S-400 là cái cớ để Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về “hậu quả rất nghiêm trọng” nếu mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất. Bà Ortagus cho rằng thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ quốc phòng của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7. Ảnh: SPUTNIK

Trước đó, kênh CNBC dẫn các nguồn thạo tin cho biết Washington cho Ankara thời hạn hai tuần để từ bỏ thỏa thuận mua S-400 với Nga, và mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất. Bằng không, Mỹ sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Yavuz Selim Kıran mới đây phủ nhận thông tin này trong một cuộc họp báo ở Washington, nhấn mạnh rằng đây không phải thông báo chính thức từ phía Mỹ.

Ông Erdogan Karakush, một trung tướng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ về hưu, đã có những bình luận liên quan tới tuyên bố của bà Ortagus và lập trường của Mỹ về vấn đề này. Ông Karakush cho rằng nhìn chung quan điểm của Mỹ về vấn đề này không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào, theo hãng tin Sputnik.

“Không có bất cứ thông tin nào của tiêm kích F-35 có thể lấy được thông qua hệ thống S-400. Tất cả chỉ là một cái cớ. Mục tiêu chính của Mỹ là đình chỉ việc chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tình huống ngày, không những cần chú ý đến quan điểm của Mỹ mà của cả Israel và Hy Lạp, những nước quan tâm đến việc có được hợp đồng hàng tỉ USD cung cấp phụ tùng cho chương trình F-35, mà theo thỏa thuận hiện tại đây là nhiệm vụ của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, họ chú ý đến việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này. Như vậy vấn đề không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và sự căng thẳng về thương vụ S-400”, ông Karakush giải thích.

Mỹ lấy cớ S-400 phơi bày điểm yếu của F-35 cho Nga nhằm loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án phát triển F-35? Ảnh: Ynet News

 “Trong khi đó, việc Nga cung cấp hệ thống vũ khí hiện đại và tinh vi như S-400 cho một quốc gia thành viên NATO thể hiện một lập trường táo bạo. Suy cho cùng, Nga cũng có thể bày tỏ lo ngại về khả năng giả định tình báo NATO nắm được thông tin về S-400. Tuy nhiên, Mỹ ngược lại đã bày tỏ sự không hài lòng và lo ngại về điều này mà thực ra không có lý do gì để làm như vậy. Washington rất bực bội vì Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia chương trình F-35 cách đây 20 năm và trong thời gian này đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của dự án”, ông Karakush kết luận.

Moscow và Ankara ký một hợp đồng bàn giao bốn tổ hợp hệ thống phòng không S-400 trị giá 2,5 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 12-2017. Kể từ đó, Mỹ liên tục gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút lại thỏa thuận với Nga, đe dọa đồng minh NATO này bằng lệnh trừng phạt, viện dẫn lý do S-400 có thể làm tổn hại công nghệ và khả năng tàng hình của F-35. Hồi tháng 4, Mỹ đã dừng bàn giao các thiết bị liên quan của F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất chấp chỉ trích và đe dọa của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết theo đuổi thương vụ S-400 tới cùng, tuyên bố việc mua các vũ khí phòng thủ là vấn đề thuộc chủ quyền của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm