Rừng mưa Amazon cháy kinh hoàng, lỗi do tổng thống Brazil?

Một sự kiện đang gây thảng thốt rất nhiều cư dân hành tinh: rừng mưa Amazon ở Brazil, khu rừng mưa nhiệt đới và là lá phổi lớn nhất thế giới, đang bị hàng chục ngàn đám cháy hoành hành và tốc độ cháy lan nhanh kinh hoàng.

Phần lớn rừng mưa Amazon nằm ở tây bắc Brazil. Ngày 22-8, Viện nghiên cứu không gian Quốc gia Brazil chuyện giám sát việc phát quang rừng và cháy rừng thống kê có tới 74.155 đám cháy xảy ra ở rừng Amazon trong năm nay, tăng tới 84% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Bức ảnh chụp bằng máy bay không người lái chụp đám cháy ở TP Guaranta do Norte, bang Mato Grosso (Brazil), ngày 20-9. Ảnh: AP

Bức ảnh chụp bằng máy bay không người lái chụp đám cháy ở TP Guaranta do Norte, bang Mato Grosso (Brazil), ngày 20-9. Ảnh: AP

Sở dĩ được xem là “lá phổi của thế giới” vì khu rừng mưa Amazon này hấp thụ một lượng rất lớn khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm gánh nặng rất nhiều cho hành tinh. Rừng mưa Amazon cũng là nhà của một lượng lớn tộc người bản địa vốn sinh sống nhờ vào các nguồn tài nguyên từ rừng.

Rừng mưa Amazon bị cháy ảnh hưởng đến con người thế nào?

“Rừng Amazon là một nhà máy mưa” - chuyên gia môi trường Adrian Forsyth, nhà đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Hiệp hội đối thoại Amazon, nhận xét về vai trò của rừng Amazon với cuộc sống con người.

Theo ông Forsyth, rừng Amazon tạo mưa giúp cho mùa màng khắp châu Mỹ, tác động đến nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản. Ngoài ra, nếu không nhờ rừng Amazon hút khí carbon thì tác hại của khủng hoảng khí hậu sẽ ngày càng kinh khủng.

“Rừng Amazon là kho trữ khí carbon nhiệt đới lớn nhất thế giới. Và nếu cái kho này vỡ tung lên bầu trời thì chuyện đạt được các mục tiêu khí hậu mà chúng ta đang nỗ lực sẽ không thể” - tờ USA Today dẫn lời chuyên gia Forsyth nói.

Rừng mưa Amazon - lá phổi lớn nhất thế giới cháy kinh hoàng. Ảnh: CNN

Rừng mưa Amazon - lá phổi lớn nhất thế giới cháy kinh hoàng. Ảnh: CNN

Theo bà Moira Birss - Giám đốc chiến dịch tài chính của tổ chức phi lợi nhuận Quan sát Amazon, bộ phận gánh chịu ảnh hưởng sớm nhất từ vụ cháy rừng Amazon là những tộc người bản địa và những người sống trong hoặc gần khu rừng này.

“Vụ cháy đặc biệt có hại đối với những người sống trong rừng, về không khí họ thở, về khả năng duy trì cuộc sống thường nhật và một số trường hợp thì vụ cháy còn ảnh hưởng đến chính mảnh đất họ sống” - chuyên gia Birss nói.

Đó là những lý do tại sao rừng Amazon bị cháy là một vấn đề lớn với không chỉ Brazil mà với cả thế giới.

Có bình thường không khi một khu rừng mưa bị cháy? Rừng mưa Amazon có rất nhiều độ ẩm cho nên xảy ra cháy lớn không phải là chuyện tự nhiên. Theo chuyên gia môi trường Nigel Sizer tại tổ chức phi chính phủ Liên minh Rừng mưa trụ sở tại Mỹ, trước đây dù có vào mùa khô đi nữa, nếu có xảy ra cháy thì nó cũng chỉ lan một ít rồi nhanh chóng bị tắt.

Tại sao khu rừng mưa lớn nhất thế giới bị cháy kinh hoàng đến thế?

Lý do lớn nhất, theo chuyên gia Sizer, là tại con người muốn chặt phá rừng để lấy đất trồng nông sản hay lập trang trại nuôi gia súc. Họ đốn hạ một lượng lớn cây rừng, để chúng nằm la liệt dưới đất cho khô rồi đốt.

Theo chuyên gia Sizer, một khi rừng bị phát quang và để cây khô dưới đất thì các đám cháy sẽ lan rộng và gây thiệt hại nhiều hơn.

“Khu rừng bị thay đổi từ một hệ sinh thái chống cháy sang một hệ sinh thái dễ cháy” - chuyên gia Sizer nhận định. Ông làm việc ở rừng Amazon đã 30 năm qua.

Cây, cỏ và động vật ở rừng Amazon không có khả năng thích ứng một khi có lửa, vì thế rất dễ dàng bị thiêu rụi và bị giết. Điều này khác với các khu rừng ở Bắc Mỹ vốn có khả năng thích ứng với cháy và sống sót qua cơn cháy cao hơn.

Khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới đang oằn mình trong lửa. Ảnh: CNN

Khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới đang oằn mình trong lửa. Ảnh: CNN

Phát quang rừng là hành động trái phép nhưng lại không được chính phủ Brazil giám sát và ngăn chặn, theo chuyên gia Sizer. Thậm chí, theo ông Sizer, không những không giám sát và ngăn chặn, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là khuyến khích hành động này. Ông Bolsonaro nhậm chức ngày 1-1 năm nay.

“Chúng tôi có thể tự tin mà nói rằng rất nhiều hoạt động này là bất hợp pháp nhưng nó đang xảy ra vì chính phủ gật đầu cho việc chặt và đốt cây rừng trái phép khắp Amazon” - ông Sizer nói.

“Tổng thống thậm chí còn khuyến khích xâm nhập các vùng đất và khu vực bản địa mà các chính phủ trước đây đã cố gắng rất nhiều để bảo vệ” - theo ông Sizer.

Theo USA Today, ông Bolsonaro từng đổ lỗi cho các tổ chức môi trường phi lợi nhuận đã cản trở chiến dịch phát triển kinh tế Brazil của ông. Chính phủ ông Bolsonaro đã gỡ bỏ nhiều lệnh cấm ở nhiều khu vực như rừng Amazon và chính việc này đã mở đường cho con người gây hại cho rừng.

Về đà tăng cháy rừng trong năm nay, ông Bolsonaro cho rằng các tổ chức phi chính phủ có thể đứng đằng sau chuyện này để khiến mọi người có cái nhìn xấu chính phủ của ông.

“Có thể - tôi không khẳng định - các tổ chức (phi chính phủ) này thực hiện các hành động phi pháp để lôi sự chú ý chống lại tôi, chống lại chính phủ Brazil” - ông Bolsonaro từng nói với báo chí.

“Có một cuộc đấu trên thế giới chống lại Brazil, một cuộc chiến tranh thông tin” - ông Bolsonaro từng nói.

Một khu vực bang Mato Grosso (Brazil) bị cháy, ảnh chụp từ trên không ngày 20-8. Ảnh: EPA

Một khu vực bang Mato Grosso (Brazil) bị cháy, ảnh chụp từ trên không ngày 20-8. Ảnh: EPA

Khi được hỏi về chứng cứ cho phát ngôn này thì ông Bolsonaro không cung cấp.

Theo chuyên gia Sizer, các chính phủ trước của Brazil có ý thức về môi trường và đã giảm thành công việc phát quang rừng. 

Dập cháy được không?

Theo chuyên gia Sizer, sẽ cần một khoảng đệm để con người phản ứng và những gì đang xảy ra làn sóng đầu tiên. Tôi sẽ không ngạc nhiên một khi làn sóng này tệ hơn nếu chính phủ không thay đổi hướng đi.

Theo chuyên gia Sizer, việc dẹp được các đám cháy khổng lồ ở rừng Amazon “về cơ bản là không thể”. Các đám cháy sẽ lan đến chừng nào không còn cây cối để lan nữa.

Đồng ý với ông Sizer, chuyên gia Forsyth cho rằng cách tốt nhất để ngặn chặn cuộc khủng hoảng thế này là chính phủ phải nghiêm khắc bảo vệ đất rừng.

“Nếu bạn có một tổng thống được khai sáng ở Brazil, họ sẽ chấm dứt nạn khai phá rừng trái phép ở Brazil, như cách họ ngăn chặn cướp bóc và giết người” - chuyên gia Forsyth nói.

Bà Birss - Giám đốc chiến dịch tài chính của tổ chức phi lợi nhuận Quan sát Amazon cho biết nhiều người đã liên lạc đến tổ chức Quan sát Amazon hỏi họ có thể giúp thế nào trong vụ cháy này. Tuy nhiên theo bà, cơ bản nhất thì chính phủ phải có trách nhiệm chấm dứt nạn khai phá rừng và phóng hỏa trái phép.

Thấy gì từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở Nga?
Thấy gì từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở Nga?
(PLO)- Với ngọn lửa cháy liên tục nhiều ngày thiêu rụi diện tích rừng hơn 4 triệu hecta ở khu vực Siberia, vụ cháy rừng là một lời cảnh tỉnh các quốc gia trên thế giới cần dành nhiều nỗ lực hơn trong các chính sách môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm