Obama và châu Âu sau 7 năm nhận giải Nobel Hòa bình

7 năm trước, Ủy ban Nobel NaUy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Quyết định này đã nhận được nhiều chê cười tại Mỹ, kể cả những người ủng hộ Obama, bởi khi đó ông chỉ vừa mới trở thành tổng thống chưa được một năm. Tuy nhiên, ông Obama vẫn bay đến thủ đô Oslo, Na Uy để nhận giải thưởng này. Vị tổng thống này vào thời điểm đó rất được yêu thích ở châu Âu, theo báo Wall Street Journal (Mỹ).

Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Lễ trao giải Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo, Na Uy vào ngày 10-12-2009.

Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Lễ trao giải Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo, Na Uy vào ngày 10-12-2009. Ảnh:  AP

Tính đến hiện tại thì ông Obama rất ít khi đề cập đến giải thưởng này. Cựu thư ký của Ủy ban Nobel NaUy cũng đã bày tỏ sự hối tiếc về quyết định trao giải.

Việc ông Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình là một trong những ký ức mà người châu Âu không muốn nhìn lại. Bởi phần lớn họ đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách như cuộc nội chiến Syria đã lan ra toàn lục địa châu Âu với hơn một triệu người tị nạn.

Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng, việc không chấp nhận giải Nobel này là rất không công bằng đối với Tổng thống Obama.

Bằng việc trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho Tổng thống Obama, Ủy ban trao giải Nobel hy vọng nước Mỹ sẽ không còn nắm quyền bá chủ. Người Na Uy mong muốn một tổng thống Mỹ có thể “tăng cường ngoại giao và hợp tác quốc tế  giữa các nước”. Họ muốn một nhà lãnh đạo có thể nhấn mạnh "vai trò của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác", quyết định của người này sẽ theo sát "quan điểm của phần lớn dân số thế giới."

Chủ nghĩa xuyên quốc gia cho rằng tất cả các quốc gia dù mạnh hay yếu, tự do hay không tự do vẫn phải tuân theo "những chuẩn mực" được đặt ra bởi các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu. Những người theo quan điểm xuyên quốc gia không chấp nhận được việc có một quốc gia nào đó áp đặt ý muốn của mình lên những nước khác, dù cho quốc gia đó có ý tốt.

Ông Obama đã và vẫn là một người theo chủ nghĩa xuyên quốc gia,  đội ngũ tư vấn chính sách đối ngoại của ông là những người có cùng tư tưởng, như  nhà báo Samantha Power, Hiệu trưởng Trường Luật Yale, Harold Koh và học giả Anne-Marie Slaughter.

Trong bài phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình tại Oslo, ông Obama nói: "Tôi tin vào việc tôn trọng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế, khuyến khích những nước tuân theo những chuẩn mực này đồng thời cô lập và làm suy yếu những nước không tuân theo."

Nhưng kết quả thực tế lại là một vấn đề khác. Tất cả đều được thể hiện rõ tại thành phố Aleppo, nơi chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Assad vẫn tiếp tục lên kế hoạch công kích Aleppo với sự hỗ trợ của Nga, Iran.

Quân chính phủ Syria đã nã pháo vào nhà dân, thả bom vào những tòa nhà còn sót lại của thành phố. Phi công Nga tích cực thả vũ khí gây cháy. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị biến thành nạn nhân của trận chiến.

Tại Oslo năm 2009, ông Obama đã nói về tình huống tương tự như những gì đang diễn ra ở Syria: “Việc thờ ơ không hành động sẽ cắn xé lương tâm chúng ta và những hành động can thiệp sau này có thể sẽ tốn kém hơn nữa."

Trong cuộc tranh luận phó tổng thống hôm 4-10, Thống đốc Mike Pence của đảng Cộng hòa đã nói về việc thành lập vùng cấm bay để bảo vệ thường dân trong khi Thượng nghị sĩ Tim Kaine đảng Dân chủ kêu gọi thành lập một "vùng nhân đạo" ở Aleppo. Điều đáng nói là trong tuần này Nga đã triển khai hệ thống phòng không SA-23 Gladiator lần đầu tiên ở Syria. Hệ thống SA-23 có thể đánh chặn máy bay cũng như tên lửa. Đây là một bước đi cho thấy chính phủ Syria sẽ mạnh tay hơn nếu Mỹ có bất kỳ hành động quân sự nào ở Syria trong tương lai.

Ngoài ra, theo Wall Street Journal, việc mở rộng ảnh hưởng của Nga và Iran ở Trung Đông là hệ quả của sự rút lui mang tính chiến lược lâu dài của phương Tây ở khu vực này.

Nga  cũng đang ngày càng đe dọa châu Âu. Ngày 5-10, Bộ Quốc phòng Pháp tiết lộ rằng tháng trước máy bay quân sự của Nga đã đi sát không phận của Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh, khiến cả bốn nước đều triển khai máy bay chiến đấu. Đây là kết quả của một nước Mỹ nhân nhượng mà người châu Âu mong  muốn vào năm 2009.

Sau 7 năm, vẫn còn một câu hỏi: Ủy ban Nobel nghĩ  rằng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ chỉ là một nước nhỏ, không nắm quyền bá chủ trên thế giới? Tại Mỹ, một số người cho rằng việc Mỹ rút lui có thể khiến châu Âu đứng ra chịu trách nhiệm đảm bảo vùng ngoại vi của châu lục. Đây không phải là một giả định không hợp lý, nhưng nó đã được chứng minh là sai. Châu Âu vẫn còn hạn chế trong phạm vi lãnh thổ châu lục như trước đây.

Năm 2009, Ủy ban Nobel và giới trí thức cho rằng nếu không có "chính sách đơn phương" của Mỹ, thế giới có thể giải quyết các mâu thuẫn giống như cách mà EU đã giải quyết những tranh chấp về trợ cấp nông nghiệp. Đó là khi những người ủng hộ EU như nhà sử học Tony Judt viết thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Âu và phần còn lại của thế giới sẽ đi theo cách đối thoại của châu Âu.

Tuy nhiên, đã qua bảy năm, người châu Âu vẫn chỉ có thể giải quyết những tranh chấp về trợ cấp. Và vì hy vọng không thành nên châu Âu đã không còn yêu thích và ủng hộ ông Obama nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm