Ông Trump gặp rủi ro nếu xây tường Mexico

Chính phủ Mỹ hôm nay bước vào ngày đóng cửa thứ 20 quanh bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc hội Mỹ về chuyện chi tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico. 9 giờ tối 8-1 (giờ địa phương), ông Trump đăng đàn phát biểu trước toàn dân về chuyện xây tường biên giới, theo New York Times.

Ông Trump dành một nửa thời lượng phát biểu mô tả tình hình biên giới Mexico như một cuộc “khủng hoảng nhân đạo”. Trước toàn dân, ông Trump chỉ trích chuyện đảng Dân chủ phong tỏa xây tường biên giới là đạo đức giả và gây rủi ro cho an ninh nước Mỹ. Hiện đoàn người di cư Trung Mỹ vẫn đang tìm cách vượt qua biên giới Mexico vào Mỹ và theo ông Trump thì các thành phần khủng bố có thể trà trộn vào người di cư xâm nhập vào Mỹ.

Tranh cãi quyền tổng thống

Đến giờ, đảng Dân chủ vẫn phản đối đề xuất xây tường biên giới, yêu cầu ông Trump ngay lập tức chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ và cho phép Quốc hội thông qua luật chi tiền cho chính phủ hoạt động. Đảng Dân chủ nói rõ chỉ khi ông Trump làm vậy thì họ mới chấp nhận tranh luận về an ninh biên giới.

Thế giằng co giữa ông Trump và Quốc hội chưa biết sẽ ra sao và còn kéo dài đến đâu. Nhưng có một điểm chắc chắn là hai năm qua ông Trump đã không thắng được Quốc hội do Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện thì giờ khả năng ông thắng được Quốc hội mà Hạ viện do Dân chủ kiểm soát sẽ mong manh hơn nhiều. Tình thế này một lần nữa dẫn đến câu hỏi liệu ông Trump có tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để vượt mặt Quốc hội đơn phương xúc tiến xây tường biên giới hay không. Phát biểu trước toàn dân tối 8-1, ông Trump còn kiềm chế đi tới bước này. Nhưng trì hoãn không có nghĩa sẽ từ bỏ và đe dọa vẫn còn đó.

Vậy ông Trump có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia hay không? Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cho rằng ông Trump “không có quyền” vì “nếu (Tổng thống) Harry Truman không thể quốc hữu hóa ngành công nghiệp thép trong thời chiến thì Tổng thống Trump cũng không có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và xây một bức tường biên giới trị giá nhiều tỉ đô”. Năm 1952, ý định đơn phương quốc hữu hóa ngành công nghiệp thép của Tổng thống Truman đã bị Tòa án Tối cao bác.

Hơn hai thập niên sau, Quốc hội Mỹ cho phép các tổng thống quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hành động đơn phương. Luật Tình trạng khẩn cấp Quốc gia 1976 mở rộng quyền hành nhiều hơn cho tổng thống cũng như cho phép tuyên bố “tình trạng khẩn cấp nhập cư” để đối phó với “dòng người nước khác” tràn vào Mỹ. Từ lúc luật được thông qua đã có 30 lần các tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong bài viết trên The Hill, GS luật Jonathan Turley tại ĐH George Washington và từng là luật sư tại Hạ viện Mỹ cũng khẳng định theo hiến pháp thì tổng thống có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Một người di cư Trung Mỹ nhảy qua hàng rào biên giới TP Tijuana (Mexico) để vào TP San Diego, bang California (Mỹ) ngày 1-1. Ảnh: BLOOMBERG

Mâu thuẫn việc chi tiêu

Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép tổng thống nhiều quyền lực hơn để đối phó nhanh chóng với các vấn đề đe dọa an ninh khẩn cấp. Theo GS luật Noah Feldman tại ĐH Harvard và là thư ký của Chánh án Tòa án Tối cao David Souter, giải quyết xong chuyện tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump lại phải tính tới một thách thức lớn hơn là tìm nguồn tiền xây tường ngăn biên giới. Theo luật Mỹ, ông Trump có thể huy động tiền từ các quỹ không ràng buộc nghĩa vụ được thiết kế cho các dự án xây dựng quân sự, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các nguồn quỹ từ các dự án có liên quan đến quân đội. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền từ các nguồn quỹ này có nhiều hạn chế.

9 phút là thời lượng bài phát biểu trước toàn dân của ông Trump được truyền hình trực tiếp vào khung giờ vàng. 

GS Feldman khẳng định ông Trump không thể qua mặt được Quốc hội về tài chính. Theo ông, Hiến pháp Mỹ không có điều khoản tình trạng khẩn cấp quốc gia nào cho phép tổng thống chi tiền vì các mục đích không được Quốc hội đồng ý. Hơn nữa, bên cạnh chuyện không duyệt chi tiền, Quốc hội cũng đã nói rõ ràng là mình không đồng ý với kế hoạch này.

Hiến pháp ghi rõ Quốc hội chi tiền và giám sát việc chi tiêu số tiền này. Không có luật nào cho phép tổng thống chi tiền cho mục đích mà Quốc hội không duyệt. Như thế, nếu ông Trump cố tình xây tường ngoài sự đồng thuận của Quốc hội thì ông sẽ vi phạm hiến pháp và chắc chắn sẽ bị các tòa án phong tỏa lại. Ông Trump có thể bị quy phạm tội và có thể bị luận tội vì việc này. Nói đơn giản, sự phân chia quyền lực khiến ông Trump phải chịu rủi ro nếu quyết làm điều Quốc hội từ chối. Nếu ông Trump quyết định đấu lại hiến pháp coi như ông đấu lại với luật pháp. Lúc đó tòa án sẽ vào cuộc. Và Quốc hội sẽ phải bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc sử dụng quyền lực của mình, vận dụng hiến pháp đấu lại vị tổng thống đã vi phạm nó - quyền lực luận tội.

Phản ứng lại phát ngôn của ông Trump, tối 9-1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng đăng đàn trên sóng truyền hình trực tiếp cáo buộc ông Trump gieo rắc sự sợ hãi. Hai lãnh đạo Dân chủ này chỉ trích ông Trump đòi người đóng thuế Mỹ chi tiền xây tường trong khi trước đó ông từng nói Mexico sẽ là bên phải chi khoản tiền này. Ông Trump đòi Quốc hội phải chi 5,7 tỉ USD xây tường trong khi bà Pelosi nói sẽ không chi cho ông Trump đồng nào để làm cái chuyện xây tường “phi đạo đức” này.

Theo kế hoạch, ngày 10-1, ông Trump sẽ đến biên giới bang Texas-Mexico. Ông Trump ngày 9-1 họp với các lãnh đạo Quốc hội lưỡng đảng tiếp tục khôi phục thương lượng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.