Tài nguyên biển Đông không bằng hợp tác ASEAN-Trung Quốc

Ông ghi nhận lâu nay Trung Quốc luôn tự hào đã củng cố quan hệ với ASEAN, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Trung Quốc luôn nhấn mạnh Trung Quốc đã chuyển đổi quan hệ từ mất niềm tin và đối đầu sang hợp tác và hội nhập với ASEAn từ thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình trong những năm 1970. Tuy nhiên hiện nay, khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đã có hiệu lực bốn năm rồi nhưng triển vọng hợp tác ASEAN-Trung Quốc đang trở thành nghi vấn.

Theo GS Odd Arne Westad, Trung Quốc đã qua giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo nhưng không có nhà lãnh đạo nào cố công vun đắp quan hệ ngoại giao với ASEAN. Trong nội bộ các nước ASEAN cũng tồn tại bất đồng trước đà vươn lên nhanh chóng về kinh tế của Trung Quốc.

Điều quan trọng nhất là quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã trở nên căng thẳng do mâu thuẫn ở biển Đông. Ý đồ của Bắc Kinh là tách các nước ASEAN để đối phó với từng quốc gia riêng biệt. Trong bối cảnh đó, vấn đề Mỹ, Nhật hay Ấn Độ tham gia làm đối trọng với Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

GS Odd Arne Westad nhận định trong tương lai, điều quan trọng cần xây dựng là mức độ tương tác và niềm tin giữa ASEAN và Trung Quốc. Ông cho rằng ASEAN và Trung Quốc phải nhấn mạnh đến các triển vọng tương tác ràng buộc hơn để kéo khoảng cách hai bênxích lại gần nhau hơn.

Ông ghi nhận rõ ràng kinh tế đóng vai trò quan trọng khi tiếp thêm sinh lực cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Dù vậy, cũng cần nhấn mạnh đến các yếu tố khác như trao đổi văn hóa, giáo dục và tham vấn an ninh. Tất cả yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng niềm tin lâu dài.

Theo GS Odd Arne Westad, trước tiên ASEAN và Trung Quốc cần đàm phán một cách hiệu quả về vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông nhận xét xét về chiến lược và kinh tế dài hạn, nguồn tài nguyên ở biển Đông xem ra vẫn ít quan trọng hơn quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Ông lưu ý gắn kết chiến lược trong phát huy Công ước LHQ về Luật Biển là vấn đề cơ bản đối với tương lai ASEAN. Điều này thể hiện thái độ ủng hộ và tham vấn chung của các nước thành viên ASEAN khi đàm phán với các cường quốc bên ngoài.

Về phần mình, Trung Quốc cần kiềm chế chính sách đối ngoại đối đầu hay chính sách tự cho mình là cái rốn vũ trụ. Nếu không có quá trình hướng tới đàm phán tương lai liên tục, quan hệ ASEAN-Trung Quốc sẽ không đi tới đâu. Chủ tịch Tập Cận Bình có đủ khôn ngoan để nhận ra rằng lợi ích kinh tế của Trung Quốc nằm ở đâu. Tóm lại, thách thức hiện tại là cần phải giải quyết mâu thuẫn theo cách nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc hợp tác lâu dài.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm