Nóng 'cuộc chiến' Trump-Bolton

Ngày 16-6 (giờ địa phương), Bộ Tư pháp Mỹ kiện cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn ông Bolton công khai cuốn hồi ký của mình (dự kiến vào cuối tháng này). Đơn kiện đến một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông Bolton sẽ vi phạm luật pháp nếu xuất bản cuốn sách.

Quyết chặn ông Bolton ra sách liên quan ông Trump

Lý lẽ Bộ Tư pháp đưa ra khi kiện ông Bolton là lo ông sẽ làm lộ bí mật an ninh quốc gia.  Trong đơn kiện gửi lên tòa án thủ đô Washington DC, các công tố viên cho rằng cuốn hồi ký dày hơn 500 trang viết tay của ông Bolton chứa đầy thông tin mật. 

Theo đài CNN, đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ là đỉnh điểm của căng thẳng kéo dài nhiều tháng trời giữa Nhà Trắng và ông Bolton quanh việc công bố cuốn sách, vốn được cho là sự chỉ trích nặng nề với chính sách đối ngoại của ông Trump.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thời còn làm việc tại Nhà Trắng. Ảnh: USA TODAY

Đây cũng là động thái mạnh nhất của chính phủ ông Trump trong những năm gần đây nhằm ngăn chặn một cựu cố vấn tổng thống bàn tiêu cực về cách làm việc, quyết định, chính sách của tổng thống, theo CNN.

Theo nhiều nhà quan sát, chuyện để lộ an ninh quốc gia khó có thể xảy ra với một người có quan điểm cứng rắn, kín kẽ và không nhượng bộ về quyền lợi quốc gia như ông Bolton. Ông Bolton từng nói với báo Washington Post rằng mối quan tâm duy nhất của ông là an ninh quốc gia Mỹ.

Vì sao ông Trump phải chặn hồi ký ông Bolton?

Vậy lý do thực sự khi chính phủ ông Trump cố ngăn ông Bolton công bố cuốn sách là gì? Trong cuốn hồi ký của ông Bolton có những gì?

Báo The Guardian dẫn thông cáo báo chí của nhà xuất bản cho biết trong cuốn sách ông Bolton đề cập “một loạt chủ đề hỗn loạn trong Nhà Trắng”, từ cách làm việc, cách ra quyết định bốc đồng, ngẫu hứng, bất nhất của vị tổng thống này;  đến cách ông Trump đối xử với các đồng minh lẫn kẻ thù, từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran, Anh, Pháp, Đức, Ukraine.

Trong cuốn sách ông Bolton viết hầu như mọi quyết định của ông Trump trong suốt thời gian ông làm việc ở Nhà Trắng đều phục vụ cho mục tiêu kiếm phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống tới.

Dẫn nhiều nguồn tin từng đọc qua bản viết tay chưa xuất bản của ông Bolton, báo New York Times cho biết trong sách ông Bolton viết ông Trump từng nói với ông trong một cuộc họp hồi tháng 8-2019 về chuyện giữ lại tiền hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ý ông Trump muốn giữ lại số tiền này chừng nào Ukraine giúp điều tra liên quan bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Bà Clinton là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và ông Bolton viết rằng ông Trump bực bội chuyện nhiều quan chức Ukraine công khai ủng hộ bà Clinton. Ông Biden là ứng viên tổng thống bên đảng Dân chủ, nhiều khả năng sẽ đối đầu ông Trump trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tại Nhà Trắng tháng 4-2019. Ảnh: Joshua Roberts/REUTERS

Ông Bolton viết bản thân ông cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã cố thuyết phục ông Trump giải ngân số tiền này cho Ukraine, nhưng không thành công.

Trên Twitter ngày 15-6 ông Trump nói ông chưa bao giờ nói với ông Bolton rằng khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine có liên quan với chuyện điều tra nhắm vào các nhân vật đảng Dân chủ trong đó có ông Biden. Ông Trump luôn khẳng định chuyện giữ lại khoản hỗ trợ này không hề có mục đích chính trị.

71 tuổi, tốt nghiệp đại học Yale, là luật sư và là ngoại giao phục vụ dưới thời Tổng thống George W. Bush với cương vị đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Ông Bolton là Cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông Trump, sau Tướng Michael Flynn và Tướng HR McMaster. Ông Bolton nhận chức Cố vấn an ninh quốc gia từ tháng 4-2018, nhưng mối duyên của ông với ông Trump chỉ kéo dài 17 tháng. Ông Bolton rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 9-2019 với lý do bất đồng chính sách với ông Trump. Trong khi ông Trump nói ông sa thải ông Bolton thì ông Bolton nói mình chủ động từ chức.

Trump-Bolton, bất đồng khó hóa giải

Ông Bolton được biết là một "diều hâu" cánh hữu nổi tiếng, có quan điểm rất cứng rắn, ưu tiên thể hiện sức mạnh của Mỹ, sẵn sàng đánh phủ đầu các nguy cơ đe dọa.

Có thể nói bất đồng giữa ông Bolton và ông Trump đã lộ rõ ngay từ những ngày đầu. Trong khi ông Bolton luôn giữ quan điểm “đánh phủ đầu” thì ông Trump chủ trương kéo quân Mỹ khỏi các cuộc xung đột hiện tại, và không hề có ý muốn bắt đầu một cuộc xung đột mới nào. Cần nhớ lại rút quân Mỹ khỏi “các cuộc chiến không hồi kết” là một mục tiêu tranh cử của ông Trump.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là người có quan điểm rất cứng rắn trong đối ngoại. Ảnh: AXIOS

Có thể nói ông Bolton bất đồng với ông Trump ở phần lớn các khía cạnh của chính sách đối ngoại.

Với Nga, trong khi ông Trump chủ trương cải thiện quan hệ với Nga thì ông Bolton chủ trương rắn, không nhượng bộ. Tuy nhiên có điểm lưu ý là hai ông lại thống nhất chuyện rút Mỹ khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga cũng như một số hiệp định song phương khác.

Với Trung Quốc, Nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng ông Bolton là một trong những nhân vật hiếu chiến nhất với Bắc Kinh trong chính phủ ông Trump. Nhắc đến căng thẳng giữa Mỹ và Huawei thì phải nhắc đến ông Bolton vì ông là người bắt đầu chiến dịch vận động Mỹ và các đồng minh không sử dụng thiết bị công nghệ của tập đoàn này. Nhớ lại sau khi ông Bolton rời Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng rằng nước này hy vọng kế nhiệm ông Bolton sẽ là người có vai trò tích cực trong thúc đẩy quan hệ hai nước.

Với Triều Tiên, ông Bolton chủ trương rắn, quyết duy trì trừng phạt đến khi nào Triều Tiên nhượng bộ chịu giải trừ hạt nhân. Trong khi đó ông Trump lại chủ trương thúc đẩy ngoại giao để tìm thỏa thuận.

Trong khi ông Trump hào hứng với các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì ông Bolton lại bi quan rằng các cuộc gặp này sẽ chẳng mang lại điều gì. Bản thân ông Bolton từng bị nhiều quan chức chính phủ ông Trump trách là đã thiết kế các yêu cầu quá đáng để rồi Triều Tiên không chịu thỏa hiệp, dẫn tới việc ông Trump và ông Kim không thể có được tuyên bố chung trong lần gặp thượng đỉnh thứ hai.

Về Afghanistan, trong khi ông Trump muốn có thỏa thuận với phiến quân Taliban thì ông Bolton lại phản đối. Ông Bolton nói không thể tin được Taliban, không hài lòng chuyện ông Trump mời đại diện Taliban đến Mỹ đàm phán, nhưng không thể cản được ý muốn tổng thống.

Ông Bolton cũng phản đối các kế hoạch rút quân khỏi Syria và Afghanistan của ông Trump.

Về Venezuela, ông Bolton cũng muốn ông Trump có các hành động cứng rắn hơn với nước này, cụ thể nên có phương án quân sự để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.

Có thể nói Iran là vấn đề Iran ít bất đồng nhất giữa ông Bolton và ông Trump. Hay nói cách khác, chính ông Bolton là người thiết kế lập trường cứng rắn với Iran cho ông Trump. Hai ông đồng ý về chuyện rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Năm 2015 ông Bolton từng có bài trên New York Times với tựa đề “Để chặn bom của Iran, hãy đánh bom Iran”. Năm 2018, trong một bài viết trên Wall Street Journal trước khi làm cố vấn cho ông Trump, ông Bolton nói Mỹ hoàn toàn có quyền hợp pháp đánh phủ đầu Triều Tiên để loại bỏ đe dọa hạt nhân.

Không chỉ được biết đến với các chủ trương, quan điểm đối ngoại cứng rắn, ông Bolton còn nổi tiếng với phong cách làm việc khác người. Thời còn ở Nhà Trắng, không giống các thành viên nội các khác, ông Bolton rất hiếm khi tham dự các cuộc họp chung, thường có cơ chế làm việc và quyết định riêng. Phong cách làm việc này không được ông Trump hài lòng.

Cuốn sách “Căn phòng nơi câu chuyện xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng” của ông Bolton dự kiến sẽ được công bố ngày 23-6 tới. Ban đầu cuốn sách dự kiến sẽ công bố vào tháng 3, nhưng đã bị hoãn hai lần. 

Cuốn sách của ông Bolton đã được chuyển đến các cơ sở chuẩn bị phân phối. Ông Bolton đã ghi hình một cuộc phỏng vấn với đài ABC dự kiến sẽ phát vào cuối tuần này. Một nguồn tin thân cận ông Bolton cho biết ông hiện vẫn quyết tâm sẽ công bố sách đúng ngày.

Luật sư của ông Bolton cho biết đang xem xét đơn kiện của chính phủ và sẽ có phản ứng phù hợp. Luật sư Charles Cooper đại diện ông Bolton nói đã gửi Nhà Trắng một bản photo bản viết tay của ông Bolton vào ngày 30-12-2019, theo quy định chung khi một cựu quan chức muốn viết hồi ký.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.