Thế giới của những điểm nóng cục bộ: Tiếp tục "quan hổ đấu"?

Thế nhưng, như thực tế cho thấy, những khó khăn vật chất không mấy ảnh hưởng tới tâm lý chủ chiến của những lực lượng nổi dậy, li khai, khủng bố…

Chính vì thế, mặc dù chiến sự đã bị chấm dứt ở một vài nơi như Sri Lanca chẳng hạn nhưng ngay trong năm 2009 cũng đã xuất hiện thêm những điểm nóng trên bản đồ chính trị toàn cầu và biến 12 tháng vừa qua thành một cơn ác mộng bạo lực. Một điều cần  nói là, trong đại đa số các trường hợp, cộng đồng quốc tế dường như bất lực không thể kịp thời có được những hành động khả dĩ giúp tình hình ở những điểm nóng đó đỡ bi thảm hơn.

Thế giới của những điểm nóng cục bộ: Tiếp tục "quan hổ đấu"? ảnh 1

Hiển nhiên là những chiến trường đẫm máu nhất trên thế giới năm qua vẫn là Iraq và Afghanistan. Các hoạt động vũ trang của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu ở các địa danh này vẫn tiếp tục gây ra những thương vong cho cả dân lành vô tội.

Trong khi đó, các phần tử khủng bố dù đã bị thiệt hại không ít nhưng vẫn đủ lực để tiến hành hàng loạt vụ tấn công liều chết và không liều chết dã man ngay cả ở những thời điểm bất tiện và bất ngờ nhất. Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định tăng cường thêm lực lượng cho chiến trường Afghanistan trong năm 2010 nhưng xem ra, nhân loại vẫn phải chứng kiến một bức tranh tương tự trong thời gian tới trên mặt trận chống khủng bố quốc tế.

Nhân loại cũng sẽ phải "quan hổ đấu" các cuộc nội chiến trường niên ở hàng loạt quốc gia, đặc biệt là ở những nước rất kém phát triển và lầm than. Somalia là một thí dụ. Theo website Lenta.ru, chính phủ nước này đã buộc phải xác lập cơ chế luật pháp dựa trên những điều khoản của Sharia để hòng ngăn chặn sự lan tràn của các phần tử Hồi giáo cực đoan, một việc mà hình như chưa có một nước đang bị đe dọa bởi các chiến binh Hồi giáo dám làm vì sợ lợi bất cập hại. Thế nhưng, ngay cả khi những điều luật được coi là thiêng liêng nhất đối với tín đồ đạo Hồi được dân sự hóa đến thế, Somalia vẫn không có được bình yên.

Tháng 1-2009, tại Mogadishu đã diễn ra các trận kịch chiến giữa lực lượng quân đội của chính phủ với nhóm cực đoan Liên minh các tòa án Hồi giáo (The Islamic Courts Union, ICU) khiến cho nhóm trung dung li khai ICU. Ngày 31-1-2009, Sharif Ahmed, thủ lĩnh ICU nhưng lại là một người không quá cực đoan đã được bầu là Tổng thống Somalia, lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp. Những phần tử cực đoan còn lại trong ICU cho rằng, cựu đồng chí Ahmed của họ đã “theo đuổi” Mỹ và Al-Qaeda đã tuyên bố thánh chiến (Jihad) đối với chính quyền mới ở Somalia. Cuộc thỏa hiệp ở đất nước này đã bị biến thành cơn ác mộng Phi châu.

Từ đó đến nay những gì diễn ra ở Somalia cũng chẳng khác gì mấy so với một điểm nóng triền miên những xung đột chính trị và vũ trang nội bộ ở châu Á là Pakistan. Liên tục ở đây nổ ra những vụ khủng bố, kể cả đánh bom liều chết, đến mức ngay cả ban lãnh đạo tối cao ở quốc gia này cũng cảm thấy cơm không lành canh chẳng ngọt.

Chỉ tính riêng trong năm 2009 đã có tới 4 bộ trưởng Somalia bị đánh bom tan xác. Cực chẳng đã, tháng 4-2009, chính phủ Somalia đã phải tìm cách dụ dỗ một bộ phận những phần tử Hồi giáo cực đoan nghiêng về phía mình bằng một bước đi "vô tiền" trên cả thế giới: xác lập vai trò chính danh của Bộ Luật Sharia, điều mà các tín đồ Hồi giáo ở đây đã nhiều năm đòi hỏi.

Thế nhưng, quyết định vẫn phải ở mức độ nửa vời vì do vẫn phải "lụy" phương Tây nên có thêm điều kiện là không áp dụng những biện pháp khắc nghiệt nhất trong Bộ Luật Sharia và chính vì thế lại càng làm cho những phần tử cực đoan tức tối vì họ chỉ quen tư duy theo kiểu "được ăn cả".

Và thế là, từ tháng 6-2009 tại Somalia đã bắt buộc phải ban hành tình trạng khẩn cấp. Rốt cuộc, tình hình đã trở nên căng thẳng không chỉ ở riêng Somalia mà ở khắp khu vực Đông Phi. Liên minh châu Phi đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải ban bố lệnh cấm vận đối với Somalia và các quốc gia láng giềng với Somalia càng ngày càng phải mài sắc thêm kiếm: từ lâu những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Somalia đã không che giấu mục tiêu của chúng là xây dựng một đế chế Đại Somalia, bao gồm cả một phần lãnh thổ của Djibouti, Ethiopia  và Kenya…

Một quốc gia châu Phi khác cũng đang bị lâm vào tình trạng nội chiến triền miên là CHDC Congo. Chiến sự ác liệt đã diễn ra trong suốt cả năm 2009 ở hai tỉnh Bắc Kivu và Nam Kivu. Mặc dù diện tích hai tỉnh này không lớn nhưng ở đây đang giữ tới 30% trữ lượng kim cương của toàn thế giới, hơn một nửa trữ lượng  côban toàn cầu, rất nhiều vàng, dầu mỏ và uran. Cộng thêm vào đó chính ở Kivu đang có tới ba phần tư trữ lượng toàn cầu về khoáng chất coltan (từ khoáng chất này có thể tách ra chất tantali, thành phần cực kỳ quan trọng trong các vi mạch máy tính và mạch in rất cần thiết cho điện thoại di động, computer xách tay và những vật dụng điện tử hiện đại khác).

Càng giàu tài nguyên càng khổ, từ năm 1998 tới nay, người dân Congo đã bị chìm đắm triền miên trong những vụ nồi da nấu thịt. Tháng 2-2009, Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên đã không gom góp đủ 3.000 lính mũ nồi xanh cần thiết để bổ sung cho lực lượng gìn giữ hòa bình đã có quân số tới 17.000 người ở Congo.

Lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon chỉ được 2 trong số 192 nước thành viên Liên Hiệp Quốc hưởng ứng - đó là Bangladesh và Bỉ. Cũng không nên thấy sự việc này mà tưởng tình yêu của Brusells đối với Congo là hoàn toàn vô tư. Bỉ vốn là "mẫu quốc" của Congo trong thời chủ nghĩa thực dân cũ. Tại Bỉ hiện đang có những tập đoàn xuyên quốc gia chế biến khoáng chất coltan mà theo bản báo cáo tháng 4-2009 của Liên Hiệp Quốc, bị buộc tội cướp bóc tài nguyên của chính Congo.

Theo những gì bị tiết lộ từ bản báo cáo trên của Liên Hiệp Quốc, nội chiến ở Congo sẽ rất khó hòa giải vì thực chất, cuộc chiến đấu giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy chỉ là một cuộc tranh ăn đối với những nguồn tài nguyên quá lớn. Cảnh hỗn quân hỗn quan vì chiến sự hóa ra làm cho cả hai bên đều có thêm điều kiện để bán tống bán tháo của cải quốc gia một cách vô lối…

Tại châu Á, một tin vui là quân đội chính phủ Sri Lanca cuối cùng cũng đã phá tan được lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE). Thế nhưng ở một quốc gia Nam Á khác là Pakistan thì tình hình ngày một trở nên tồi tệ hơn. Phu quân của vị nữ Thủ tướng đã bị ám sát Benazir Bhutto, ông Asif Ali Zardari, đã được bầu làm Tổng thống Pakistan tháng 9-2008 nhưng cho tới nay vẫn không thể nào kiểm soát được những nhóm vũ trang, đặc biệt là của bộ tộc Pashtun, đang hoành hành ở khắp nước.

Chính sách "bàn tay nhung" đối với các lực lượng khủng bố và hiếu chiến của vị Tổng thống mới lại càng làm cho bạo lực trỗi dậy mạnh hơn. Pakistan thậm chí tới sát nguy cơ tan đàn sẻ nghé. Cộng đồng quốc tế xem ra rất khó có thể làm gì can thiệp, bởi lẽ những cách can thiệp như đưa máy bay vào ném  bom các địa điểm nghi ngờ có quân khủng bố ẩn náu như phía Mỹ đã làm chỉ khiến mọi sự ở Pakistan trở nên rối lẫn thêm.

Ngay những ngày đầu năm 2010 tại Pakistan vẫn liên tiếp diễn ra những vụ đánh bom liều chết rất đẫm máu. Một điều rất nguy hiểm là giữa Paksistan với nước Afghanistan láng giềng dường như đang tồn tại một "đường hầm La Măngsơ" bạo lực nào đó mà nếu liên quân quốc tế ở Afghanistan mạnh tay chống khủng bố bao nhiêu thì những âm vọng báo thù từ phía lực lượng khủng bố có thể sẽ tràn sang Pakistan mạnh bấy nhiêu.

Cũng trong năm 2009 tại hàng loạt quốc gia đã xuất hiện những hiện tượng bùng nổ thành bạo lực từ những mâu thuẫn chính trị nội bộ. Đảo quốc Madagascar nằm ở Ấn Độ Dương cũng là một thí dụ. Ngày 26-1-2009, chính quyền Madagascar đã đàn áp dã man những cuộc biểu tình chống chính phủ ở một số đô thị, trong đó có thủ đô Antananarivo có dân số 2 triệu người, làm khoảng từ 68 tới 80 người bị giết.

Đáp lại, ngày 31-1-2009, thị trưởng thủ đô Andry Rajpelina trong một cuộc mít tinh đã tuyên bố rằng chính phủ và Tổng thống lúc đó là ông Marc Ravalomanana không hoàn thành chức trách nên phải ra đi để chính ông trở thành Tổng thống mới. Tuy nhiên, phải tới những nỗ lực lần hai thì ông Rajpelina mới giành được ghế Tổng thống cho mình khi các chỉ huy quân đội "tình cờ" đưa xe tăng vào thủ đô.

Mặc dù các tướng lĩnh Madagascar tuyên bố rằng họ đứng ngoài chính trị nhưng việc làm của họ đã tạo cơ hội cho ông Rajpelina chuyển vào dinh Tổng thống suôn sẻ ngày 17-3-2009. Số lượng những người dân bị chết trong những va chạm với cảnh sát tới thời điểm đó đã lên tới 140 người. Có tổng thống mới rồi, bạo lực ở Madagascar có vẻ suy giảm nhưng điều này không dẫn tới một giải pháp chính trị ổn thỏa. Tổng thống mới của Madagascar không được Liên minh châu Phi và cả nhân dân nước này công nhận và vị nguyên thủ đã bị lật đổ Ravalomanana vẫn tiếp tục tham gia một số hoạt động quốc tế.

Cũng đã xảy ra đảo chính trong năm qua là ở Guinée. Tập đoàn quân sự ở đây đã chứng minh được rằng, ai nhanh tay bắn súng, người ấy là Tổng thống. Tuy nhiên, đó không phải là một giải pháp chính trị nên tình hình ở quốc gia Tây Phi rất giàu quặng bôxít này cho tới hôm nay vẫn như trên miệng núi lửa, mặc dầu trong tháng 1-2010 ở đây sẽ diễn ra bầu cử.

Theo Đinh Thế Cường (An Ninh Thế Giới cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm