Tam giác Mỹ-Đài Loan-Trung Quốc liệu sẽ xảy ra xung đột?

Trong nhiều thập niên, đối với vấn đề Đài Loan, Mỹ luôn mong muốn duy trì nguyên trạng tư thế chính trị của hòn đảo này, đồng thời cố gắng giữ mối quan hệ với Trung Quốc trong tầm kiểm soát.

Washington luôn tìm cách cân bằng quan hệ với cả hai bên. Một mặt, Mỹ tìm cách kiềm chế và thuyết phục Bắc Kinh không sử dụng vũ lực trong vấn đề Đài Loan. Mặt khác, Washington cố gắng tăng cường sức mạnh và khả năng tự cường của hòn đảo này.

Theo ông Joseph Nye, các chính sách trên thể hiện cách tiếp cận “mập mờ chiến lược” (strategic ambiguity). Mặc dù Washington, thông qua Dự luật Quan hệ Đài Loan năm 1999, cam kết bảo vệ Đài Loan trước bất cứ hành động tấn công quân sự nào, nhưng cam kết này không phải vô điều kiện, đặc biệt trong trường hợp Đài Bắc kích động Bắc Kinh bằng cách chính thức tuyên bố theo đuổi độc lập.

Chiến lược này của Mỹ đã phát huy hiệu quả trong khoảng thời gian dài vừa qua, nhất là khi các bên nổ ra căng thẳng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình áp dụng một chiến lược ngày càng cứng rắn hơn với Đài Loan, cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự. Chiến thắng của Đảng Dân tiến Đài Loan vốn ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền hồi năm 2016 đã phá tan hy vọng của Bắc Kinh rằng mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn giữa hai bở eo biển Đài Loan sẽ khiến cả người dân lẫn giới tinh hoa chính trị của hòn đảo này trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc.

Sự thiếu hiệu quả trong việc gây sức ép lên Đài Bắc khiến Bắc Kinh gia tăng nỗ lực nhằm cô lập hòn đảo này về mặt ngoại giao. Một số nhỏ quốc gia từ trước tới nay vẫn giữ quan hệ chính thức với Đài Bắc thì nay, dưới sự ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đã bắt đầu chấm dứt mối quan hệ này.

Ảnh: MADHYAMAN

Bắc Kinh cũng gia tăng sức ép quân sự. Số lượng và quy mô các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc xung quanh eo biển Đài Loan đã gia tăng trong vòng hai năm trở lại đây. Theo tình báo Mỹ, mục tiêu chính của quá trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc vẫn là gia tăng khả năng thực hiện một cuộc thu hồi Đài Loan thành công, trong bối cảnh Mỹ có khả năng can thiệp quân sự.

Giới chức Đài Loan cũng đã bàn luận về khả năng một cuộc thu hồi như thế có thể xảy ra vào khoảng 2020-2021. Hiện tại, bản thân Đài Loan cũng đang đối mặt với các nỗ lực xâm nhập của tình báo phía đại lục.

Đài Loan dưới thời lãnh đạo Thái Anh Văn của đảng Dân tiến đã phản ứng mạnh mẽ với các chính sách của Bắc Kinh. Mặc dù vậy, hiện tại bà Thái đang phải đối mặt với những chỉ trích trong nội bộ đảng, đứng đầu bởi cựu thủ tướng William Lai, người cho rằng bà này không đủ cứng rắn với Trung Quốc.

Mỹ có lý do để lo lắng, khi ông Lai và những người đứng sau nhân vật này trong Đảng Dân tiến ủng hộ quan điểm có thể đẩy quan hệ hai bờ eo biển trở nên căng thẳng. Thậm chí, trong nội bộ đảng này còn có phái cực đoan ra sức thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Đài Loan độc lập.

Tuy nhiên, trong khi tỏ ra lo lắng về chính trị nội bộ Đài Loan, xu hướng chính trị tại Washington lại đang ngả dần theo hướng từ bỏ “mập mờ chiến lược” và gia tăng ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tâm lý này không những được chính quyền của Tổng thống Donald Trump ủng hộ, mà còn được Quốc hội Mỹ hưởng ứng.

Bước tiến mạnh mẽ nhất có thể kể vào đến tháng 3, khi Tổng thống Trump ký ban hành “Đạo luật Du lịch Đài Loan” cho phép các quan chức cấp cao Mỹ có thể tổ chức các cuộc gặp mặt với phía Đài Loan. Đạo luật này đã được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo. Trước đây, dưới ảnh hưởng Đảo luật Quan hệ Đài Loan, các cuộc gặp mặt chỉ diễn ra ở các cấp thấp hơn.

Tháng 5, lần đầu tiên kể từ năm 1979, hai cố vấn an ninh của Mỹ và Đài Loan gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên ở Washington. Cũng trong tháng 5, Đài Loan tuyên bố đổi tên cơ quan đại diện của mình tại Mỹ từ “Hội đồng Điều phối các vấn đề Bắc Mỹ” thành “Hội đồng phụ trách các vấn đề Mỹ của Đài Loan”. Sự kiện trên theo sau việc cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Bắc, có tên gọi Viện Mỹ tại Đài Loan, gần đây đã chuyển tới một tổ hợp kiến trúc hoành tráng hơn ở ngoại ô Đài Bắc.

Ngoài ra, trong suốt năm 2018 và đầu năm 2019, các tàu chiến Mỹ đã nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan. Tháng 9-2018, chính quyền Trump còn thông qua một khoản mua bán vũ khí trị giá 330 triệu USD với Đài Bắc. Tới đầu tháng 5-2019, Hạ viện Mỹ lại thông qua Dự luật Đảm bảo Đài Loan, thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn với hòn đảo này, đồng thời thúc đẩy Đài Loan gia tăng chi tiêu phòng vệ.

Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dồn sự chú ý vào thương chiến, căng thẳng trong vấn đề Đài Loan đang dần gia tăng một cách nhanh chóng. Cả Mỹ và Đài Loan đều đang hoặc đẩy mạnh, hoặc là thay đổi cách tiếp cận, và những cách tiếp cận đó đều khiến Bắc Kinh cảm thấy khó chịu, nhất là khi vấn đề Đài Loan luôn được Bắc Kinh xem là một “lợi ích cốt lõi” của mình.

Cả hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đều đang trong quá trình đối đầu với nhau ngày càng căng thẳng trên mặt trận thương mại và công nghệ. Bất cứ một bước đi sai lầm nào, vì thế, sẽ đẩy cả hai vào một mặt trận khác căng thẳng và khốc liệt hơn. Mỹ có lẽ cũng muốn giới hạn cách tiếp cận của mình trong vấn đề Đài Loan, tuy nhiên chỉ cần một tính toán sai lầm từ cả Đài Bắc và Washington, hệ quả sẽ là vô cùng lớn.

(*) Ông Nguyễn Thế Phương là Nghiên cứu viên Cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM. Năm 2018, ông Nguyễn Thế Phương tốt nghiệp cao học tại Cộng hòa Liên Bang Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm