Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Nối nghiệp cha anh

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã từng được tiến cử vào Quân ủy Trung ương, trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Ông Hồ Cẩm Đào sẽ hết nhiệm kỳ Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và chức Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013.

Càng tôi luyện càng trưởng thành

Ông Tập Cận Bình sinh ngày 1/6/1953 tại Phúc Bình, tỉnh Thiểm Tây. Cha ông, nguyên Phó Thủ tướng nước CHND Trung Hoa trong giai đoạn từ năm 1949 tới năm 1952 Tập Trọng Huân, một trong những người có công xây dựng chính căn cứ địa cách mạng khu Thiểm - Cam, từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh và về sau được tôn vinh như một anh hùng.

Ông Tập Trọng Huân bản tính giản dị, hiền hậu, dễ gần với xung quanh. Theo lời bà Tề Tâm, phu nhân của  ông Tập Trọng Huân, ông rất nghiêm khắc với các con - cả hai cậu con trai Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình đều sử dụng lại từ sách vở, cặp sách đến quần áo, giày dép của chị gái để lại...

Có lần Tập Cận Bình không chịu đi đôi dép của chị vì bị các bạn cùng lớp trêu, đã bị bố nghiêm khắc nhắc nhở. Trong thời gian diễn ra "cách mạng văn hóa", ông Tập Trọng Huân cũng như nhiều nhà lãnh đạo lão thành khác, đã phải nếm đủ mọi sự cay đắng, thậm chí ông cũng bị vào tù. Tuy nhiên,  tới những năm 80 của thế kỷ trước, ông Tập Trọng Huân cũng đã quay lại được với thượng tầng quyền lực ở Bắc Kinh.

Và ông từng làm Bí thư tỉnh Quảng Đông trong những năm từ 1979 tới 1981 và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến khi Bắc Kinh bắt đầu chính sách mở hướng phát triển vùng duyên hải Trung Quốc… Theo báo chí Trung Quốc, nếp tư duy và lối sống của người cha đã ảnh hưởng mạnh tới người con. Chính vì thế nên lớn lên, ông Tập Cận Bình đã rất nỗ lực phấn đấu bằng chính sức mình và không bao giờ ỷ vào thế của gia đình.

Ông Tập Cận Bình bắt đầu đi làm từ  tháng 1/1969. Và ông cũng đã có những tháng ngày cải tạo lao động ở những nơi thâm sơn cùng cốc. Khi ấy, ông đã phải "ban ngày cày ruộng, ban đêm đọc sách để trau dồi kiến thức".

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Nối nghiệp cha anh ảnh 1

Ông Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình gia nhập Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc năm 1971 và tới tháng 1/1974, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1975 đến năm 1979, ông là sinh viên của Trường Đại học danh tiếng hàng đầu Thanh Hoa, theo học chuyên ngành tổng hợp hữu cơ cơ bản Khoa Hóa chất… 

Sau khi tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư hóa chất và luật gia, từ năm 1979 đến 1982, ông Tập Cận Bình vào làm Thư ký Văn phòng Quân ủy Trung ương. Vị trí này giúp ông có được những mối quan hệ thân hữu và tin cậy với các quân nhân. Rồi ông được phân công làm thư ký riêng cho ông Cảnh Tiêu, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng…

Và cũng từ đấy, ông đã được đào luyện trên nhiều cương vị lãnh đạo từ địa phương lên tới trung ương. Ông từng là Bí thư Huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc trong giai đoạn từ 1983 tới 1985 rồi làm Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến trong những năm từ 1985 tới 1988. Tiếp theo, từ năm 1988 tới năm 1990, ông đã giữ chức vụ Bí thư Thị ủy Ninh Đức ở tỉnh Phúc Kiến quê hương, một tỉnh chỉ cách Đài Loan bằng một cái vịnh nhỏ.

Chính ở Phúc Kiến, ông Tập Cận Bình tới năm 2000 đã lên được chức Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng và ông đã ở cương vị này cho tới năm 2002. Chính ông  đã đóng vai trò chính trong những nỗ lực thúc đẩy cải tổ thị trường, thiết lập quan hệ với các doanh nhân Đài Loan và hướng tới việc thành lập đặc khu kinh tế tại Phúc Kiến…

Làm tốt nhiệm vụ của mình ở quê hương, ông lại được cử sang tỉnh Chiết Giang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng trong hai năm 2002-2003 rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân của một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, một trung tâm của sự thành công trong quá trình phát triển kinh tế đại lục, với tốc độ tăng trưởng đạt 14% trong suốt 20 năm qua.

Và ở đây, ông đã rất tích cực đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng… Nhờ thế, ông đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc gia cũng như của những vị lãnh đạo Trung Quốc hàng đầu hiện nay…

Cũng trong thời gian này, dù bận trăm công nghìn việc của một lãnh đạo cao cấp, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn dành thời gian để theo học lớp nghiên cứu sinh tại chức về chuyên ngành lý luận chủ nghĩa Mác và giáo dục tư tưởng chính trị Học viên Nhân văn Xã hội Trường Đại học Thanh Hoa, được cấp bằng tiến sĩ Luật học. Với nền tảng chính trị và giáo dục, ông là người đúng như cách gọi của người Trung Quốc là "hữu hồng hữu chuyên". Ông cũng đã trở thành thành viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 15, và là thành viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16.

Năm 2007, sau khi ông Trần Lưu Vũ bị "sa cơ" vì những sai lầm tham nhũng khét tiếng, ông Tập Cận Bình được phân công về nhận trách nhiệm Bí thư Thượng Hải, một trong những thành phố "huyền thoại" của Trung Quốc. Nhiệm vụ của ông khi ấy là, theo cách nói của báo chí phương Tây, "dọn dẹp lộn xộn".

Và phải nói rằng, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này và càng củng cố thêm danh tiếng của mình như một chiến sĩ đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng và người bảo vệ nhiệt thành cho quyền sở hữu tư nhân.

Đấy chính là một trong những lý do cốt yếu để tháng 10/2007, tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng thời, ông cũng được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, nơi đào luyện đội ngũ cán bộ trung kiên cho chế độ XHCN ở Trung Quốc.

Ngày 15/3/2008, ông Tập Cận Bình được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Và một bước ngoặt mới đã tới sau khi ông Tập Cận Bình ngày 18/10/2010 được bầu làm nhân vật dân sự thứ hai, bên cạnh ông Hồ Cẩm Đào, vào Quân ủy Trung ương gồm 11 thành viên.

Làm gì cũng tốt

Trong thời gian qua, ông Tập Cận Bình đã tự xác lập được uy tín một nhà lãnh đạo bản lĩnh và có tâm, có tình ở trong lòng đại đa số đồng bào mình. Theo nhiều nhà quan sát viên, trước đây, ông Tập Cận Bình chủ yếu được biết tới với cương vị một người chồng của nữ ca sĩ nổi tiếng Bành Lệ Ái (vợ ông nằm trong biên chế của Nhà hát Ca múa nhạc quân đội và có quân hàm Thiếu tướng).

Mọi sự đã thay đổi khi ông Tập Cận Bình Tổng Chỉ huy công tác tổ chức Olympic Bắc Kinh khai mạc lúc 8 giờ 8 phút tối ngày 8/8/2008. Trước đó, nhiều người đã hoài nghi về việc các công trình phục vụ cho Olympic có thể được hoàn thành theo đúng thời hạn đã định vì tệ nạn tham nhũng làm nhiều việc đình trệ.

Nhưng ông Phó Chủ tịch nước đã hành xử rất cứng rắn và công bằng, loại bỏ nhiều viên chức thể thao đã trót "nhúng tay vào chàm". Nhờ thế, công việc đã được cải thiện đáng kể. Và cuối cùng thì nền thể thao Trung Quốc đã có được một vụ mùa bội thu chưa từng có tại Olympic Bắc Kinh 2008…

Hiện nay, theo một số nguồn tin, điều đang làm ông Tập Cận Bình, một fan bóng đá đích thực, suy tư là câu hỏi: tại sao ở một siêu cường dân số như Trung Quốc  lại không thể tập hợp được một đội tuyển bóng đá ít nhiều cũng có hạng và giành được một số giải thưởng quốc tế nào đó? Và ông đã đưa ra những quyết sách thẳng thừng nhằm loại bỏ những tệ nạn trường niên trong làng túc cầu Trung Quốc. Những hoa thơm trái ngọt có thể không mau tới nhưng kiểu gì thì cũng tới một khi ông càng ngày càng củng cố được vững chắc hơn vị thế chính trị của mình…

Trên trường quốc tế, ông Tập Cận Bình đã gặt hái được nhiều lời khen. Nhưng nhà hoạt động chính trị nước ngoài sau những lần được tiếp cận trực tiếp với ông đã có những ấn tượng sâu đậm. "Đó là một nhân vật tầm cỡ như Nelson Mandela. Ông ấy có một sự kiên định nhân văn khổng lồ, không cho phép những thất bại cá nhân ảnh hưởng tới các quyết định của mình" - ông Lý Quang Diệu, "trưởng lão" của Singapore đã nhận xét như vậy. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson nhận xét ngắn gọn hơn: "Đó là một chàng trai biết rõ cách đạt được các mục tiêu của mình". Ông Paulson cũng coi ông Tập Cận Bình như một người bạn…

Dư luận phương Tây cũng nhận xét  rằng, ông Tập Cận Bình dường như là người ủng hộ thị trường, nhưng khá thận trọng về cải tổ chính trị. Ông chia sẻ mối quan tâm với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và việc cần thiết duy trì ổn định xã hội. Cao Trí Khai, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói: "Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng… Trước công chúng, ông ấy rất cẩn thận. Ông ấy không phải là người dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng".

Theo Phương Anh (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm