Nga và bài toán khó trong cân bằng quan hệ với Israel và Iran

Ngày 2-2, Nga có tuyên bố đầu tiên về kế hoạch hòa bình Trung Đông do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất hôm 28-1. Tuyên bố của Nga được đưa ra ba ngày sau chuyến thăm đầy bất ngờ của Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu đến Moscow.

Dù chỉ trích kế hoạch của Mỹ vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Điện Kremlin không nhắc đến Israel trong tuyên bố của mình. Điều này phần nào thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Israel dưới thời Tổng thống Putin dù cho Israel vẫn là một đồng minh chiến lược của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) ở Moscow ngày 30-1. Ảnh: AL MONITOR

Tuy nhiên, hãng tin Al Jazeera ngày 2-2 dẫn nhận định của chuyên gia Nikolay Kazhanov tại Viện Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng Moscow cần thận trọng vì quan hệ tốt đẹp với Israel có thể khiến Iran - một đồng minh truyền thống của Nga - cảm thấy lo ngại.

Quan hệ nồng ấm Nga - Israel

Ngày 23-1, ông Putin đến Israel dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung người Do Thái Auschwitz-Birkenau khỏi Đức Quốc xã. Đây là chuyến thăm Israel thứ ba của ông Putin từ khi lên nắm quyền năm 2001.

Chỉ vài ngày sau đó, Tel Aviv thông báo cho Moscow về chuyến thăm của Thủ tướng Nentayahu. Gấp rút trong chưa đầy ba ngày, hai bên đã thương lượng và thống nhất việc Nga sẽ thả bà Naama Issachar - một công dân Israel bị Moscow bắt giữ hồi tháng 4-2019 vì cáo buộc buôn ma túy.

Chuyên gia Kazhanov dẫn quan điểm của một số nhà quan sát tin rằng Nga bắt giữ bà Issachar nhằm gây áp lực để Israel thả ông Alexey Burkov - một công dân Nga bị Israel bắt giữ và dẫn độ sang Mỹ. Đáng chú ý, dù ông Burko đã bị Israel giao cho nhà chức trách Washington hồi tháng 11-2019, Nga vẫn đồng ý thả bà Issachar.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng trại tập trung người Do Thái Auschwitz-Birkenau khỏi Đức Quốc Xã. Ảnh: AP

Về phía ngược lại, Israel thường xuyên đứng về phía Nga trong cuộc tranh luận về vai trò của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai - một chủ đề luôn được Tổng thống Putin đặc biệt quan tâm vì ông muốn xây dựng lại quyền lực của nước Nga, ông Kazhanov phân tích. 

Nga hưởng lợi từ quan hệ với Israel

Theo ông Kazhanov, Nga đã hỗ trợ Thủ tướng Israel tái đắc cử vì được hưởng lợi từ quan hệ tốt đẹp với Israel.

Đầu tiên, quan hệ tốt đẹp Nga - Israel góp phần phá hoại ý định của các quốc gia phương Tây muốn cô lập Nga trên trường quốc tế. Tel Aviv còn đóng vai trò quan trọng giúp Moscow gia tăng lợi ích ở Trung Đông.

Thứ hai, việc hợp tác với Israel - quốc gia có tiếng nói quyết định trong các thỏa thuận quan trọng ở Trung - Cận Đông (đặc biệt là thông qua quan hệ đồng minh của Israel với Mỹ) giúp Nga để đảm bảo vị trí của mình ở Syria.

Thứ ba, Israel là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Nga trong khu vực. Hai nước còn có quan hệ văn hóa mạnh mẽ khi nhiều cộng đồng người Do Thái sau khi rời khỏi các nước thuộc Liên Xô cũ đã tới định cư ở Israel.

Nga vẫn không thể lơ Iran

Tuy nhiên, quan hệ tốt đẹp với Israel có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác truyền thống của Nga với Iran - một đối thủ của Tel Aviv ở Trung Đông, ông Kazhanov cảnh báo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) ngày 9-1 bên lề Hội nghị của Hội đồng Kinh tế cấp cao Á-Âu. Ảnh AFP

Đầu năm nay, Iran cảnh báo sẽ tấn công vào các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông (bao gồm Israel) để trả đũa việc Mỹ tấn công hạ sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, một trong những nhân vật quyền lực hàng đầu ở Tehran. Tuy nhiên, may mắn cho Nga là Iran đã chọn các mục tiêu ở Iraq thay vì Israel.

Bản thân Nga không có nhiều tuyên bố về vấn đề này, ông Kazhanov nhận định. Sau cái chết của ông Soleimani, Moscow chỉ tuyên bố lên án vụ tấn công và tích cực hơn, đề nghị trở thành trung gian hòa giải cho Mỹ và Iran.

Theo ông Kazhanov, mục tiêu của Nga là “duy trì nguyên trạng” và “không để cho xung đột Iran - Israel trở thành một xung đột mở”. Moscow muốn tránh khả năng phải cắt đứt quan hệ với một trong hai bên Iran và Israel một khi xung đột vũ trang bùng phát. 

Tuy nhiên, ông Kazhanov cũng cảnh báo “nguy cơ leo thang căng thẳng khác giữa Mỹ và Iran vẫn còn cao, có nghĩa là Moscow có thể sẽ phải vất vả để hành động một cách cân bằng giữa Tehran và Tel Aviv trong tương lai”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm