Tài khoản bí mật "làm nóng" quan hệ Đức - Thụy Sĩ

Giới chính trị gia tại Bern cũng như báo chí Thụy Sĩ tỏ ra hết sức bất bình trước thông tin cho biết, Chính phủ CHLB Đức quyết định bỏ ra 2,5 triệu euro để mua lại một chiếc đĩa compact có chứa thông tin mật bị lấy cắp về tài khoản của 1.500 công dân Đức đang được cất giấu trong những nhà băng Thụy Sĩ nhằm tránh con mắt nhòm ngó của cơ quan thuế tại quê nhà.

Mục tiêu bị công kích đầu tiên từ phía Thụy Sĩ không ai khác chính là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nghị sĩ Pirmin Bishop - đại diện cho đảng Nhân dân dân chủ Thiên Chúa giáo (có tư tưởng gần giống như đảng của bà Merkel) tại Quốc hội Thụy Sĩ - đã tuyên bố với tờ Tages-Anzeiger rằng, việc bà Merkel phê chuẩn mua chiếc đĩa compact "được chúng tôi coi chẳng khác gì một hình thức cướp nhà băng thời hiện đại".

Tài khoản bí mật "làm nóng" quan hệ Đức - Thụy Sĩ ảnh 1

Chi nhánh của HSBC tại Geneve (Thụy Sĩ)

Thủ lĩnh Toni Brunner của đảng Nhân dân Thụy Sĩ thậm chí còn có lời lẽ gay gắt hơn khi gọi ý định của Berlin nhằm xác định những cá nhân đang che giấu thu nhập tại các ngân hàng Thụy Sĩ là một hành động tuyên chiến.

Còn Tổng biên tập Roger Coppel của tờ Weltwoche ở Zurich (trước đây cũng từng là Tổng biên tập tờ Welt tại Berlin) đã viết rằng, "trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm bổ sung các khoản tài chính cho nguồn ngân sách đang suy sụp, Văn phòng Thủ tướng của Angela Merkel sẵn sàng vi phạm nguyên tắc của một quốc gia pháp quyền".

Nếu đánh giá một cách tổng quát hơn, chuyện bê bối tài khoản trên đã vượt ra ngoài ranh giới mối quan hệ Đức - Thụy Sĩ. Nguyên nhân sâu xa của phản ứng gay gắt từ Bern chính là mối đe dọa đối với số phận nguyên tắc bí mật ngân hàng tại quốc gia này.

Hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ từ trước tới nay vẫn là nguồn thu hút các khoản vốn lớn từ khắp nơi trên thế giới, hay nói rộng hơn, lĩnh vực tài chính là sự bảo đảm về phồn vinh kinh tế cho Thụy Sĩ. Nhưng nếu nhìn từ mặt trái, Thụy Sĩ cũng trở thành một chiếc "két sắt khổng lồ" để che giấu các nguồn thu nhập trước con mắt theo dõi của các cơ quan thuế nước ngoài.

Từ vài năm qua, đây không phải là lần đầu tiên giới chủ nhà băng Thụy Sĩ trở thành đối tượng của những rắc rối kiểu trên. Theo số liệu của cơ quan thanh tra thuế tại Đức, hiện ước tính có gần 200 tỉ euro tiền không khai báo của các công dân Đức đang được cất giấu trong các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Còn Ngân hàng UBS lớn nhất tại Zurich từng bị Washington buộc tội tiếp tay cho hàng chục ngàn công dân Mỹ trốn thuế.

Sau một loạt các sức ép, ngân hàng này cuối cùng đã phải đồng ý cộng tác để làm rõ danh tính những cá nhân trên. Hai quốc gia khác tại châu Âu là Pháp và Italia cũng công khai bày tỏ quan điểm chống lại nguyên tắc bảo mật tài khoản ngân hàng của Thụy Sĩ.

Chẳng hạn như Paris bằng cách nào đó đã kiếm được một chiếc đĩa compact chứa dữ liệu đánh cắp về các tài khoản của công dân Pháp tại Thụy Sĩ. Sau khi biết được chuyện này, đã có hơn 3.000 chủ nhân của các tài khoản trên thú nhận hành vi thuế, nhờ đó ngân sách quốc gia được bổ sung thêm 500 triệu euro. 

Giờ đây cũng bằng cách trên, Đức đang hy vọng sẽ thu lại về cho ngân sách gần 100 triệu euro từ các công dân là chủ tài khoản tại chi nhánh Ngân hàng HSBC ở Geneve. Hiện chưa thể xác định ai là kẻ đã rao bán chiếc đĩa compact chứa nhiều thông tin nhạy cảm trên cho Berlin.

Hai năm trước, Cơ quan Tình báo Đức (BND) cũng bằng thủ đoạn mua thông tin tương tự đã giúp làm rõ nhiều đối tượng trốn thuế đang cất giấu tài sản tại "thiên đường thuế" Liechtenstein, trong đó đáng chú ý có cả ông chủ Tập đoàn Bưu điện Klaus Zumwinkel. Kết quả là có tới 600 người đã ra thú nhận có hành vi trốn thuế qua tài khoản ngân hàng bí mật, trong khi danh sách trên chiếc đĩa này chỉ có 210 người. Báo chí cũng không thể điều tra được kẻ đã kiếm tiền nhờ bán được thông tin trên cho tình báo Đức.

Vụ bê bối lần này khiến nhiều người để mắt tới một công dân Pháp gốc Italia có tên Erva Falciani. Trong thời gian còn làm tại chi nhánh Ngân hàng HSBC ở Geneve, nhân vật này đã bí mật sao chép lên đĩa những dữ liệu về người gửi tiền, trước khi thông tin này có trong tay Chính phủ Pháp.

Theo khẳng định của tờ Le Monde, chính ông này đã tìm cách liên hệ với Chính phủ Pháp và sau đó là BND để bán những thông tin này. BND từ chối bình luận về thông tin trên, còn Falciani đã thẳng thừng phủ nhận giả thuyết này trên báo chí Pháp.

Hiện Berlin vẫn chưa chính thức mua chiếc đĩa compact nhạy cảm trên, nhưng kế hoạch này đang gieo rắc nỗi lo sợ cho hàng loạt chủ nhân những tài khoản bí mật. Nhiều người trong số này đã vội vàng tìm cách liên hệ với các luật sư của mình để bàn biện pháp đối phó nếu bị lộ mặt. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy thành khẩn khai báo.

Trên một khía cạnh khác, người dân Đức đang rất hào hứng bàn cãi về chuyện, liệu một quốc gia pháp quyền có thể tìm kiếm thông tin bằng cách "né tránh" luật pháp như vậy hay không? Tạp chí Stern đã rất nhanh chân tổ chức một cuộc thăm dò dư luận chớp nhoáng với kết quả có 43% người được hỏi bày tỏ sự lo lắng về khả năng này. Tuy nhiên phần đa số (57%) lại cho rằng, nếu chỉ tốn có 2,5 triệu euro để có thể vạch mặt những kẻ trốn thuế thì đó là chuyện... nên làm.

H.S. tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm