Sudan thống nhất hay ly khai?

Miền bắc Sudan với đa số dân Hồi giáo phái Sunni trong khi dân Công giáo và người theo thuyết vật linh tập trung sinh sống ở miền nam. Do đó, hai miền có tôn giáo khác nhau, văn hóa khác nhau, chưa kể đến 500 bộ tộc. Đây là hậu quả để lại từ thời Sudan là thuộc địa Anh. Giữa năm 1920-1947, Anh cai trị hai miền Sudan theo chế độ khác nhau, hạn chế dịch chuyển dân cư giữa hai miền, khuyến khích mở rộng Công giáo và Anh hóa miền nam để tạo đối trọng với miền bắc.

Năm 1956, Sudan giành được độc lập nhưng chia rẻ vẫn âm ỉ, từ đó dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài 22 năm không liên tục giữa hai miền (từ năm 1955 đến 2005) với 2 triệu người chết. Tháng 1-2005, hai miền đã ký kết hiệp định hòa bình và thừa nhận miền nam được trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.

Miền nam Sudan là vùng đất rộng kém phát triển nhưng dầu hỏa lại phong phú. Sudan sản xuất mỗi ngày 0,5 triệu thùng dầu, mang lại nguồn thu ngoại tệ không nhỏ, trong đó 75% sản lượnag khai thác ở khu vực giáp ranh hai miền và ở miền nam. Tách ra khỏi Sudan, miền nam có thể nâng cao đời sống kinh tế từ dầu hỏa nhưng lại không có đường ra biển và mọi ống dẫn dầu đều nằm ở miền bắc. Như vậy muốn tiếp tục xuất khẩu vàng đen, miền nam sẽ buộc phải thương lượng với miền bắc. 

Một thách thức đối với miền nam sau khi tách khỏi Sudan là hình thành một thực thể thống nhất quốc gia trong bối cảnh hậu quả của nội chiến để lại còn nặng nề và khoảng 60 bộ tộc với từng ấy tiếng nói khác nhau. Trong lịch sử, xung khắc đã từng xảy ra giữa các bộ tộc và trong nội bộ từng bộ tộc.

Đối với miền bắc Sudan, trước viễn ảnh mất nguồn thu từ dầu hỏa, Tổng thống Umar Hasan Ahmad al-Bashir chủ trương sẽ đa dạng hóa kinh tế miền bắc bằng cách khai thác nông nghiệp. Các nước Ả rập và châu Á sẽ được quyền khai thác lâu dài đất canh tác ở Sudan. Nhược điểm của chiến lược này là miền bắc có nguy cơ mất an toàn lương thực và không còn giải pháp nào khác ngoài tăng thuế tiêu dùng.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Sudan đã làm nhiều nước láng giềng lo ngại bởi vấn đề biên giới từ thời thuộc địa sẽ được xới lại. Nhiều vùng ở châu Phi hoặc các phe phái nổi loạn sẽ đặt ra yêu cầu trưng cầu dân ý như Sudan. Ngay tại Sudan, mới đây các nhóm vũ trang ở Darfur (miền tây) đã tuyên bố muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.

Nếu kết quả trưng cầu dân ý đồng ý miền nam Sudan độc lập, LHQ sẽ sẵn sàng đón nhận nước thành viên thứ 193. Các nước sẽ phải quyết định thừa nhận hay không đứa con mới chào đời trong đại gia đình các dân tộc. 

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm