Nga-Trung Quốc muốn thử quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn?

Hôm 23-7, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Hàn Quốc (JCS) cáo buộc máy bay quân sự Nga và Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không của nước này (KADIZ). Máy bay do thám A-50 Nga đã hai lần xâm phạm không phận Hàn Quốc, buộc chiến đấu cơ Hàn Quốc phải bắn cảnh cáo 20 phát pháo sáng và 360 phát đạn.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật-Hàn bước vào giai đoạn căng thẳng do những bất đồng xung quanh vấn đề đền bù nạn nhân cưỡng ép lao động thời kỳ Thế Chiến II.

Bất đồng này sau đó đã mở màn cho cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước, với lệnh hạn chế xuất khẩu các vật liệu sản xuất đồ điện tử và vi mạch của Tokyo hồi đầu tháng 7.

Các chiến đấu cơ F-15K thuộc biên chế Không quân Hàn Quốc xuất kích can thiệp khi máy bay Nga xâm phạm KADIZ. Ảnh: EPA 

Tờ The Korean Heraldcảnh báo những mâu thuẫn trên nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quân sự ba bên với Mỹ. Thậm chí, căng thẳng Nhật-Hàn còn có thể làm suy yếu mạng lưới đồng minh tại châu Á mà Mỹ luôn đánh giá là chìa khóa cho ổn định khu vực.

Ngoài ra, sự kiện xâm phạm KADIZ cũng xảy ra trùng với thời điểm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton có chuyến thăm đến Seoul, tại đây ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác an ninh ba bên.

“Có khả năng việc tiếp cận KADIZ là hoàn toàn có chủ đích nhằm thử nghiệm tình trạng hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản. Trung Quốc và Nga có thể tìm cách để xem xét cách Hàn Quốc cùng Nhật Bản phản ứng. Tuy nhiên chưa rõ liệu Trung Quốc và Nga có canh thời gian để chuyến bay này trùng với thời điểm chuyến thăm Seoul của ông Bolton hay không”, Giáo sư Chính trị Quốc tế Nam Chang-hee thuộc Đại học  Inha (Hàn Quốc) nhận xét.

Chuyên gia về quân sự Ni Lexiong, hiện đang làm việc tại Thượng Hải, chia sẻ vụ việc có thể nhằm gửi thông điệp rằng Trung Quốc đang tăng cường theo dõi các hoạt động của Mỹ ở Đông Bắc Á.

"Đây cũng có thể là một thông điệp gửi tới Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, rằng chúng tôi đang ở cạnh nên đừng ngả quá sâu về phía Mỹ, đặc biệt là khi  thương chiến đang diễn ra", ông Lexiong nói.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc máy bay quân sự Nga và Trung Quốc tiếp cận KADIZ ít nhiều có liên quan đến đề xuất của Washington về thành lập một liên minh quân sự quốc tế bảo vệ tự do hàng hải ở vịnh Hormuz.

Theo hãng tin Yonhap, cả Moscow và Bắc Kinh lâu nay đều phản đối các động thái quân sự của Mỹ trong khu vực này. 

Sáng ngày 24-7, Thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc phụ trách quan hệ công chúng Yoon Do-han tuyên bố Nga đã cam kết với Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ lập tức mở một cuộc điều tra và thực hiện các bước đi cần thiết.

Nước này cũng được cho là đã "hối tiếc sâu sắc" về sự cố và cho rằng đây là một sự cố kỹ thuật chứ không phải là hành động cố ý. 

Về phía Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nước này khẳng định vùng KADIZ không thuộc không phận của Hàn Quốc và mọi nước đều có quyền di chuyển qua vùng trời này.

Trả lời tờ South China Morning Post, cựu đại tá quân đội Trung Quốc Yue Gang nhận định do vùng ADIZ bị chồng lấn khiến chiến đấu cơ hai nước khó tránh khỏi chạm trán thường xuyên.

"Quân đội Trung Quốc cũng có những nhiệm vụ ở biển Hoa Đông và biển Nhật Bản. Máy bay quân sự của chúng tôi sẽ đi ngang qua ADIZ khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khó có khả năng xảy ra xung đột giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. ADIZ không phải là không phận quốc gia", ông Yue Gang nói. 

Cũng theo ông Yue Gang, việc máy bay Trung Quốc và Nga cùng xuất hiện trong KADIZ vào ngày 23-7 có lẽ chỉ là sự tình cờ chứ phối hợp từ trước, mặc dù South China Morning Post lưu ý rằng nhận định này không dựa trên cơ sở nào.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.