Nhật Bản: Người dân yêu cầu đảm bảo an toàn các nhà máy hạt nhân

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã khiến việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân trở thành đề tài được dư luận đặc biệt quan tâm tại Nhật Bản.

Quận Shinkango, thành phố Omaezaki, tỉnh Shizuoka chỉ cách Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka 2km. Từ trước đến nay, người dân trong quận Shinkango luôn an tâm dù sống sát cạnh nhà máy bởi niềm tin vào độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Nhưng sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, người dân đang đặt câu hỏi “Liệu nhà máy điện hạt nhân Hamaoka có còn an toàn nữa không?”.

Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka đã tổ chức những buổi thuyết trình về kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhà máy điện. Đó là kế hoạch xây dựng thêm một con đê chắn sóng cao 12m, dài 1.500m và bổ sung thêm các nguồn điện dự phòng.

Nhật Bản: Người dân yêu cầu đảm bảo an toàn các nhà máy hạt nhân ảnh 1

Theo ông Kobayashi, người đứng đầu chính quyền của quận Shinkango, kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhà máy đã giúp người dân an tâm được phần nào nhưng như thế là chưa đủ. Con người khó có thể lường hết được mức độ của thiên tai. Do đó, cần xây dựng thêm kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra thiên tai. Ông Kobayashi cho biết một điều khiến người dân địa phương đang lo lắng là nơi lánh nạn của quận hiện chỉ là nhà văn hóa đã có tuổi đời 30 năm và được xây bằng gỗ. Mong muốn của người dân là có được một nơi lánh nạn bằng bê tông để có thể chống chịu tốt hơn với chất phóng xạ khi nhà máy gặp sự cố.

Ông Kobayashi nói: “Chúng ta không thể biết được khi nào thiên tai ập đến. Vì vậy, tôi mong muốn công ty điện lực và chính phủ tính đến nhiều phương án khác nhau. Đó cũng là nguyện vọng của toàn bộ người dân trong vùng”.

Sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã khiến chính quyền các địa phương của Nhật Bản thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của mình trong việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Thay vì giao phó hoàn toàn cho các công ty điện lực và Cơ quan an toàn hạt nhân, chính quyền các địa phương đã thực sự vào cuộc. Ông Nishikawa, Tỉnh trưởng tỉnh Fukui - nơi có nhà máy điện hạt nhân Tsuruga - tuyên bố nếu các biện pháp bảo đảm an toàn không được tiến hành nhanh chóng, chính xác với sự chấp thuận và giám sát của người dân, tỉnh Fukui sẽ không đồng ý cho xây thêm lò phản ứng số 3 và số 4.

Giáo sư Yoshiaki Kawata thuộc Trường Đại học Kansai, một chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai tại Nhật Bản cho rằng sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã khiến “câu chuyện thần thoại về sự an toàn” của các nhà máy điện hạt nhân đổ vỡ. Theo Giáo sư Kawata: “Trước hết các nhà máy điện hạt nhân cần xây dựng lại kế hoạch phòng chống thiên tai của mình. Tôi cho rằng sự sụp đổ của câu chuyện thần thoại về độ an toàn tuyệt đối của nhà máy điện hạt nhân là một điều hay. Bởi với câu chuyện này, chúng ta đã bị ru ngủ trong một thời gian dài. Nay chúng ta phải suy nghĩ lại tất cả các vấn đề xung quanh chủ đề điện hạt nhân”.

Theo giáo sư Kawata, người dân đang có cái nhìn nghiêm khắc và thận trọng hơn với nhà máy điện hạt nhân. Nhưng chính nhờ sự tham gia của toàn xã hội vào chủ đề này, chắc chắn các nhà máy điện hạt nhân sẽ trở nên an toàn hơn nhiều so với trước đây.

Trong một diễn biến liên quan, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Iukio Edano cho biết những người dân phải sơ tán vì sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể quay trở lại ngôi nhà của mình sớm nhất trong 6 tháng nữa. Tuyên bố đưa ra sau khi Công ty điện lực Tokyo, đơn vị quản lý Nhà máy này đệ trình kế hoạch ổn định phóng xạ ngày 17/4/2011. Kế hoạch gồm 2 giai đoạn là vận hành hệ thống làm mát mới và đưa nhiệt độ các thanh nhiên liệu xuống trạng thái ổn định, trong giai đoạn này sẽ kiểm soát được tình trạng rò rỉ phóng xạ.

Ông Edano cho biết tin tưởng vào tính khả thi của kế hoạch này và khẳng định chính phủ sẽ theo dõi tình hình một cách chặt chẽ do lo ngại việc các dư chấn mạnh tiếp tục xảy ra có thể ảnh hưởng tới tiến độ của kế hoạch này.

Theo PV (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm