đầu tư 1 tỉ USD này hoàn toàn không đe dọa đến chính sách chống phổ biến hạt nhân mà các cường quốc đang vận động, đặc biệt là đối với Iran. Thậm chí ông Kirienko cho rằng hợp tác hạt nhân dân sự dạng này cần phải được ủng hộ.

Nhật Bản cũng không thua kém khi ngày 31-3 đã ký với Ba Lan bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, theo AFP. Thông cáo báo chí của Bộ Kinh tế Ba Lan nói rõ sự hợp tác này sẽ cho phép quốc gia Đông Âu 38 triệu dân này tranh thủ kinh nghiệm của Nhật trong vận hành và khai thác các nhà máy điện hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, đào tạo cán bộ... Gia nhập EU từ năm 2004, hiện Ba Lan chưa có nhà máy điện hạt nhân và rất muốn giảm phụ thuộc vào lượng điện sản xuất từ than (chiếm 94%).

Nhà máy giá rẻ có an toàn?

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại phát triển năng lượng hạt nhân “chi phí thấp” sẽ khiến việc khai thác nhiều rủi ro hơn. Tại hội nghị quốc tế về hạt nhân tổ chức trong hai ngày 8 và 9-3 ở Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề cập việc thiết bị hạt nhân châu Âu dù an toàn hơn nhưng cạnh tranh kém hơn vì giá đắt.

“Ngày nay, thị trường chỉ phân hạng theo chỉ tiêu giá cả” - ông Sarkozy ám chỉ đến việc Abu Dhabi chọn Hàn Quốc, khi Tập đoàn Kepco đề nghị xây lò phản ứng hạt nhân giá rẻ với các tiêu chuẩn an toàn không cao. Để hỗ trợ sản phẩm Pháp và châu Âu, ông Sarkozy đề nghị IAEA lập bảng xếp hạng các lò phản ứng “theo tiêu chí an toàn” và phải được xem là một “ưu tiên tập thể”.

Tại hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở Washington vừa qua, cùng chia sẻ nỗi lo của thế giới về nguy cơ khủng bố hạt nhân, nhưng ông Sarkozy cũng muốn bảo vệ ngành công nghiệp hạt nhân dân sự, chủ yếu trong việc xử lý và tái chế nhiên liệu hạt nhân mà Pháp và Nhật vốn có thế mạnh.

Cả Mỹ, Pháp và Nhật đều có lợi trong việc siết chặt các chuẩn an toàn hạt nhân, vì “công nghệ Hàn Quốc bán cho Abu Dhabi sẽ không được phép áp dụng tại châu Âu hoặc Mỹ” - bà Anne Lauvergeon, đại diện của Avera, phát biểu trên Le Monde. Tổng giám đốc Henri Proglio của EDF cho rằng lý thuyết hạt nhân giá rẻ là không ổn. “Chỉ có thể nghĩ đến hạt nhân trong những điều kiện an toàn tối ưu” - ông nhấn mạnh.

Mỹ và Ấn Độ đạt thỏa thuận tái xử lý chất thải hạt nhân

Đây là một yếu tố rất quan trọng trong thỏa thuận lịch sử về hợp tác hạt nhân dân sự mà Mỹ và Ấn Độ đã ký vào cuối năm 2008, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29-3-2010. Nhờ đó, Ấn Độ có thể tái xử lý sau khi sử dụng nhiên liệu do Mỹ cung cấp và các công ty Mỹ cũng dễ dàng tham gia lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự ở Ấn Độ.

Thỏa thuận năm 2008 giúp hai cường quốc này nhích lại gần nhau khi cho phép Mỹ bán cho Ấn Độ các lò phản ứng hạt nhân, nhiên liệu sử dụng vào mục đích dân sự và chuyển giao công nghệ. Đổi lại, Ấn Độ cam kết mở cửa một số cơ sở hạt nhân cho các phái đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc.

Để hưởng lợi từ thỏa thuận trên, các công ty Mỹ còn phải vượt qua nhiều trở ngại từ các đối thủ Nga và Pháp. Washington yêu cầu New Delhi thông qua các đạo luật về hai đề tài khác liên quan đến hạt nhân dân sự. Một mặt, Mỹ muốn Ấn Độ chuẩn hóa những biện pháp nhằm ngăn ngừa phổ biến hạt nhân, một giai đoạn cần thiết để Bộ Năng lượng Mỹ cho phép một dự án hạt nhân nào đó triển khai ở nước ngoài. Mặt khác, Mỹ cũng yêu cầu Ấn Độ thông qua đạo luật giới hạn trách nhiệm của người bán trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân, qua đó muốn đẩy trách nhiệm về phía người khai thác nhà máy.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh muốn sớm thông qua những đạo luật này ở quốc hội, nhưng lại vấp phải phản ứng của phe chống đối lẫn đa số. Những người chỉ trích cho rằng những biện pháp trừng phạt các cán bộ Mỹ của Union Carbibe sau thảm họa Bhopal năm 1984 là quá nhẹ, trong khi có đến hàng ngàn người dân bị chết vì rò rỉ ở một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của tập đoàn này.

Theo AFP

Theo QUANG THÁI (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm