Tàu sân bay Trung Quốc chỉ là hổ giấy?

Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện hôm 2-3, Trung tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ, tuyên bố: “Các tàu sân bay Trung Quốc đang đóng không có khả năng hoạt động trên biển như tàu sân bay Mỹ”. Ông nhận định tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể hoạt động gần bờ.

Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai dựa trên nguyên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh vốn là xác tàu được Trung Quốc mua từ Ukraine. Theo tạp chí The National Interest, nhận định của tướng Vincent Stewart không phải không có lý do hợp lý.

Về kích thước, tàu sân bay Liêu Ninh và tàu thứ hai đang đóng chỉ có lượng giãn nước 55.000 tấn, tức bằng 50% so với các tàu sân bay lớp Nimitz được đóng từ thập niên 1970 của Mỹ. Thêm vào đó, tàu sân bay Trung Quốc không trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân như tàu Mỹ. Do đó, tàu chỉ chở theo số máy bay nhất định và tầm hoạt động của tàu sân bay cũng bị hạn chế.

Về công nghệ, do dựa trên nguyên mẫu tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng thiết kế mặt boong kiểu nhảy cầu. Điều này hạn chế tải trọng cất cánh của máy bay và làm giảm hiệu suất chiến đấu do máy bay không mang được nhiều vũ khí. Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ trang bị máy phóng điện từ nên bảo đảm tải trọng tối đa theo thiết kế của máy bay chiến đấu.

Tướng Vincent Stewart khẳng định khi nào tàu sân bay Trung Quốc được trang bị máy phóng bằng hơi nước hoặc máy phóng điện từ thì lúc đó mới có cửa so sánh với tàu sân bay Mỹ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc vẫn chưa thực sự thành hình. Mặc dù tàu sân bay Trung Quốc được trang bị một số vũ khí phòng thủ tầm gần song không đủ sức tác chiến một mình. Do đó, cần phải có các biên đội tàu hộ vệ làm nhiệm vụ cảnh giới và tấn công kẻ thù khi cần thiết.

Chuyên gia Koh Swee Lean Collin thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (Singapore) nhận định với công nghệ và năng lực hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa đủ sức tổ chức nhóm tác chiến tàu sân bay như Mỹ.

Các tàu sân bay Mỹ đều được trang bị máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye và radar mảng quét pha điện tử. Bắc Kinh cũng có máy bay cảnh báo sớm trên không như trực thăng Ka-31 song tính năng và tầm hoạt động không thể so sánh với E-2C của Mỹ.

Thêm vào đó, máy bay tiêm kích trên hạm của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn phát triển với tên gọi J-15 và dựa trên nguyên mẫu là Su-33 của Nga. Trớ trêu là Nga đã chuyển sang sử dụng tiêm kích hiện đại MiG-29K song Trung Quốc vẫn kiên trì phát triển nguyên mẫu cũ.

Mặc dù vậy, tướng Vincent Stewart thừa nhận nếu Bắc Kinh tiếp tục phát triển công nghệ mới, đồng thời tăng cường các căn cứ hậu cần ở nước ngoài thì trong tương lai phạm vi tiếp cận của hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng. Vấn đề lớn nhất nằm ở thời gian và ngân sách quốc phòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm