Tài sản bất minh sẽ không còn nơi trú ẩn

Tham dự diễn đàn, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde nhấn mạnh nước Pháp trong thời gian qua đã rất cố gắng đấu tranh chống lại hành vi gửi tiền bất minh ra nước ngoài thông qua những nơi được coi là “thiên đường về thuế”. Bộ trưởng Lagarde cũng khẳng định, tham nhũng thực sự là một căn bệnh hiểm nghèo và cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.

Tài sản bất minh sẽ không còn nơi trú ẩn ảnh 1

Diễn đàn quốc tế về chống tham nhũng tại Paris, Pháp 

Theo đánh giá của Cyril Muller, đại diện đặc biệt của Ngân hàng Thế giới (WB) tại châu Âu, mỗi năm có khoảng 20 - 40 tỷ euro bị thất thoát do tệ nạn tham nhũng và biển thủ công quỹ. Hiện nay, chúng ta không chỉ nói “không bao giờ từ bỏ cuộc chiến chống tham nhũng” mà còn phải tâm niệm thêm câu này: “Không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm khối tài sản đã bị biển thủ”. Nước Pháp cũng như các nước khác và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực đấu tranh chống lại các “thiên đường về thuế”. Các nước được gọi là “thiên đường về thuế” đang gây nhiều khó khăn cho việc quản lý những tài sản bất hợp pháp, bởi đơn giản, chúng ta rất khó nắm bắt được thông tin nếu họ vẫn khăng khăng bảo vệ bí mật ngân hàng. Những tài khoản bí mật đó vẫn sẽ luôn là những “chiếc túi đen” an toàn nhất để nguồn tài sản bất hợp pháp yên tâm “ngủ ngon” trong đó.

Bộ trưởng Kinh tế Lagarde cho biết, từ trước đến nay, Pháp luôn mong được trao đổi thông tin toàn diện và minh bạch trong mọi vấn đề liên quan đến ngành Tư pháp trong cuộc chiến chống lại những “thiên đường về thuế”. Trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới diễn ra tại London (Anh), Pháp sẽ nêu ra một danh sách những nước bất hợp tác trong việc cung cấp, trao đổi thông tin về những tài khoản bất minh. Bà Lagarde cho biết, đến nay, Pháp đã ký 25 thoả thuận với các nước, tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin liên quan đến những vụ việc gian lận thuế.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Micheline Calmy-Rey, Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Sĩ, một trong những nước đang được coi là “thiên đường về thuế” cũng khẳng định, Thuỵ Sĩ vẫn luôn hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc trao trả lại cho các nước số tiền mà những nhà lãnh đạo trước đây của họ đã biển thủ và gửi trong hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ. Trong suốt 15 năm qua, Thuỵ Sĩ đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ các nước này tìm lại được những tài sản bất hợp pháp để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, xoá bỏ đói nghèo. Bà Micheline Calmy-Rey đưa ví dụ thực tế: Từ năm 1993 - 1998, cựu Tổng thống Nigeria Sani Abacha đã biển thủ khoảng 2 tỷ USD, bằng 27% tổng GDP của nước này. Nhờ sự hợp tác của Thuỵ Sĩ, Nigeria bước đầu đã thu về được hơn nửa triệu USD. Và đến nay, Thuỵ Sĩ đã hoàn trả cho các nước được khoảng 1,7 tỷ USD.

Cùng tham dự diễn đàn lần này, Ngozi Okonjo-Iweala, Giám đốc WB cho rằng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế như hiện nay, hầu hết các nước phát triển đều “co hầu bao” lại, việc hỗ trợ phát triển, xoá đói giảm nghèo cho các nước chậm phát triển cũng vì thế mà ít đi. Bởi thế, nguồn tài chính để hỗ trợ cho các nước nghèo thực hiện công cuộc phát triển trông đợi rất nhiều vào việc thu hồi những khoản tiền đã bị giới lãnh đạo của các nước nghèo trước đây biển thủ và cất giữ trong các tài khoản ở những “thiên đường về thuế”. Những nước phát triển, dù không hỗ trợ được nhiều như trước đây, nhưng vẫn có thể giúp các nước nghèo thông qua việc hợp tác và trợ giúp những nước này tìm lại những tài sản đã bị biển thủ. Đây cũng là một việc rất quan trọng, vừa tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng và tài sản bất hợp pháp, vừa là hình thức trợ giúp gián tiếp cho các nước nghèo phát triển.

Tuy nhiên, Giám đốc WB cũng cho rằng, việc quản lý đối với số tài sản được “hồi hương” cũng rất quan trọng. Số tiền này có thể “hồi hương” thông qua các tổ chức quốc tế trung gian, nhằm bảo đảm được dùng vào đúng mục đích là hỗ trợ phát triển, xoá đói giảm nghèo. Song song với đó, cộng đồng và các tổ chức quốc tế cũng đang nỗ lực hết mình để cùng tìm ra khối tài sản bất hợp pháp khổng lồ đang nằm “ẩn nấp” trong thế giới tài chính quốc tế.

Theo Nhật Anh (Thanh tra PCTN/AFP, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm