Những cuộc tập trận tốn kém và nhạy cảm

Trước sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã rời địa điểm từ biển Hoàng Hải (phía Tây bán đảo Triều Tiên) sang biển Nhật Bản và bất chấp cảnh báo trả đũa chiến tranh hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vẫn được hoàn tất sau 4 ngày (diễn ra từ 25 đến 28/7) nhằm thử nghiệm các vũ khí tối tân cũng như các phương án tác chiến chống tàu ngầm hiện đại nhất mà lực lượng hải, không quân của hai quốc gia có được.

Cuộc tập trận này mang tên "Tinh thần vô địch" giữa Mỹ - Hàn, được thế giới đặc biệt quan tâm không chỉ bởi đây là cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ năm 1976 giữa Mỹ và Hàn Quốc mà bởi những phản ứng tức thời của Trung Quốc diễn ra trước và sau nó.

Cuộc tập trận "Tinh thần vô địch" được Mỹ và Hàn dự tính thực hiện vào giữa tháng 6 với sự tham gia của một lực lượng quân tinh nhuệ 8.000 lính cùng với khí tài hiện đại nhất do hàng không mẫu hạm nổi tiếng thế giới USS George Washington dẫn đầu 20 tàu chiến khác và 200 máy bay tại một vùng biển Hoàng Hải được xem là cửa ngõ đi vào Trung Quốc.

Tuy rằng cả Seoul và Washington nói rằng họ thực hiện những biện pháp trừng phạt mới và đồng thời tổ chức một loạt cuộc tập trận quân sự chung có tính răn đe ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên nhằm trả đũa vụ chìm tàu chiến Hàn Quốc hồi tháng 3 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, nhưng Bắc Kinh không cho là vậy.

Những cuộc tập trận tốn kém và nhạy cảm ảnh 1

Khu vực tập trận của Mỹ - Hàn và Trung Quốc

Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn xảy ra trên vùng biển nhạy cảm nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc - nơi các căn cứ không quân và hải quân của Trung Quốc được bố trí trên bán đảo Shandong. Với sự có mặt của USS George Washington có khả năng đặt một bộ phận lớn vùng duyên hải Trung Quốc và cả thành phố Bắc Kinh vào "tầm ngắm". Đây "sẽ là thách thức điểm mấu chốt chiến lược cũng như hệ thống phòng vệ bờ biển của Trung Quốc", tờ báo Global Times dẫn lời các nhà chiến lược Trung Quốc cho biết như vậy.

Trung Quốc không chỉ bày tỏ lo ngại về kế hoạch tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc mà bằng hành động họ đã đáp trả lại cuộc phô diễn lực lượng hải quân Mỹ-Hàn khi nó chưa kịp xảy ra.

Từ ngày 30/6 đến 5/7, lực lượng Hải quân thuộc Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã hoàn thành một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn kéo dài 6 ngày ở khu vực biển Đông Hải. Cuộc tập trận này có sự tham gia của một số lượng lớn tàu chiến, tàu khu trục và cả máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Trong đó, Hải quân Trung Quốc đã trình diễn tên lửa chiến lược có khả năng xóa sổ bất cứ hàng không mẫu hạm nào của đối phương và bắn đạn thật vào các mục tiêu giả định ở 8 khu vực đánh cá nằm trong vùng đặc quyền của Trung Quốc (EEZ).

Trước thái độ cứng rắn của Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đã hoãn ngày cùng với địa điểm tập trận để tránh căng thẳng đang leo thang. Tuy nhiên, sau đó cuộc tập trận đã diễn ra.

Những cuộc tập trận tốn kém và nhạy cảm ảnh 2

Mỹ - cường quốc trên biển

Trong 4 ngày diễn ra cuộc tập trận "Tinh thần vô địch", Hàn Quốc đã triển khai và đưa vào thử nghiệm trên thực tế các loại vũ khí hiện đại nhất của mình mới có như tàu đổ bộ 14.000 tấn Dokdo, tàu khu trục 4,500 KDX-II, tàu ngầm 1.800 tấn lớp Son Won-il. Còn Mỹ có cớ để thử nghiệm khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu tàng hình F-22 trước mạng lưới rada và hệ thống phòng không dày đặc của Bình Nhưỡng khi cho 4 chiếc F-22 tàng hình bay qua không phận CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó khu trục hạm Hàn Quốc nã thiết bị đánh lạc lướng ngư lôi. Phi cơ của Mỹ bay phía trên các chiến hạm thả bom săn tàu ngầm… Ngoài ra, ở cách xa phạm vi tập trận, Hải quân Mỹ biến 4 máy bay không người lái trên Thái Bình Dương thành tro bằng thiết bị phóng laser trong một thử nghiệm mới nhất.

Dường như cuộc tập trận này đã chứng minh rằng cho tới nay vị trí cường quốc trên biển của Mỹ vẫn chưa có địch thủ và Seoul có khả năng kiểm soát và điều hành rất tốt hoạt động của Quân đội Hàn Quốc nếu chiến tranh xảy ra. Kết quả này đã khiến Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược quân sự mới mang tên "Liên minh Chiến lược năm 2015". Theo đó, trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc sẽ có vai trò lớn hơn để Mỹ dồn sức nhằm giải quyết "dứt điểm" các vấn đề trên không và trên biển.

Những cuộc tập trận tốn kém và nhạy cảm ảnh 3

Trung Quốc - "sẵn sàng cho các cuộc đụng độ quân sự lớn"

Giữa lúc quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, quân đội Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận mới diễn ra ngày 26/7. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn ở bờ biển phía Đông nước này. Tờ Xinhua cho hay: Pháo binh thuộc quân khu Nam Kinh, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ vùng bờ biển phía Đông Trung Quốc, đã bắn đạn thật gần biển Hoàng Hải. Cuộc tập trận bao gồm cả phóng tên lửa tầm xa, diễn tập khả năng do thám và tình báo chiến trường sử dụng các trang thiết bị như máy bay do thám không người lái và radar.

Tàu chiến và tàu ngầm thuộc hạm đội biển Đông của hải quân Trung Quốc bắn tên lửa dẫn đường trong một cuộc tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu trên biển. Phi đội máy bay của hải quân thì tham gia chiến dịch kiểm soát trên không.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức giám sát tập trận, ông cho rằng PLA đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và chuẩn bị "sẵn sàng cho các cuộc đụng độ quân sự lớn".

Hoa Kỳ từng khẳng định mối quan tâm của Mỹ vào an ninh khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Nhưng việc tổ chức các cuộc tập trận như trên khiến người ta nghĩ, phải chăng đang diễn ra cuộc chạy đua để giành vai trò chủ đạo trong việc điều tiết mọi vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích cuối cùng của các nước trên thế giới muốn là biến Thái Bình Dương thành vùng biển thanh bình. Vậy thì những cuộc tập trận đầy tốn kém và nhạy cảm ấy dễ mà đi ngược lại nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao để duy trì hòa bình, hợp tác, cùng phát triển.

Theo Thanh Bình (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm